Ngày 29.1, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thông báo sẽ sửa đổi việc cho vay chứng khoán trong Chỉ thị 03 theo cơ chế giám sát rủi ro tín dụng. Theo dự kiến, các tổ chức tín dụng sẽ phải ban hành quy trình nghiệp vụ cho vay chứng khoán, phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8% và tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ tín dụng dưới 5%.

Hệ số rủi ro của các khoản cho vay kinh doanh chứng khoán dự kiến được áp dụng trong khoảng 200-250% (mức hiện nay là 150%). Điểm quan trọng nhất là mức dư nợ cho vay chứng khoán sẽ không giới hạn ở mức 3% trên tổng dư nợ mà sẽ chuyển thành tỷ lệ từ 15-20% trên vốn điều lệ của tổ chức tín dụng.

Cũng trong ngày 29.1, Bộ Tài chính cũng công bố các biện pháp nhằm ổn định thị trường chứng khoán sau khi đã có sự đồng ý của Chính phủ. Thứ nhất, lên kế hoạch điều phối lịch trình IPO các doanh nghiệp cổ phần hóa phù hợp với điều kiện thị trường, giãn bớt lịch phát hành đấu giá của Habeco, Incombank... Thứ hai, Chính phủ chỉ đạo các doanh nghiệp cổ phần hóa lựa chọn đối tác chiến lược phù hợp, bán cổ phiếu theo phương thức thỏa thuận theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được mua bằng ngoại tệ theo tỷ giá quy định khi tham gia đấu giá cổ phần. Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, giám sát và cưỡng chế thực thi các vi phạm trên TTCK, kịp thời xử lý các dấu hiệu thao túng giá, đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch. Thứ năm, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, công bố kế hoạch, nội dung dự thảo quyết định mới về cho vay chứng khoán, tiếp tục mua ngoại tệ khi các nhà đầu tư trên thị trường có nhu cầu.

Trao đổi với Báo Thanh Niên tối 29.1, một quan chức cấp cao của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ cố gắng ban hành quyết định mới về cho vay chứng khoán trước khi nghỉ Tết âm lịch.

(Theo ThanhNien)