Hơn 230 doanh nghiệp niêm yết, với khối lượng niêm yết (cả hai sàn giao dịch HN và TP.HCM) lên đến gần 5.000 triệu cổ phiếu, tổng giá trị niêm yết đạt trên 40 ngàn tỷ đồng, cùng sự góp mặt gần 61 công ty chứng khoán với vốn điều lệ gần 6 ngàn tỷ đồng.

Đó là chưa kể đến hàng loạt hồ sơ đang nằm chờ được cấp phép từ UBCKNN để đi vào hoạt động. Năm 2007 có thể coi là thịnh nhất của TTCKVN sau 7 năm chào đời (2000).

Số lượng công ty CK hiện nay tăng gấp 4 lần so với năm 2006. Tuy đã góp phần không nhỏ đối với việc thúc đẩy nền kinh tế đất nước với mức vốn hoá trên thị trường đạt trên 40% GDP, nếu tính cả trái phiếu, quy mô thị trường đạt gần 50% GDP, gần bằng một nửa kênh dẫn vốn của ngân hàng.

Thế nhưng, cũng chính TTCK tạo ra khoảng cách giàu nghèo rất lớn và đang bị "rơi" dần vào tay một số "đại gia".

Lớn nhanh nhưng không "khoẻ" đều.

Tiên phong cho "sân chơi" mới này là hai mã CP và Sam và REE, được lên sàn ngay từ ngày đầu tiên lên sàn giao dịch CK tại VN. Đến nay các doanh nghiệp trong nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng đã góp mặt đông đủ ở mọi lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thực phẩm, dược phẩm, công nghệ thông tin, xây dựng... TTCK thực sự sôi động.

sanckHN.jpg
Sàn giao dịch tại Trung tâm Thị trường chứng khoán Hà Nội luôn sôi động

Có thể nhìn thấy rõ điều này qua số lượng các CP được niêm yết trên sàn HOSE. Từ 2 công ty cổ phần REE và SAM, đã lên đến 129 số công ty như hiện nay. Ban đầu giá trị giao dịch chỉ vài chục tỷ đồng sau tăng lên trên 1.000 tỷ đồng mức tăng trưởng trung bình của các công ty niêm yết đạt xấp xỉ 20%/ năm. Đỉnh cao của TTCK VN là VN-index đạt 1.170,67 điểm vào ngày 12-3-2007, và rơi xuống còn 884 điểm ngay sau đó khoảng 4 tháng.

Ngay từ đầu năm, bên cạnh CP thuộc các công ty địa ốc, nhóm CP ngân hàng được coi là "hot" nhất. Nhiều NĐT bỏ tiền tỷ ra mua mà không cần biết thực hư về hiệu quả ra sao. Niềm tin đó chỉ bị mất khi đồng loạt CP nhà băng bất ngờ rớt giá một cách thê thảm và khó có cơ hội phục hồi. Thời điểm cao, CP của Eximbank lên tới 16 triệu đồng/ CP, cao gấp 16 lần giá trị ban đầu được phát hành, nay chỉ lưng chừng ở mức giá trên 6 triệu đồng/ CP.

Ngân hàng Phương Nam cũng rớt từ 7.0 xuống còn 3.0/ CP và nằm im đó đến bây giờ. Tất cả những CP này chỉ là giao dịch trên sàn OTC, bởi ngoài hai ngân hàng là ACB và Sacombank thì chưa có ngân hàng Việt Nam nào đã chính thức lên sàn.

Năm 2007, sự góp mặt của các công ty như Đạm Phú Mỹ, Tập đoàn tài chính Bảo Việt, TCT thuỷ sản Nam Việt... trên sàn IPO, đã làm nóng thị trường CK vào thời điểm giữa năm. CP của các công ty rất "đắt khách" còn bởi họ là người biết chọn đúng thời điểm để lên sàn, đánh đúng thị hiếu đầu tư theo số đông của đại đa số các nhà đầu tư hiện nay.

Những ngày cuối năm, các NĐT lại vừa hi vọng thị trường sẽ xanh trở lại bên cạnh sự "góp mặt" để làm phong phú sàn IPO từ các tập đoàn lớn như Vietcombank, Mobiphone, Vinaphone, tổng công ty rượu bia và nước giải khát SG.

Nhìn lại một cách tổng quan (theo đánh giá của ngân hàng thế giới - WB), thời điểm 2005, VN chỉ có 41 công ty niêm yết, tỷ lệ vốn trên TTCK thấp hơn 1 tỷ USD, tương đương 1,2% GDP. Đến cuối tháng 9/2007, số các công ty niêm yết đã tăng lên 206, tổng giá trị TTCK vượt mức 22 tỷ USD, tương đương với 32,4% GDP. Con số này còn tăng cao trong những tháng cuối năm 2007 và nó đã đạt mức xấp xỉ 40% GDP.

70% nhà đầu tư chưa kịp học... chứng khoán

Mặc dù đã ra đời 7 năm, nhưng TTCKVN chỉ thực sự "thịnh" trong hai năm 2006 và 2007. Bước ban đầu này được coi là sự tập hợp cho các đại gia học cách lên sàn, chứ chưa thể nói "TTCK đã lớn và ổn". Có nhiều người đã ôm khoản tiền khổng lồ từ lợi nhuận CK sang tiếp tục đầu tư vào thị trường địa ốc và tiếp tục "vác" tiền về nhà.

Ngược lại, không ít người cũng nợ nần chồng chất vì... "gửi niềm tin" không đúng mã CP. Để rồi cuối cùng tiền lại chạy vào túi các "đại gia" nhiều vốn, nhiều kinh nghiệm.

Kể từ khi thị trường CKVN ra đời đến nay, với một cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện, sự trồi thụt lên xuống của thị trường, những công bố thông tin không kịp thời, không minh bạch của các công ty niêm yết, cùng với sự hạn chế về năng lực đã làm các nhà đầu tư trong nước bao phen hoang mang, các tổ chức nước ngoài lo ngại.

Nếu bạn là NĐT đã từng sống chết với TTCK sẽ chưa quên những thăng trầm của buổi ban đầu. Việc khép, mở biên độ giao động giá CP của các nhà quản lý đã gây sốc các nhà đầu tư, làm thị trường chao đảo. Việc thả nổi giá tham chiếu sau khi phát hành CP của CTCP Hapaco đã làm các nhà đầu tư mất trắng 50% chỉ sau 1 ngày.

Lỗi phần nhiều do các công ty cổ phần bảo lãnh phát hành vừa làm vừa học, sai đâu khắc phục đó. Hậu quả được chút lên vai các nhà đầu tư nhỏ lẻ - những người chưa thoát ra khỏi được kiến thức i - tờ về CK.

Trong khi hầu hết các tổ chức chuyên nghiệp có khả năng phân tích, tìm hiểu về TTCKVN vẫn còn đứng ngoài cuộc, thì các nhà đầu tư cá nhân vẫn cứ đổ tiền ào ạt vào mua bán CP, không hề tính đến rủi ro có thể sụp đổ thị trường.

Và hậu quả của việc sụp đổ thị trường không chỉ dừng ở việc thua lỗ khi mua bán sai lầm. Bởi trên thế giới việc đóng cửa thị trường chứng khoán hay sụp đổ thị trường không phải chuyện hiếm xảy ra. Người đầu tư của chúng ta cũng không còn đủ thời gian để kịp nhìn lại và phân tích lý do tại sao lại có hơn 10 quĩ đầu tư, định chế tài chính có mặt tại VN cách đây gần 10 năm trước lại lần lượt ra đi vì nhiều lý do.

Một trong những lý do cơ bản nhất là khung pháp lý chưa hoàn thiện, luật chưa nghiêm thông tin không minh bạch.

Một thực tế rất buồn có đến 70- 80% các nhà đầu tư là những người chơi không chuyên nghiệp, mua CP theo số đông khi xuống giá lại ồ ạt bán ra do sợ bị đứt vốn. Trong con mắt của các NĐT này, sàn chứng khoán giống như cái chợ buôn tiền có thể sinh lợi một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Họ không cần học cách chờ thời như 30% số nhà đầu tư còn lại. Đây là các tổ chức nước ngoài và một số người đầu cơ có trình độ, có sự nghiên cứu về chứng khoán hoặc có chân trong chân ngoài khác.

Khi luật chứng khoán có hiệu lực, hiện đang chờ điều chỉnh và mới đây, dự thảo về luật thuế thu nhập đầu tư về chứng khoán đã được thông qua, tách việc quản lý đầu tư chứng khoán sang cho ngân hàng quản lý... Qua hai đợt điều chỉnh vào tháng 3, tháng 8, 10, 11 đã khiến nhiều nhà đầu tư quay trở lại với thị trường và bắt đầu có cái nhìn lạc quan về sự ổn định tiếp theo, góp phần tạo sự ổn định cho TTCKVN.

Chế tài sai phạm còn quá nhẹ

Không thể thống kê hết được các vụ vi phạm trong lĩnh vực giao dịch chứng khoán do các CTCK và NĐT "đại gia" gây ra cho đến thời điểm hiện nay. Thật nực cười khi những người được coi là đại diện trong "giới phân tích" lại là các CTCK mà lại có thể mắc sai phạm ở những lỗi đơn giản nhất, cơ bản nhất "nhập sai lệnh", "huỷ lệnh giao dịch trong cùng phiên giao dịch"...

Để rồi chỉ với một câu giải trình "nhầm lẫn vì quá đông khách hàng giao dịch" và nộp phạt 500 ngàn đồng là xong. Hay NĐT là các "đại gia" thì cấu kết với nhau thao túng thị trường, "rỉ tai nhau các công bố thông tin giao dịch nội bộ"... Bởi vậy mà trong năm 2007, có đến 22 nhà đầu tư là các đại gia lớn đã bị UBCK "thổi còi".

Sở dĩ họ cứ nối tiếp nhau vi phạm bởi "luật" quá nhẹ. Chỉ vài chục triệu đồng nộp phạt để khắc phục hậu quả là hoà cả làng. "Nhẹ" hơn nữa thì nhắc nhở, cảnh cáo hay "nghiêm khắc phê bình".

Kiểu mắc lỗi như ông Huỳnh Thanh Minh (3/33 tổ 148, P. Tân Quý, Q. Tân Phú - TPHCM) và ông Bùi Quang Thành (270/60 Phan Đình Phùng, P1, QPN, TPHCM) cũng từ "luật" mà ra. Hai ông này vừa bị UBNDCK xử phạt về hành vi thông đồng giao dịch chứng chỉ quĩ VF1 nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.

Trong suốt thời gian dài, hai người này đã cấu kết với nhau liên tục mua, bán chứng chỉ quĩ VF1 để thao túng giá chứng khoán. Cùng hành vi như ông Thành bị phạt 50 triệu đồng, ông Minh chỉ bị phạt 30 triệu đồng.

Cũng với hành vi thao túng thị trường chứng khoán tạo ra một cung cầu giả là bà Nguyễn Diễm Phương Khanh thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) của Công ty cổ phần đầu tư Lili, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư tài chính dài hạn cũng chỉ bị xử phạt ở mức thấp nhất là 30 triệu đồng.

Với kiểu xử phạt này chẳng có gì đáng ngại so với khoản lợi nhuận sẽ mang lại từ những lần "cố ý vi phạm". Bởi vậy mà nhiều nhà đầu tư đã phải kêu trời khi giành giựt nhau mua số CP mà lãnh đạo một công ty kinh doanh về điện bán ra.

Điều trớ trêu, khi số CP khổng lồ đó bán xong thì cũng là lúc công ty có lời đính chính "do nhầm lẫn nên công ty đã thông báo số lợi nhuận của quý 3 thành quý 1". Kiểu "nhầm lẫn" thế này cũng không hiếm xảy ra, để rồi công ty đó cũng phải "giải trình lý do nhầm" với UBCK.

Mọi thiệt hại được đổ lên các NĐT. Người ta chỉ biết chờ đợi đến ngày luật chứng khoán được điều chỉnh, các mức xử phạt đủ làm các "đại gia" sợ mà không cố tình phạm luật. Chứ cứ để tình trạng như hiện nay thì các Thanh tra UBCK được xếp vào hàng "nhàn hạ" nhất. Bởi trong 7 năm hoạt động mà cũng chỉ phải xử phạt vài chục vi phạm trong thời gian gần đây.

(Theo CATPHCM)