Ấn Độ, Trung Quốc có thể vực kinh tế thế giới dậy?
Dư luận lo ngại rằng suy giảm kinh tế tại Mỹ có thể lan rộng và có tác động xấu tới nền kinh tế toàn cầu mặc dù Tổng thống Mỹ George W. Bush vừa công bố kế hoạch trị giá tới 150 tỷ USD để kích thích nền kinh tế nước này.
Trong bối cảnh này, một số nhà phân tích dự đoán rằng "những người khổng lồ" đang phát triển - Trung Quốc và Ấn Độ - với sự phát triển mạnh mẽ sẽ giúp giảm nhẹ ảnh hưởng của tình trạng này.
Căn cứ vào những diễn biến trên thị trường thế giới, nguy cơ suy thoái là hoàn toàn có thể xảy ra. Theo giới kinh tế, sau một giai đoạn tăng trưởng bình quân là sáu năm, nền kinh tế một quốc gia có thể đình trệ hay suy giảm và đó là quy luật tất yếu của lịch sử phát triển kinh tế thị trường.
Từ hơn nửa thế kỷ nay, mỗi đợt suy giảm như vậy của nền kinh tế Mỹ thường kéo dài khoảng 10 tháng. Lần trước, kinh tế Mỹ bị suy giảm từ tháng 3-11/2001. Từ đó đến nay, Mỹ đã tham chiến ở nhiều nước, trong khi giá dầu thô tăng giá gấp ba, đồng USD sụt giá so với các ngoại tệ mạnh khác, và từ đầu năm 2007, Mỹ phải hứng chịu cuộc khủng hoảng tín dụng. Cho nên, nguy cơ nền kinh tế Mỹ suy thoái là điều gần như không phải bàn cãi. Vấn đề là mức độ và thời gian suy thoái.
(Ảnh: AFP) |
Bên cạnh đó, người dân Mỹ đã hốt hoảng do hàng loạt tin xấu khiến lượng hàng bán lẻ giảm mạnh trong tháng 12/2007 và sẽ còn tiếp tục giảm trong tháng 1 này. Ở Mỹ, tiêu thụ chiếm gần 70% tổng sản lượng nên khi người dân bi quan và bớt chi tiêu thì suy giảm càng dễ xảy ra. Khi suy thoái xảy ra, mức tiêu thụ tại Mỹ sẽ giảm mạnh kéo theo lượng hàng nhập khẩu của Mỹ cũng giảm. Do vậy, nền kinh tế các nước là đối tác lớn của Mỹ có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề.
Mặc dù chỉ sản xuất hơn 27% tổng sản lượng của thế giới, song kinh tế Mỹ ảnh hưởng tới 60% đà tăng trưởng của kinh tế thế giới. Vì vậy, suy giảm tại Mỹ dễ kéo theo suy giảm tại các nước khác. Về thực chất, nếu kinh tế Mỹ có suy giảm thì cũng chỉ bị nhẹ và sẽ không kéo dài. Đó là lý do giảm giá cổ phiếu trên thế giới.
Thông thường, khi kinh tế suy giảm vì sản xuất giảm sút, nhà nước sẽ hạ lãi suất để kích thích tiêu thụ và nâng đà sản xuất. Đây là biện pháp mang lại hiệu quả nhanh nhất. Kế đó là biện pháp thuế và bơm thêm tiền vào nền kinh tế để kích thích tiêu dùng. Thứ ba là biện pháp về cơ chế, giải tỏa ách tắc để nâng đỡ đầu tư và sản xuất, song hiệu quả rất chậm.
Tâm trạng hoảng loạn của thị trường chứng khoán xuất phát từ những nỗi lo sợ Mỹ suy thoái sau một cuộc khủng hoảng thế chấp nghiêm trọng đã gây ra cuộc tranh cãi về việc liệu hai ngôi sao kinh tế đang lên của châu Á này có đủ mạnh để ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới hay không. Như vậy, câu nhận định "nền kinh tế Mỹ hắt hơi thì các nước còn lại trên thế giới sẽ bị cảm lạnh" của thế kỷ 20 cần phải được xem xét lại.
Theo giới phân tích, có thể dễ dàng nhận thấy một trật tự thế giới mới đang chuyển động. Sự nổi lên của các nền kinh tế khác sẽ cân bằng với kinh tế Mỹ, và đây là một điều tốt. Khi kinh tế Mỹ có những khó khăn, thì những khó khăn này sẽ được bù đắp bởi các thị trường khác.
Năm 2007, Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 11,4%, tiếp đó là Ấn Độ với 9,4% và triển vọng của cả hai nền kinh tế này vẫn mạnh. Và sự tăng trưởng ngoạn mục này đã mở ra tia hy vọng rằng hai cường quốc châu Á này sẽ hỗ trợ cho tốc độ tăng trưởng khu vực trong trường hợp Mỹ suy thoái nghiêm trọng.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế học cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay không chắc đã gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu mà chỉ là sắp xếp lại nền kinh tế toàn cầu về cơ bản. Theo họ, với 1/3 nền kinh tế phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu, Trung Quốc có thể dễ dàng đối phó với các khó khăn kinh tế nếu nước này mất 2,5% thu nhập từ buôn bán. Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng việc hàng xuất khẩu của Ấn Độ chỉ chiếm khoảng 17% GDP gồm 1,1 nghìn tỷ USD giúp cho nước này có sức bật lớn hơn trước tình hình suy thoái của Mỹ.
Anjun Roy, cố vấn kinh tế của Liên đoàn các phòng Thương mại và Công nghiệp, nói: "Kinh tế của chúng ta có hướng phục vụ nhu cầu trong nước, được cách ly tốt nên dù Mỹ suy thoái thì cũng không ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế Ấn Độ". Tuy nhiên, chỉ chiếm 1,5% kim ngạch buôn bán thế giới năm 2006 nên Ấn Độ không ở vào vị thế thúc đẩy nền kinh tế thế giới.
Theo số liệu do Tổ chức Thương mại Thế giới cung cấp, hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc năm 2007 chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới, trong khi kim ngạch nhập khẩu chiếm 6,4%.
Tuy nhiên, Stephen Roach, nhà kinh tế hàng đầu phụ trách ngân hàng đầu tư Morgan Stanley ở châu Á, cho rằng chỉ riêng Trung Quốc và Ấn Độ có thể thúc đẩy nền kinh tế thế giới có thể "trở thành một câu chuyện tưởng tượng". Trong một nhận xét gần đây, Roach cũng lập luận rằng khi người tiêu dùng Mỹ gặp khó khăn, điều này cũng gây hậu quả lớn cho nền kinh tế thế giới. Ông cho biết năm 2007, người tiêu dùng Mỹ chi tổng cộng 9,5 nghìn tỷ USD trong khi Trung Quốc chỉ chi 1 nghìn tỷ USD còn Ấn Độ chi 650 triệu USD.
(Theo VietnamNet)
0 Responses to Ấn Độ, Trung Quốc có thể vực kinh tế thế giới dậy?
Something to say?