Một loạt các giải pháp nhằm giữ ổn định cho thị trường chứng khoán vừa được các Bộ, ngành đưa ra sáng qua 29/1. Và lập tức thị trường chứng khoán đã đón nhận thông tin này bằng một "màu xanh" tràn ngập.

Nước ngoài được mua CP bằng ngoại tệ

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp họp với các Bộ, ngành để chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp cho thị trường chứng khoán. Trong nhóm các giải pháp được công bố sáng qua, giải pháp được chú ý nhất là đưa mức dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán lên tương đương 15 – 20% so với vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên biện pháp này gắn liền với quy mô và rủi ro cho vay kinh doanh chứng khoán và khả năng vốn của tổ chức tín dụng .

Cùng với biện pháp này, Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng hệ số rủi ro của các khoản cho vay kinh doanh chứng khoán lên khoảng 200% - 250% để tính hệ số an toàn tối thiểu, cao hơn mức quy định hiện nay là 150%. Với quy định này, các tổ chức tín dụng sẽ phải xem xét, quyết định cho vay một cách thận trọng hơn.

Ngân hàng Nhà nước cho biết đây cũng là khuyến nghị của các chuyên gia Quỹ Tiền tệ quốc tế và nghiên cứu kinh nghiệm kiểm soát tín dụng của một số nước, vì họ cho rằng cho vay kinh doanh chứng khoán có nhiều rủi ro, các ngân hàng thương mại vẫn có xu hướng mở rộng cho vay, nên Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp thích hợp để kiểm soát hoạt động cho vay cho phù hợp với thông lệ quốc tế và đảm bảo an toàn.

Một giải pháp quan trọng khác được Bộ Tài chính đề ra là sẽ giãn bớt lịch phát hành đấu giá của các doanh nghiệp lớn như Habeco, Incombank để cân đối mức cung cầu trên thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng sẽ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần bằng ngoại tệ theo tỷ giá quy định khi tham giá đấu giá cổ phần hoá doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cũng tuyên bố sẽ tiếp tục mua ngoại tệ khi các nhà đầu tư trên thị trường có nhu cầu, nhằm sức ép dư cung ngoại tệ trên thị trường tài chính.

Thị trường phản ứng ngay khi cuộc họp chưa kết thúc

Sau hàng loạt phiên giao dịch ảm đạm, thị trường chứng khoán đã có những tín hiệu lạc quan ngay khi cuộc họp bàn này chưa kết thúc. Đầu phiên giao dịch ngày 29/1, giá nhiều cổ phiếu vẫn đứng yên hoặc giảm giá nhẹ, tuy nhiên đến phiên 3, hàng loạt cổ phiếu đã tăng giá, mạnh nhất là nhóm cổ phiếu blue-chips.

Đến sáng nay (30/1), thị trường đã khởi sắc thực sự khi đa số các cổ phiếu tăng kịch trần ở cả hai miền Nam và Bắc. Chỉ số VN-Index tăng đến 31,49 điểm lên 843,1 điểm, tương đương 3,87%. Có tới 145 mã cổ phiếu tăng giá, trong đó 116 mã "kịch trần". Giá trị giao dịch tại sàn TP.HCM lần đầu tiên sau nhiều tháng đã vượt mức 1.000 tỷ. Tại Hà Nội, chỉ số Ha-Index tăng 18 điểm, lên gần chạm mức 300 điểm, tương đương 6,1%. Tổng số có 123 cổ phiếu tăng giá, chỉ có 2 mã tăng giá và 2 mã đứng giá.

Một nhà đầu tư tại sàn giao dịch của công ty chứng khoán Thăng Long cho biết :"Thị trường dường như đã tìm được "điểm tựa" để phục hồi, điều mà nhiều nhà đầu tư không dám hy vọng sẽ xảy ra trước Tết Nguyên đán".

Theo các chuyên gia, mặc dù tác động thực sự từ những chủ trương trên của Ngân hàng Nhà nước còn cần phải xem xét kỹ, nhưng dù sao mức giá hấp dẫn của nhiều cổ phiếu cùng với kết quả kinh doanh cuối năm của các doanh nghiệp đã tạo nên động lực mạnh mẽ thúc đẩy các nhà đầu tư mua vào.

(Theo VnMedia)