Mới đây, UBCKNN đã nhận được văn bản giải trình của Công ty Doanh Chủ về việc lập Quỹ đầu tư chứng khoán DCF1, trong đó khẳng định họ tuân thủ theo Luật Doanh nghiệp và không hề vi phạm bất cứ quy định pháp luật nào. Trao đổi với ĐTCK về trường hợp này, một quan chức UBCKNN cho biết, DCF1 có dấu hiệu "lách luật" và Luật Chứng khoán chưa có quy định cụ thể để điều chỉnh hoạt động của DCF1.

Giải thích của Doanh Chủ

Theo công văn Doanh Chủ gửi UBCKNN, họ đã vận dụng Khoản 2, Điều 8 Luật Doanh nghiệp và lựa chọn hình thức hợp đồng góp vốn và hợp tác đầu tư, trong đó bên góp vốn là chủ thể của hợp đồng (là chủ tài sản theo quy định tại Khoản 4, Điều 4 Luật Doanh nghiệp) bao gồm Ban đại diện người đầu tư (3 người); bên nhận vốn là Công ty Doanh Chủ với các điều khoản cam kết về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi bên, từng người đầu tư sẽ ký bản phụ lục xác nhận việc góp vốn với Công ty căn cứ trên bản hợp đồng này. Trong bản hợp đồng có ghi rõ các công việc và giao dịch được bên góp vốn uỷ quyền cho bên nhận vốn thực hiện với đối tượng đầu tư là các chứng khoán đã và chưa niêm yết, các loại tài sản có tính thanh khoản cao khác.

Bản hợp đồng đã được ký và tất cả học viên tham gia đã góp đủ vốn kể từ ngày 1/9/2007 tổng cộng là 4,575 tỷ đồng với số lượng thành viên tham gia là 22, bao gồm: 18 cá nhân là học viên khóa 1 (góp 3,575 tỷ đồng); 3 cá nhân là cổ đông của Doanh Chủ; và pháp nhân Công ty Doanh Chủ (góp 1 tỷ đồng).

Doanh Chủ khẳng định, Công ty không thành lập công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán và tên gọi DCF1 chỉ là cách tự gọi của học viên khóa 1, không hề tồn tại trong hợp đồng ký giữa những học viên tham gia đầu tư và Công ty Doanh Chủ.

Lách luật

Trao đổi với ĐTCK, một quan chức UBCKNN phụ trách vấn đề này cho biết, Luật Chứng khoán điều chỉnh 3 loại hình: thứ nhất, công ty đầu tư chứng khoán, vốn 50 tỷ đồng trở lên; thứ hai, quỹ đầu tư chứng khoán thành viên có 30 pháp nhân; thứ ba, công ty đầu tư chứng khoán phát hành riêng lẻ có 100 thành viên trở lên. Trường hợp của Công ty Doanh Chủ, DCF1 nhận vốn góp của tối đa 99 thành viên, trong đó có cả pháp nhân và cá nhân, vốn chưa đến 50 tỷ đồng. Trong Luật có quy định hoạt động của những trường hợp cá nhân, tổ chức huy động vốn kinh doanh chứng khoán nhưng điều chỉnh như thế nào thì lại chưa quy định rõ. Như vậy, trong trường hợp này có thể thấy DCF1 đã "lách luật" để không chịu sự điều chỉnh của những quy định hiện hành.

Khi được hỏi ở khía cạnh Luật Doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Cung, Thư ký Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp cho biết, Luật Doanh nghiệp chỉ điều chỉnh hoạt động góp vốn vào công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh. Đặc biệt, số vốn đó phải trở thành vốn chủ sở hữu, kinh doanh cho bản thân doanh nghiệp chứ không điều chỉnh trường hợp góp vốn tạo ra doanh nghiệp đi làm dịch vụ kinh doanh cho người khác. Trường hợp của Doanh Chủ, theo ông Cung, sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán và các luật khác tùy vào lĩnh vực mà Quỹ DCF1 kinh doanh.

Đề cập đến quyền lập quỹ đầu tư của các tổ chức cá nhân, ông Cung cho biết, Luật Doanh nghiệp không quy định doanh nghiệp được quản lý quỹ, điều này có nghĩa là doanh nghiệp quản lý tiền của người khác để đầu tư sẽ phải tuân thủ theo pháp luật chuyên ngành. Trường hợp lập quỹ đầu tư chứng khoán phải thực hiện theo Luật Chứng khoán, lập quỹ đầu tư bất động sản phải thực hiện theo Luật Kinh doanh bất động sản...

Rủi ro

Quan chức UBCKNN cho biết, nếu Doanh Chủ nói rằng, họ vận dụng Luật Doanh nghiệp để nhận vốn góp thì những hoạt động đầu tư chứng khoán trên sẽ chịu thuế thu nhập doanh nghiệp 28% (thuế thu nhập đánh vào các công ty quản lý quỹ hiện là 20%). Một điều nhà đầu tư cần chú ý là trong trường hợp có tranh chấp phát sinh họ sẽ không được bảo vệ bởi Luật Chứng khoán.

Còn theo ông Cung, Quỹ DCF1 do không chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp nên khi có tranh chấp, nhà đầu tư cũng không viện được Luật Doanh nghiệp để bảo vệ mình. Ông Cung khuyến cáo nhà đầu tư nên thận trọng nếu vẫn muốn tiếp tục đầu tư theo hình thức trên.

Trong hồ sơ gửi UBCKNN, Doanh Chủ có nhắc đến trường hợp mua lại phần vốn góp của các thành viên và thanh lý hợp đồng. Chia sẻ quan điểm với ông Cung, một quan chức UBCKNN cũng khuyên nhà đầu tư có thể cân nhắc rút vốn để đảm bảo an toàn cho mình.

© Copyright 2007 by Intellasia.net