VN-Index tăng mạnh liên tiếp hai phiên gần đây (28 và 29/1), nâng VN-Index lên 811,61 điểm. Nhưng những diễn biến gần đây cho thấy thị trường chưa hồi phục vững chắc.

Phiên giao dịch 29/1, chỉ số VN-Index tăng 26,54 điểm (tương đương tăng 3,38%) lên 811,61 điểm, sau khi đã tăng 9,03 điểm hôm 28/1. Tuy nhiên, trong cả hai phiên 28 và 29/1, quy mô giao dịch vẫn thấp.

Nhà đầu tư hết tiền?

Khối lượng giao dịch thông qua khớp lệnh toàn phiên 29/1 tăng khá mạnh lên 9,6 triệu đơn vị, trị giá 738,1 tỉ đồng, nhưng vẫn khá thấp so lúc cao điểm bình quân đạt 1.000 tỉ đồng/ngày.

Phiên ngày 28/1, tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường chỉ đạt 7.588.760 chứng khoán với tổng giá trị 555,560 tỉ đồng. Đáng chú ý là tổng khối lượng đặt mua thấp hơn đặt bán. Tổng số lệnh đặt mua phiên này là 9.371 lệnh với tổng khối lượng đặt mua 12.741.980 chứng khoán, giảm 5,8% so với ngày giao dịch trước giảm. Tổng số lệnh đặt bán phiên này là 9.496 lệnh với tổng khối lượng đặt bán 14.011.530 đơn vị, so với phiên trước tăng 29,83%.

Thống kê liên tiếp năm phiên trước đó, giao dịch bình quân cũng chỉ đạt 593,485 tỉ đồng/phiên. Một thực tế cho thấy thị trường không còn sôi động. Theo ghi nhận tại các sàn, nhiều người cho rằng lượng giao dịch thấp chứng tỏ vẫn còn nhiều người muốn rút vốn.

Trong hai ngày vừa qua, có thêm hàng loạt thông tin tốt do các doanh nghiệp công bố tại sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. DCC có lợi nhuận tăng 133%, VTC tăng 36,2%, NAV tăng 37,57%, SGH tăng 49,74%, HDC tăng 162,23%, NKD tăng 30,27%... Những thông tin này có tác động nhất định giúp thị trường đổi chiều, nhưng vấn đề cơ bản của nhà đầu tư hiện nay vẫn là… hết tiền, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ khi mà chỉ thị 03 về hạn chế cho vay cầm cố chứng khoán vẫn “treo” lơ lửng, trong khi rất nhiều công ty chia cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền. Nhiều nhà đầu tư tìm cách bán bớt số cổ phiếu để có tiền xoay xở vào dịp tết, trong lúc chờ đợi cổ phiếu thưởng.

Liệu có chuyện bị làm giá?

Theo sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, tất cả các nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá cổ phần Sabeco ngày 28.1 đều thành công. Giá đấu bình quân 70.003 đồng/cổ phần, chỉ cao hơn giá khởi điểm... 3 đồng (tức 0,004%). Đợt này, Sabeco đưa ra đấu giá 128.257.000 cổ phiếu, nhưng chỉ bán được 78.373.000 cổ phiếu, ế 49.884.000 cổ phiếu. Sở dĩ có tình trạng trên bởi Sabeco thực hiện đấu giá vào thời điểm thị trường chứng khoán đi xuống, quá nhiều cổ phiếu được phát hành thêm, dội chợ.

Mức giá đấu trúng bằng giá khởi điểm là đương nhiên, bởi nhà đầu tư chỉ việc nhìn số lượng đăng ký đấu giá so số chào bán thì có “điên” mới đặt giá cao. Trong bối cảnh có quá nhiều cổ phiếu được phát hành thêm, việc cổ phiếu Sabeco – được đánh giá là công ty mạnh, hấp dẫn nhà đầu tư – gần như không có yếu tố cạnh tranh khi đấu giá thể hiện rõ chuyện nhà đầu tư đã đuối sức.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam còn bị cho là có tồn tại yếu tố thao túng, như nhận định của các tập đoàn tài chính từng công bố trên báo chí. Gần đây, một quan chức uỷ ban chứng khoán Nhà nước cũng cho rằng thị trường bị ghìm giá khi giá chứng khoán liên tục xuống.

Trên thế giới, người ta có cơ chế để chế tài các doanh nghiệp “nhìn nhau” cùng lên hoặc xuống giá nhằm chi phối thị trường. Nhưng ở Việt Nam, dường như chưa có cách nào để hạn chế tình trạng này. Sau vụ Vietcombank tiến hành IPO trước khi bán cho đối tác chiến lược nước ngoài, buộc nước ngoài phải mua với giá cao, đã có dư luận râm ran chuyện một số nhà đầu tư nước ngoài tìm cách đẩy giá thị trường xuống để mua vào với giá thấp.

(Theo SGTT)