98% mã chứng khoán trên sàn tăng giá, hầu hết cổ phiếu được vét sạch, nhà đầu tư đặt lệnh mua vào tăng gấp đôi lệnh bán ra

Phiên giao dịch thứ 4 liên tiếp chỉ số VN-Index tăng điểm khiến tâm trạng của nhà đầu tư (NĐT) phấn khởi. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy thị trường tăng mạnh rồi sẽ giảm mạnh nên phiên tăng mạnh hôm qua đã làm NĐT lo lắng. Các chuyên gia khuyên NĐT phải biết khôn ngoan hơn từ kinh nghiệm của thị trường trong thời gian qua.

Hứng khởi phiên áp Tết

Mở cửa phiên giao dịch hôm qua (30-1), chỉ số VN-Index trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM đã tăng mạnh trên 33 điểm, tâm trạng phấn khởi của NĐT trong 3 phiên trước đó vẫn chưa nguôi nên họ liên tục đặt lệnh mua vào. Kết quả là sang phiên thứ 2 tăng mạnh hơn với mức tăng 37,07 điểm (4,56%). Tuy nhiên, không ít NĐT gom cổ phiếu lúc VN-Index dưới mốc 800 điểm đã nhân cơ hội này bán ra kiếm lời, nên thị trường có xu hướng chựng lại. Dù vậy, tổng khối lượng đặt mua vào của NĐT vẫn tăng gần gấp đôi khối lượng đặt bán. Cụ thể, họ đặt mua tổng cộng trên 25,4 triệu chứng khoán (tăng gần 28% so phiên trước), trong khi khối lượng đặt bán chỉ 13,5 triệu chứng khoán. Đóng cửa giao dịch, VN-Index đạt 843,1 điểm, tăng 31,49 điểm so phiên trước. Trong 143 mã chứng khoán tăng giá phiên này thì có đến 137 mã tăng trần (5%). ITA dù là ngày giao dịch không hưởng quyền để chia cổ tức bằng cổ phiếu 15%, giá hạ xuống còn 120.000 đồng/cổ phiếu, nhưng vẫn được NĐT mua vào ở mức trần. Ba mã chứng khoán “lạc loài” giảm giá phiên này là SAF, VHG và VNM. Đây là phiên thứ 3 liên tiếp từ khi chào sàn VHG giảm giá, rơi từ 120.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 86.000 đồng/cổ phiếu.

Cùng với xu hướng đi lên, hầu hết các mã chứng khoán trên sàn Hà Nội cũng tăng mạnh. HaSTC-Index tăng 18,07 điểm (6, 49%), gần chạm mốc 300 điểm, đạt 296,67 điểm. Trong tổng số 127 mã trên sàn Hà Nội, chỉ có 2 mã giảm giá, 2 mã đứng, còn lại đều tăng giá.

Phải biết chọn lựa

Chuyên gia chứng khoán Huy Nam cho rằng, thị trường đã có kinh nghiệm hơn trước nên dù tăng điểm, NĐT không nên chủ quan, phải biết chọn lựa những cổ phiếu tốt cũng như thời điểm để mua vào chứ không thể chạy theo phong trào, nhất là những NĐT mới. Theo phân tích của chuyên gia Huỳnh Anh Tuấn, sự tăng mạnh của thị trường khiến NĐT lo lắng là có cơ sở. Nhưng khác với thời điểm trước, những phiên gần đây, NĐT đã bắt đầu mua vào với nhiều niềm tin khác nhau. Cụ thể là do thị trường đã giảm quá sâu; cổ phiếu đã về gần với giá trị thực; một số chính sách của Nhà nước đã được “cởi trói” (trừ Chỉ thị 03 điều chỉnh chưa chính thức ban hành); kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết khả quan... thì việc Ngân hàng Nhà nước cảnh báo các ngân hàng TMCP cẩn trọng trong việc cho vay bất động sản cũng là một trong những yếu tố kích thích thị trường chứng khoán tăng mạnh.

Thêm nữa là vào những ngày cận Tết, nếu bán ra cổ phiếu thì NĐT cũng không thể rút tiền mặt ngay, kích thích thị trường tăng lên. Giám đốc một công ty chứng khoán tại TPHCM cho biết thêm, sau Sabeco, chưa có “ông lớn” nào hé cửa cho việc đấu giá trong thời gian gần đây nên NĐT trong và ngoài nước sẽ yên tâm tập trung cho cổ phiếu trên sàn. Chưa kể, Hạ viện Mỹ vừa thông qua chương trình “trọn gói” để kích thích kinh tế Mỹ. Nếu tình hình sớm cải thiện thì các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ không còn ngần ngại giải ngân vốn, trong đó có thị trường chứng khoán.

(Theo NLD)