Tuần trước, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã ký thỏa thuận mua 30% cổ phần của Ngân hàng Gia Định. Thực tế, Vietcombank chỉ mua được 11% và phần còn lại thuộc về Vietcombank Fund Management (VCBF) - một công ty quản lý quỹ liên doanh giữa Vietcombank và Viet Capital Holdings của Singapore.

Bản thân Vietcombank muốn nắm giữ toàn bộ 30% kia nhưng không được vì hiện tại luật chỉ cho phép một ngân hàng được góp vốn vào một đơn vị khác, bất kể là một ngân hàng hay một doanh nghiệp và cũng không cần biết đó là liên doanh hay cổ phần, với tỷ lệ không quá 11% vốn điều lệ của đơn vị được đầu tư. Nếu muốn hơn thì phải xin. Ông Vũ Viết Ngoạn, Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết đi xin sẽ mất nhiều thời gian trong khi cơ hội đến thì không thể chần chừ.

Mục đích chính của quy định này là nhằm tránh việc các ngân hàng mở ra quá nhiều các công ty con và "xả giàn" cho chúng vay, như thế sẽ tạo ra tâm lý ỷ lại và những hậu quả của nó, trong khi ngân hàng là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm và dễ tạo hiệu ứng dây chuyền. Tuy nhiên, với việc một ngân hàng đầu tư vào một ngân hàng khác, thì theo ông Ngoạn, tỷ lệ này không còn cần thiết. Trao đổi với TBKTSG, ông Ngoạn nói: "Đồng ý rằng đầu tư quá 11% thì vẫn được nhưng phải xin, nhưng một khi có kẻ xin-người cho thì đó là cơ chế xin-cho, và nó sẽ nảy sinh rất nhiều phiền phức".

Nhưng nếu quy định này không thay đổi thì có "chết" ai không? Xu hướng mua lại và sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng đã được dự báo sẽ diễn ra trong vòng năm, mười năm tới, nhưng chỉ với 11% thì chưa đủ để một ngân hàng tiếp quản một ngân hàng khác. Hơn nữa, gần đây HSBC đã được phép mua 15% cổ phần của Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), tức đèn xanh đã được bật, không lẽ một ngân hàng trong nước không thể mua 15% cổ phần của một ngân hàng khác trong nước? Đấy là chưa nói đến việc đã có ngân hàng nước ngoài khi ký thỏa thuận mua 10% của một ngân hàng trong nước thì đồng thời cũng thỏa thuận quyền được nâng tỷ lệ này lên 20% trong tương lai.

Ngay cả việc khống chế ngân hàng chỉ được góp không quá 11% vốn của một doanh nghiệp cũng có vấn đề. Nhiều doanh nghiệp nhà nước nợ như "chúa chổm", không những nợ mà còn nợ xấu. Các doanh nghiệp này được yêu cầu phải cổ phần hóa, nhưng cổ phần hóa sao được nếu số nợ kia chưa được giải quyết. Đã có nhiều đề xuất cho chuyển nợ thành vốn góp để tháo gỡ khó khăn này nhưng lại vướng rào cản 11%. Ngân hàng vẫn có thể thành lập công ty con 100% vốn của mình kia mà! Vấn đề căn bản ở đây là miễn sao ngân hàng đừng cho con mình vay quá sức là được.

© Copyright 2007 by Intellasia.net