Sau khi đăng ý kiến phản bác ngày 21/1, của Vietcombank về thông tin lợi nhuận của ngân hàng này trong năm 2007 giảm tới 27%, VietNamNet nhận được nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề này. Để bảo đảm thông tin khách quan, từ nhiều phía, chúng tôi đăng ý kiến của một bạn đọc. Mời các bạn tiếp tục tranh luận.

Mới đây, Hãng tin tài chính Bloomberg công bố thông tin về kết quả lợi nhuận sau thuế hết năm 2007 của Vietcombank (VCB) giảm tới 27% so với năm 2006, sau đó một lãnh đạo ngân hàng này đưa ra một con số khác, với sự chênh lệch về mức giảm lợi nhuận chỉ là 16,8%, chênh lệch khá lớn và khác nhau tới 7,2%, hay mức độ sai lệch lên tới hơn 60%. Từ đó có một số câu hỏi được đặt ra với lời giải thích của lãnh đạo Vietcombank:

Một là, năm 2006 VCB chỉ trích lập quỹ dự phòng rủi ro 170 tỷ đồng, một con số quá thấp so với mức 1.179 tỷ đồng của năm 2007. Liệu có phải VCB cố tình đánh bóng kết quả kinh doanh, đánh bóng tình hình tài chính trước khi cổ phần hoá hay không?

Được biết, việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro trong hoạt động tín dụng được thực hiện theo Quyết định 493 của Thống đốc NHNN (năm 2007 NHNN có bổ sung quy định này), nhưng về cơ bản vẫn căn cứ vào từng khoản nợ được phân loại.

Theo cách trả lời của lãnh đạo VCB thì phải chăng NHNN đồng ý cho VCB và các tổ chức tín dụng (TCTD) khác trích lập dự phòng rủi ro không sát thực tế chất lượng tín dụng, không sát với chất lượng hoạt động kinh doanh trước khi cổ phần hoá? Đồng thời liệu khi kiểm toán quốc tế tiến hành kiểm toán VCB và Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) tính toán thuế của VCB có chấp thuận vấn đề này hay không? Đối với Tổng cục Thuế thì có thể nhưng đối với kiểm toán quốc tế thì thế nào?

Hai là, nếu chấp nhận số liệu hết năm 2007 của VCB đã công bố là số liệu ước tính, đã là ước tính thì có sai lệch và chưa kiểm toán thì dứt khoát là sẽ có điều chỉnh, nhưng là số liệu của một định chế tài chính hàng đầu thế giới vừa tiến hành IPO trong tiến trình cổ phần hoá thì phải có độ chính xác cao, tức là sai lệch không nhiều so với thực tế.

Giới ngân hàng có thể dễ dàng chấp nhận số liệu được VCB công bố lại “bỏ sót“, chưa tổng hợp báo cáo của nhiều chi nhánh trực thuộc mà một số chi nhánh này có số lợi nhuận năm 2007 gấp đôi năm 2006 hay không?

Giới ngân hàng đều biết rằng trình độ hiện đại hoá công nghệ ngân hàng của VCB đứng hàng đầu ngành ngân hàng Việt Nam. Kết thúc mỗi ngày làm việc các chỉ tiêu kinh doanh chủ yếu của từng chi nhánh trong toàn quốc thuộc VCB được cập nhật trực tuyến online ngay về hội sở chính để tổng hợp phục vụ cho quản trị điều hành kinh doanh toàn hệ thống. Do đó không thể có chuyện là chưa tổng hợp nhiều chi nhánh lãi lớn được. Vậy thì liệu có chuyện nhiều chi nhánh lỗ cao chưa được tổng hợp báo cáo hay không?

Ba là, theo lãnh đạo VCB thì số liệu đã công bố là ước tính, nhưng lại có sai lệch quá lớn. Vậy thì các số liệu kinh doanh khác đã công bố, đã báo cáo Ngân hàng Nhà nước và tổng hợp báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính,... thì có chính xác không? Phải điều chỉnh lên hay điều chỉnh xuống?

Cụ thể, như các số liệu sau: đến hết năm 2007, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đạt tổng tài sản 196.117 tỷ đồng, tăng 14%; vốn huy động trực tiếp từ nền kinh tế đạt 143.635 tỷ đồng, tăng 20%; tổng dư nợ cho vay và đầu tư 95.579 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2006.

Lợi nhuận trước thuế đạt khoảng trên 3.100 tỷ đồng, cao nhất trong khối ngân hàng. Đặc biệt là tỷ lệ nợ quá hạn kiềm chế chỉ có 1,3%.

Nhiều dịch vụ của Vietcombank dẫn đầu hệ thống NHTM. Tổng doanh số thanh toán xuất nhập khẩu đạt 26 tỷ USD, tăng 14% so với năm trước và chiếm 26% thị phần thanh toán xuất nhập khẩu của cả nước. Số lượng thẻ các loại, số lượng máy ATM và POS cũng tăng trưởng mạnh và ở mức cao. Vậy thì các số liệu trên đã được VCB công bố có thể tin tưởng được không? Hay VCB còn bỏ sót nhiều chi nhánh chưa tổng hợp?

Bốn là, lợi nhuận của VCB nói trên đã phải là lợi nhuận gộp của các công ty con hay không? Thực tế là VCB có số lượng công ty con không nhiều. Công ty cho thuê tài chính hoạt động rất khiêm tốn. Công ty chứng khoán thì khá hơn nhưng lợi nhuận trong bố cảnh chung của TTCK năm 2007 không thể cao được. Do đó có thiếu số liệu của một số công ty con thì tình hình cũng không khác nhiều.

(Theo VietnamNet)