TTCKVN tháng 9 vừa qua đã có sự hồi phục và chạy đà ấn tượng cho quá trình đi lên: Vn-Index chạy một mạch từ 901,17 (ngày 29.8) lên 1.099,48 (ngày 2.10), tức tăng hơn 22%. Cả thị trường niêm yết lẫn OTC lại sôi sục trong cơn lốc kiếm lợi nhuận.

Nguồn tiền tỉnh giấc

Xu hướng tăng điểm liên tục xen kẽ những ngày điều chỉnh rất nhỏ, nhỏ đến mức làm cho không ít dân "lướt sóng sành sỏi" cũng phải bất ngờ, khi mà biên độ điều chỉnh không bù đắp được chi phí giao dịch.

Và họ xuýt xoa tiếc nuối, khi CP của mình bán đi không điều chỉnh đến mức mình mong muốn, cùng với đó là hành động phải mua lại với giá cao hơn. Và họ đã bắt đầu có chiến thuật chuyển sang nắm giữ lâu hơn, đến mức giá mà họ đánh giá cao nhất CP có thể đạt đến trước khi bước vào quá trình "retest" (giảm trở lại) - mà họ dự đoán là rất ngắn.

Tuy nhiên trong sự tăng giá đó, nhóm CP bluechips kín room "cảm thấy tủi phận" khi nhìn sang nhóm CP khác. Do những hạn chế room đã "kìm nén" giá trị thật của nó. Số lệnh trong một phiên cũng như số CP trên mỗi lệnh tăng hầu như đối với tất cả các CP cho thấy sự tự tin hơn của nhà đầu tư (NĐT). Giá trị giao dịch lại đạt mức hơn 1.300 tỉ đồng.

Tâm lý lạc quan đang dần trở lại, các NĐT có quan hệ với nhau lại thường xuyên liên lạc rủ nhau cùng mua CP mà họ chọn lựa. Và như thường lệ, thị trường phục hồi mạnh trong quãng thời gian vừa qua thì lượng tiền sẵn có trong các tài khoản, lượng tiền nhàn rỗi của các NĐT ngay lập tức tìm các CP giải ngân.

Tâm lý của NĐT lại có hiện tượng chưa mua được là mất "5%". Cùng với đó là luồng vốn đã chuyển qua các kênh khác khi thị trường đi xuống và nằm ngủ cũng đã và đang quay trở lại. Các sàn của các Cty CK náo nhiệt hơn rất nhiều, câu chuyện CP lại bắt đầu sôi nổi trở lại từ nhà hàng của tầng lớp trung lưu đến quán nước chè của bà bán nước và chú xe ôm.

OTC cũng "sôi"?

Khi thị trường niêm yết "vẫy gọi", thì thị trường OTC cũng đã có những phản ứng. Thực tế, thị trường OTC mặc dù "đi sau, nhưng luôn về trước" - do NĐT có thể giao dịch bất kể ngày hay đêm, cùng với việc không bị giới hạn bởi biên độ 5% hay 10%.

So với thời gian đỉnh điểm, giá của các CP OTC giảm bình quân khoảng hơn 50%, thậm chí có những CP bluechips ở OTC còn giảm đến hơn 70%.

Nếu so sánh hai DN tương đương nhau của một Cty có CP trên sàn niêm yết và một Cty trên OTC thì giá của CP ở OTC tại thời điểm hiện tại hấp dẫn hơn rất nhiều, NĐT có thể dễ dàng kiểm chứng điều này khi so sánh các CP NH, xây dựng, hay dầu khí. Chính điều này làm cho những CP OTC "bật lên nhanh" hơn rất nhiều - xét trên cùng khoảng thời gian.

Những NĐT kinh nghiệm nhanh nhạy luôn là người đi trước khi họ đã bắt đầu bỏ tiền tìm mua CP OTC. Điện thoại của những đầu mối OTC lại "rung" lên với tần suất tăng dần lên. Những từ như " có không", "bao nhiêu", "chốt"... cũng được sử dụng nhiều hơn.

Hơn nữa, sự nghèo nàn về thông tin của các Cty có CP trên thị trường OTC là cơ hội tốt cho các nhà "môi giới" và "dân buôn" OTC tô vẽ cho các CP của mình thêm phần hấp dẫn, điều này có được khi mà đã số NĐT vẫn thích các thông tin "mật" hơn là những thông tin được công bố chính thức. Các yếu tố này làm cho giá CP OTC thay đổi từng giờ.

Tuần qua, trên thị trường OTC những CP của Đạm Phú Mỹ được các NĐT lùng mua và giá đã tăng từ đầu 5 lên đến đầu 8. CP của Vinaconex cũng tăng mạnh lên đến hơn 75 nghìn đồng/CP, mặc dù trước đó không lâu đã có rao bán ở mức 54 nghìn đồng/CP.

Khi TTCK bắt đầu có sự sôi động, các Cty có kế hoạch tăng vốn bị hoãn lại tiếp tục kế hoạch của mình, khi hàng ngày có đến gần chục Cty thông báo ngày chốt quyền và một số Cty tuyên bố IPO, trong đó có NH lớn hàng đầu của VN là NH Ngoại thương VN.

Hiện nay, tâm lý thị trường là rất tốt. Nếu không có những biến cố lớn, thì TTCKVN tăng ra sao từ nay đến cuối năm phụ thuộc lớn vào tương quan cung - cầu. Liệu cầu có hấp thụ nổi nguồn cung? Câu trả lời sẽ có sau IPO của VCB.

© Copyright 2007 by Intellasia.net