"Chúng tôi muốn niêm yết cổ phiếu Kinh Đô tại Singapore và còn tính đến chuyện mua lại cổ phiếu của các công ty trong và ngoài nước cùng ngành để mở rộng kênh phân phối", Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh Đô đã phát biểu như vậy trong buổi giới thiệu phát hành cổ phiếu trước 30 tổ chức tài chính quốc tế tại Singapore từ tháng 8/2005.

Ba tháng sau, giới kinh doanh trong nước xôn xao trước việc Kinh Đô đã mua hơn 30% cổ phiếu Tribeco, sau đó giành hai ghế trong HĐQT của doanh nghiệp này. Lãnh đạo Kinh Đô còn khẳng định sẽ không dừng lại ở Tribeco. Ngày 25/09/2007, Kinh Đô một lần nữa gây kinh ngạc cho giới đầu tư khi công bố bắt tay với Công ty cổ phần Thực phẩm Đồng Tâm (NUTIFOOD) để hình thành một liên minh chiến lược toàn diện. Cái bắt tay lần này cũng bao gồm việc Kinh Đô sẽ mua 30% cổ phần của Nutifood.

Khi đầu tư vào Tribeco trước đây, kế hoạch thu gom cổ phiếu được tiến hành lặng lẽ, do cổ phiếu Tribeco chỉ phát hiện ra khi mọi việc đã hoàn tất và khó có chọn lựa nào khác. Nhiều người cảm thấy tiếc cho lãnh đạo Tribeco khi đã dày công gây dựng và bị mua lại dễ dàng. Điều đáng ngạc nhiên là lãnh đạo Tribeco lại phát biểu trước báo giới rằng, việc Kinh Đô "thâu tóm" Tribeco là một tin vui, vì mở ra cơ hội mới. Sau đó, người ta thấy, một loạt hành động của Kinh Đô đã làm hiệu quả kinh doanh của Tribeco tăng lên rõ rệt.

Còn lần này, Nutifood dang là doanh nghiệp mạnh trong ngành sữa Việt Nam, có kế hoạch cụ thể để niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM trong năm 2007 và hoàn toàn có thể nói "không" với Kinh Đô. Điều gì đã thúc đẩy Nutifood chấp nhận khoản đầu tư của Kinh Đô và tham chuỗi sản phẩm của Công ty Kinh Đô?

Ông Lê Trung Thành, Tổng giám đốc Nutifood cho biết: "Nutifood mong muốn trở thành công ty Việt Nam hàng đầu trong lĩnh vực dinh dưỡng và mục tiêu này dễ thành hiện thực hơn nếu đi cùng, một đối tác như Kinh Đô". Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Thành cho rằng, con đường Nutifood chọn lựa là phát triển bền vững với dòng sản phẩm thực phẩm đa dạng, thay vì chỉ tập trung vào dòng sản phẩm sữa truyền thống và bước vào những lĩnh vực kinh doanh khác như bất động sản và tài chính. Và trong chiến lược "ngành sữa + +", đi cùng một đối tác lớn như Kinh Đô là lựa chọn không đơn giản của Nutifood.

Vẫn theo ông Thành, theo chương trình hợp tác, trong quý IV/2007, Kinh Đô và Nutifood sẽ bắt đầu kết hợp triển khai các chương trình marketing, mua chung các giải pháp truyền thông và cùng nhau đàm phán với các nhà cung cấp nguyên vật liệu . Sang quý I/2008, hai doanh nghiệp có kế hoạch cùng sản xuất sản phẩm bánh dinh dưỡng và triển khai các chương trình đào tạo chung. Trong câu chuyện này, Kinh Đô hiện có nhiều ưu thế hơn về mạng lưới phân phối, nhà máy sản xuất bánh kẹo và hoạt động đầu tư bất động sản.

Cuối cùng, đâu là điểm chung nhất mà Nutifood đã chia sẻ với Kinh Đô để cùng bắt tay nhau trong dòng chảy hợp tác, xu hướng đang hình thành ngày càng rõ rệt tại Việt Nam? "Nutifood sẽ giữ vững tốc độ tăng trưởng 30%/năm và cùng chia sẻ mục tiêu đưa doanh số của nhóm Công ty Kinh Đô đạt 1 tỷ USD/năm vào năm 2014. Và với các chương trình hợp tác toàn diện, mục tiêu này có thể đạt được sớm hơn", ông Thành giải thích.

Về phía Tập đoàn Kinh Đô mục tiêu tăng trưởng 30% mỗi năm đối với Nutifood cũng như với các doanh nghiệp trong nhóm không phải là chuyện nhỏ, nhất là khi quy mô các doanh nghiệp ngành ngày càng lớn hơn. Ông Nguyên cho biết, trong giai đoạn đầu, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp đạt 100% - 200% là không quá nhỏ, nhưng sau đó, khi quy mô lớn lên thì mục tiêu tăng trưởng 30% cũng là cao. Tuy nhiên, trong suốt 7 năm nay, Kinh Đô đã thành công trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bắt tay hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước là một phần bí quyết của sự thành công đó.

© Copyright 2007 by Intellasia.net