Hàng loạt các giải pháp được Mỹ tung ra nhằm cứu TTCK trong nước đã có hiệu quả tức thì và cũng giúp chứng khoán châu Á, trong đó có chứng khoán Việt Nam hồi phục.

Giải pháp trọn gói kích thích phát triển kinh tế Mỹ

Trong một động thái hết sức hiếm hoi từ trước tới nay nhưng rất được mong đợi, chiều tối ngày 29/1, Hạ viện Mỹ đã chính thức thông qua chương trình trọn gói để kích thích kinh tế mà Chính phủ của Tổng thống Bush đã đề xuất.

Đặc biệt, tỷ lệ biểu quyết rất cao, đạt 385 phiếu thuận và 35 phiếu chống, sau một quãng thời gian bàn thảo ngắn gọn.

Đây là kết quả bất ngờ, bởi trước đó, phần lớn đều dự đoán Hạ viện Mỹ (hiện nay đang do Đảng Dân chủ chiếm đa số) sẽ không dễ dàng thông qua giải pháp này để trao “thành tích” cho Chính quyền của Đảng Cộng hòa của Tổng thống Bush.

Đặc biệt, giải pháp giảm thuế của Tổng thống Bush có vẻ như “chặn đầu” những hứa hẹn của hai ứng cử viên Đảng Dân chủ là ông Obama và bà Clinton.

Có thể nói, đó là một chương trình trọn gói để kích thích kinh tế, với chi phí 140 tỉ đô la chủ yếu là cắt giảm thuế, do Tổng thống Bush gửi lên Quốc hội Mỹ.

Trước đó, đêm thứ ba 22/01, thế giới đã chứng kiến một pha giải cứu TTCK hết sức ngoạn mục của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed). Với quyết định giảm lãi suất 0,75%, mức cắt giảm cao nhất trong 20 năm qua, Fed đã dang tay cứu thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ.

Việc đột ngột cắt giảm lãi suất ngay trước phiên mở cửa TTCK của Fed là để ngăn chặn khả năng sụp đổ của TTCK khi mà hầu hết các thị trường chủ chốt ở châu Á và châu Âu trong ngày trước đó đã đạt những kỷ lục lớn về mức tụt giảm.

Ngay lập tức sau quyết định của Fed, TTCK Mỹ cũng như thế giới đã có phản ứng tốt. Đà xuống dốc bị chặn lại và chứng khoán khắp nơi tăng vọt. Quyết định của Fed được xem là quyết đoán và đã mang lại hiệu quả tức thì.

Chứng khoán châu Á liên tiếp có những phiên tăng điểm rất mạnh, trong khi đó chứng khoán Mỹ có phiên tăng, phiên giảm nhưng chung cuộc tăng khá mạnh so với trước thời điểm quyết định giảm lãi suất.

Chứng khoán Việt Nam sôi động trở lại

Giảm liên tục và rất sâu trong nhiều tháng qua, chứng khoán VN đã có 4 phiên tăng mạnh trở lại trong bối cảnh các TTCK trong khu vực đang hồi phục rất mạnh sau những động thái của Mỹ.

Bên cạnh đó, việc các DN niêm yết vừa đồng loạt công bố kết quả kinh doanh rất tốt đã tạo tâm lý hứng khởi cho các nhà đầu tư sau một thời gian dài bị bế tắc.

Theo thông tin từ Sở GDCK TP.HCM vừa công bố hôm qua, thêm 1 loạt doanh nghiệp có kết quả kinh doanh rất tốt trong năm 2007 như: DCC có lợi nhuận tăng 133%; VTC tăng 36,2%; NAV tăng 37,57%; CII tăng 100,9%; SGH tăng 49,74%; HDC tăng 162,23%; NKD tăng 30,27%...

Trước đó, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã công bố kết quả kinh doanh tốt với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận từ vài chục tới vài trăm phần trăm như FPT, SSI, STB, REE, PVD, VTO, MPC, TAC…

Và kết quả là hầu như tất cả các cổ phiếu Việt Nam tăng kịch trần trong phiên giao dịch sáng nay sau khi đã cùng nhau tăng trần trong phiên giao dịch trước đó.

Kết thúc phiên giao dịch 30/1, chỉ số VN-Index tăng 31,49 điểm (tương đương tăng 3,87%) lên 843,1 điểm.

Khối lượng giao dịch thông qua khớp lệnh toàn phiên tăng mạnh lên 12,2 triệu đơn vị, trị giá 1.005,1 tỷ đồng.

Trong số 147 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên sàn (thêm cổ phiếu VHG của CTCP Đầu tư và Sản xuất Việt Hàn lên sàn hôm 28/1 với 25 triệu cổ phần), có tới 143 mã tăng giá, chỉ có 4 mã giảm giá.

Trong số các cổ phiếu tăng giá, có tới 137 cổ phiếu tăng kịch trần vào cuối phiên giao dịch… Lượng dư mua ở mức giá tràn còn rất nhiều, trong khi lượng dư bán trống trơn ở hầu hết tất cả các mã.

Trong số 10 cổ phiếu có mức vốn hoá lớn nhất thị trường, chỉ có VNM của Vinamilk giảm giá, còn lại đều tăng kịch trần.

Cụ thể, cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank tăng 3.000 đồng (tăng 4,9%) lên 64.500 đồng/cp; DPM của Đạm Phú Mỹ tăng 3.000 đồng lên 68.000 đồng/cp; FPT của CTCP Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT tăng 9.000 đồng lên 200.000 đồng/cp; PPC của Nhiệt điện Phả Lại tăng 2.500 đồng lên 57.500 đồng/cp; SSI của Chứng khoán Sài Gòn tăng 6.000 đồng lên 144.000 đồng/cp.

Về khối lượng giao dịch, có 4 mã chứng khoán có khối lượng giao dịch đạt trên 500.000 đơn vị. Đứng đầu là STB với 1.767.370cp, tiếp đến là DPM với 1.473.030cp. PRUBF1 đứng ở vị trí thứ 3 với 766.090ccq và đứng thứ 4 là SSI với 694.340cp.

Với lượng giao dịch tăng vọt lên hơn 1.000 tỷ đồng, hầu hết các nhà đầu tư đang tỏ ra rất lạc quan với xu hướng đi lên của thị trường. Tất cả đều cho rằng mức điểm 764,13 điểm vào ngày 24/1 vừa qua là mức đáy của đợt giảm điểm này.

(Theo VietnamNet)