Sau khi thị trường ta thán quá nhiều về Chỉ thị 03, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương bổ sung chỉnh sửa. Tuy nhiên, phương án mới có vẻ còn siết chặt hơn nữa việc cho vay cầm cố chứng khoán. Phương án cho vay cầm cố cổ phiếu tối đa đến 20% vốn điều lệ có thể sẽ khiến giá trị cho vay toàn thị trường giảm xuống so với Chỉ thị 03. Ngân hàng có năng lực sẽ phải giảm cho vay, còn ngân hàng không mạnh về cho vay lại được nới lỏng giới hạn.

Theo phương án mới, Ngân hàng Nhà nước sẽ quy định các ngân hàng thương mại được cho vay cầm cố chứng khoán đến 20% vốn điều lệ, thay cho quy định cho vay đến 3% tổng dư nợ như trước đây.

Thoạt nghe, quy định này có vẻ linh hoạt hơn con số 3% cứng nhắc. Vả chăng con số 20% dù gì cũng có vẻ lớn hơn con số 3%.

Chỉ thị 03 là một trong những tác nhân khiến cho thị trường sụt giamtr, lèo tèo. Ảnh: Đặng Vỹ

Chỉ thị 03 là một torng những tác nhân khiến cho thị trường sụt giảm. Ảnh: Đặng Vỹ

Có cảm giác như tổng dư nợ là một con số thường xuyên biến động, và không phản ánh được quy mô của ngân hàng, vì vậy việc cho vay cầm cố chứng khoán dựa trên tổng dư nợ có vẻ rủi ro và khó kiểm soát. Trong khi đó, vốn điều lệ chính là con số phản ánh quy mô của ngân hàng, nên việc cho vay cầm cố chứng khoán căn cứ trên tiêu chí này có vẻ sáng sủa, dễ nhìn thấy. Trong suốt một năm dù không cần theo dõi vẫn nhẩm được giá trị cho vay chứng khoán của ngân hàng, bởi vốn điều lệ gần như không thay đổi.

Cho vay dựa trên vốn điều lệ, có lẽ Ngân hàng Nhà nước muốn tìm sự công bằng hơn cho các ngân hàng thương mại. Ngân hàng nào có quy mô lớn sẽ cho vay nhiều, và ngân hàng có vốn điều lệ thấp sẽ cho vay với mức tương xứng.

Thế nhưng, chính vì những lẽ đó, có thể thấy rằng quy định này thuận lợi cho việc quản lý của Ngân hàng Nhà nước nhiều hơn là thuận lợi cho hoạt động kinh doanh dịch vụ của các ngân hàng thương mại.

Cứ theo chủ trương mới này, thì chính ngân hàng nào đang có thế mạnh về cho vay lại sẽ bị hạn chế cho vay cầm cố chứng khoán, còn ngân hàng nào không mặn mà với việc cho vay thì lại được "nới room"! Lấy ví dụ một số ngân hàng có tên tuổi, hầu như tổng dư nợ cho vay gấp chục lần vốn điều lệ, vì vậy nếu tính ra giá trị cho vay theo mức 20% vốn điều lệ sẽ bị thắt chặt lại so với mức 3% của tổng dư nợ.

Ước tính hạn mức cho vay chứng khoán (Đơn vị: tỷ đồng)
Số liệu về tổng dư nợ và vốn điều lệ tính đến cuối năm 2007
Ngân hàng

Tổng dư nợ

Vốn điều lệ

Theo Chỉ thị 03

Theo phương án mới

Sacombank

34.316

4.449

1.029

890

Techcombank

20.188

1.750

605

350

ACB

31.600

2.630

948

526

SeABank

11.041

2.550

331

510

ABBank

6.800

2.300

204

460

Xem bảng trên đây, có thể thấy đa số các ngân hàng lớn, có thế mạnh cho vay đều bị giảm số cho vay cầm cố chứng khoán theo phương án mới. Techcombank, ACB là những ngân hàng mạnh về cho vay, tới đây sẽ giảm gần phân nửa giá trị cho vay so với theo Chỉ thị 03. Techcombank giảm giá trị cho vay xuống còn 350 tỷ so với 605 tỷ; còn ACB nếu cho vay theo Chỉ thị 03 mức tối đa là 948 tỷ, nay theo phương án mới chỉ còn cho vay được tối đa 526 tỷ.

Hiện nay cả nước có trên 10 ngân hàng có vốn điều lệ trên 2.000 tỷ, một số trên 3.000 tỷ. Có nghĩa là hầu hết các ngân hàng lớn nhất cũng chỉ cho vay tối đa từ 400 đến 600 tỷ, ngoại trừ Sacombank có nguồn vốn điều lệ quá lớn, đến 4.449 tỷ nên vẫn còn có thể cho vay tương đối. Tuy nhiên, theo phương án mới này, Sacombank cũng đã phải giảm đi 140 tỷ cho vay so với Chỉ thị 03.

Ngược lại, chính những ngân hàng từ trước đến nay không mạnh về cho vay, nay lại được nâng mức cho vay cầm cố chứng khoán lên khá cao. Điều này chưa rõ Ngân hàng Nhà nước đã tính đến việc quản lý rủi ro của các ngân hàng này hay chưa, bởi khi ngân hàng mạnh về dịch vụ nào thì mới mạnh về quản lý rủi ro ở dịch vụ đó. Hiện tại nhà đầu tư đã hết tiền bởi các đợt IPO, phát hành cổ phiếu thêm, tiền còn nằm trong BĐS. Khi thị trường đã tăng trở lại, rất có khả năng sẽ có đợt vay cầm cố lớn của các nhà đầu tư.

Ngân hàng Sacombank sẽ giảm cho vay 140 tỷ so với Chỉ thị 03. Ảnh: Tấn Thuấn

Quy định mới này sắp tới đây sẽ tạo ra hai mảng trong lĩnh vực ngân hàng, một mảng là thừa "quota" không biết làm gì, một mảng là có năng lực và nhu cầu cho vay rất lớn nhưng lại bị thắt chặt hơn trước. Giá trị cho vay tăng lên hầu hết rơi vào các ngân hàng quy mô nhỏ, còn giá trị cho vay giảm đi lại rơi vào các ngân hàng có quy mô lớn, nên có thể tổng giá trị cho vay cầm cố toàn thị trường sẽ giảm so với Chỉ thị 03.

Điều đó cũng có thể đem đến dự báo tình hình sẽ không giảm khó khăn hơn so với trước, bởi phương án mới vẫn chưa chỉ ra được khả năng tạo ra tính thanh khoản cho cổ phiếu.

Các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn TP.HCM khi được hỏi về chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về việc chỉnh sửa Chỉ thị 03 theo hướng mới này, đều tỏ vẻ khá dè dặt. Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu ACB Lý Xuân Hải cho rằng hiện chưa có bình luận gì thêm.

Tổng giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBank), ông Lưu Đức Khánh, cho biết quy định mới này có mở room cho ngân hàng ông. ABBBank là ngân hàng mở ra dịch vụ cho vay cầm cố từ rất sớm, nhưng đã bị thắt chặt bởi Chỉ thị 03. Hiện tại tổng dư nợ cho vay của ngân hàng này gấp 3 vốn điều lệ, nên quy định mới đã giúp ABBank mở room tăng thêm gần 260 tỷ cho vay.

Tuy nhiên, theo ông Khánh, việc tăng hay giảm giá trị cho vay toàn thị trường không quan trọng bằng chủ trương này của Ngân hàng Nhà nước có tạo ra tính thanh khoản cho thị trường, tạo tâm lý tốt cho ngân hàng thương mại, cho khách hàng là các nhà đầu tư hay không. Mặc dù giá trị cho vay được tăng lên, song ông Khánh cho biết, với ABBank việc cho vay lại phụ thuộc chủ yếu vào thị trường. "Không có nghĩa mở room là ngân hàng ngay lập tức cho vay ồ ạt, mà quan trọng là làm thế nào để quản lý tốt rủi ro" - ông Khánh nói.

Còn một điều băn khoăn, là chủ trương này sẽ được Ngân hàng Nhà nước quyết định cho thực hiện vào thời điểm nào. Với những ngân hàng được mở room cho vay không có gì phải bàn, nhưng với các ngân hàng bị thu hẹp cho vay so với Chỉ thị 03 lại phải thêm một phen lao đao nữa, bởi vừa thu hồi vốn theo Chỉ thị 03 vừa qua chưa kịp nghỉ hơi, lần này lại phải tiếp tục đi thu hồi lại hợp đồng để đảm bảo mức khống chế. Tổng giám đốc một ngân hàng ở TP.HCM nói rằng, ông hy vọng lần này Ngân hàng Nhà nước không ban hành theo kiểu giật mình như Chỉ thị 03 vừa rồi, rồi dùng cái quyền tối thượng của mình buộc các ngân hàng thương mại phải vắt chân lên cổ mà chạy đối phó hụt hơi như năm qua.

(Theo VietnamNet)