Mảng nóng nhất ở VN là BĐS, không phải chứng khoán
Thị trường nhà đất trên thế giới có thể đang trong tình cảnh u ám. Nhưng ở Việt Nam thì không. Ở VN, các nhà đầu cơ đang xếp hàng dài chờ mua nhà đất trong khi các công ty xây dựng bất động sản đang xây dựng khắp thành phố với kỳ vọng thu lợi nhuận khổng lồ cùng với đà đi lên của kinh tế nước nhà.
Bên ngoài toà nhà Vincom, một công trình BĐS mới xây dựng gần đây tại HN. (Ảnh Nhật Vy). |
6 tháng trước, hàng ngàn nhà đầu tư cá nhân Việt Nam đã chen chật các sàn chứng khoán ở Hà Nội và TP.HCM với hy vọng kiếm lời nhanh chóng.
Còn bây giờ, trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu đang chững lại và Việt Nam cũng nằm trong đó và cũng chịu tác động ít nhiều, thì nhiều nhà đầu tư lại chuyển hướng sang bất động sản, và lại chen chật các công ty kinh doanh môi giới nhà đất.
"Mua nhà đất có vẻ là một món đầu tư an toàn hơn chứng khoán", Nguyễn Văn Thái, một chuyên viên kinh doanh quảng cáo 32 tuổi tại Hà Nội, nói. "Ngày càng có nhiều người nước ngoài hướng tới Việt Nam, kể từ sau khi chúng tôi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới năm 2007, và điều này tạo cú hích cho thị trường nhà đất".
Tại buổi ra mắt công trình bất động sản mới nhất của mình vào tháng trước tại TP.HCM của Tập đoàn BĐS Hoàng Anh Gia Lai, có tới 3.000 nhà đầu tư địa phương xếp hàng chờ tới lượt mình với hy vọng mua được một trong số 800 căn hộ mới. Trong những ngày tiếp theo, có thêm 10.000 người xếp hàng dưới đường phố dọc theo tường rào ngoài công ty này để chờ đợi cơ hội, gây tắc nghẽn giao thông.
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể tham gia vào sân chơi này. Các nhà đầu tư cá nhân người nước ngoài có thể mua các căn hộ với điều kiện cho mục đích sử dụng của chính họ. Công ty Indochina Capital Advisors Ltd tại VN đang lập một quỹ đầu tư cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia sâu rộng hơn vào thị trường nhà đất VN. Tập đoàn VinaCapital tại TP.HCM quản lý một quỹ đầu tư đang niêm yết tại London với vốn 633 triệu USD, qua đó cho phép các nhà đầu tư toàn cầu tham gia vào thị trường nhà đất VN.
Tại thủ đô Hà Nội của VN, công ty Hàn Quốc Keangnam Enterprises Co. đang xây dựng công trình Pride Tower, một cao ốc 72 tầng trị giá 1 tỷ USD. Điều này cho thấy các nhà đầu tư giàu tiềm lực tài chính trên toàn cầu vẫn đang muốn đặt cược vào các thị trường đang nổi như thế nào. Keangnam sẽ sở hữu công trình này một khi hoàn tất.
Một nhà đầu tư Hàn Quốc khác, Posco Engineering & Construction Corp., cũng đang xây dựng một thành phố vệ tinh quanh Hà Nội trị giá 3 tỷ USD, với việc liên doanh với một công ty Việt Nam tại một địa điểm hiện nay đang phủ đầy rau cỏ và trâu bò.
"Một số người cho rằng kiểu đầu tư như thế là không phù hợp với VN tại thời điểm mới bắt đầu của chặng đường phát triển", Sohn Juk Weon, Tổng Giám đốc của Posco ở liên doanh này - một liên doanh với tập đoàn Vinaconex ở Hà Nội, cho biết, "Nhưng chúng tôi không xây dựng một thành phố cho 10 năm sau mà đang xây dựng một thành phố cho 100 hay 150 năm sau".
VN cũng như nhiều nước khác đang áp dụng chính sách mở cửa hay mở cửa từng phần, khá dễ tổn thương với suy thoái kinh tế toàn cầu. Phần lớn trong cơ cấu nền kinh tế nước này cấu thành từ xuất khẩu đồ điện và hàng nông sản sang Mỹ và các nước phát triển khác, những nước hiện đang bị xoáy trong nguy cơ suy thoái kinh tế. Xuất khẩu của VN sang thị trường Mỹ nói riêng tăng 39% trong năm 2007, lên đạt hơn 10 tỷ USD. Các quan chức Bộ Công thương ước tính xuất khẩu của VN sang thị trường Mỹ năm nay sẽ tăng 30% lên đạt 13 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước tính tăng lên mức 58 tỷ USD trong năm nay, so với mức 48 tỷ USD của năm 2007.
Kể từ khi từ bỏ nền kinh tế kế hoạch tập trung từ đầu những năm 1990, VN đã và đang trên đường trở thành một "Con hổ châu Á" tiếp theo. Các nhà sản xuất toàn cầu, đặc biệt là những tập đoàn gốc châu Á như Samsung Electronics Corp., Canon Inc. hay nhà sản xuất chip của vùng lãnh thổ Đài Loan Hon Hai Precision Industry Co., đã chọn VN như một trạm sản xuất với chi phí thấp, giống như việc các công ty Nhật và Mỹ từng chọn Thái Lan, Malaysia và Mexico hồi những năm 1970 và 1980.
Những điều đó góp phần vào nền kinh tế VN, làm cho nền kinh tế này tăng trưởng với tốc độ trung bình 7,5%/năm kể từ năm 2000 tới nay. Năm ngoái, nền kinh tế này tăng trưởng với tốc độ 8,5% và giới chức nước này ước tính sẽ đạt tốc độ tương đương trong năm nay, bất chấp nhiều nhà kinh tế cho rằng VN khong tránh khỏi bị ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế Mỹ.
Không có thống kê toàn quốc nào về đầu tư nhà đất tại VN, song có bằng chứng và có nhận định từ giới chuyên môn rằng một phần nguồn tiền chảy vào BĐS là tới từ các quỹ đầu tư của nước ngoài muốn đầu tư vào các nền kinh tế đang lên, những nơi như Algeria, các nước vùng Vịnh hay Kazakhstan - đều là những nơi thu hút đầu tư chảy vào, khi mà những vấn đề kinh tế đang đe doạ môi trường đầu tư ở Mỹ và các nền kinh tế lớn khác.
"Các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội ở những thị trường mới mẻ, nằm ngoài dòng chảy chính của thị trường đang phát triển của thế giới" chuyên gia của Merrill Lynch, Michael Hartnett và Lucila Broide viết trong một báo cáo gần đây. "Nguyên nhân lớn nhất là do họ kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng đầy tiềm năng của những nền kinh tế năng động tại Trung Đông, châu Phi, châu Á, đặc biệt là Việt Nam".
Tiềm năng ấy đang phản chiếu rõ vào giá nhà đất và văn phòng cho thuê tại Hà Nội và TP.HCM - đầu tàu kinh tế ở phía nam đất nước mà trước đây có tên gọi là Sài Gòn. Trong một điều tra toàn cầu mới công bố hồi tháng 11/2007 về giá văn phòng cho thuê, công ty tư vấn BĐS CB Richard Ellis thấy rằng giá thuê văn phòng tại TP.HCM tăng 29% so với 12 tháng trước, lên đạt mức 49 USD/foot vuông.
Ở trung tâm Manhattan, giá thuê là 53 USD/foot vuông. Ở Bangkok là 24 USD/foot vuông.
Người của Keangnam và Posco cho biết họ không quan tâm tới các vấn đề đang xảy ra đối với hệ thống ngân hàng Mỹ và đà suy thoái kinh tế. Thay vào đó, họ quan tâm tới nhu cầu tăng mạnh từ các công ty địa phương cũng như các công ty đa quốc gia đối với việc thuê văn phòng và nhà ở tại Việt Nam, một nhu cầu theo họ còn tiếp tục khi nền kinh tế này càng ngày càng hướng tới một nền kinh tế thị trường.
"Chúng tôi nhìn thấy nhu cầu về khu đô thị mới, và chúng tôi có kinh nghiệm trong việc xây dựng những thành phố mới ở Hàn Quốc rồi", Ha Jong Seuk, Trưởng đại diện của Keangnam tại HN, nói. "Chúng tôi không nghĩ là sẽ khó khăn khi mang những mẫu hình đó sang áp dụng tại VN".
Trong khi Posco đang liên doanh phát triển một thành phố vệ tinh mới với đối tác trong nước và Keangnam đang dựng lên một toà tháp 72 tầng thì các nhà lãnh đạo VN đang lên một kế hoạch phát triển tương tự đối với vùng đất nằm ở phía bắc Hà Nội, dọc theo sông Hồng. Các quan chức cho hay ở công trình đô thị mới ấy, sẽ có trung tâm triển lãm, các cao ốc văn phòng và khu dân cư dọc theo tuyến đê phòng lũ. Chi phí ước tính lên tới 7 tỷ USD.
Các nhà đầu tư địa phương cũng đang chia sẻ niềm tin nói trên của các nhà đầu tư Hàn Quốc đối với thị trường bất động sản. Nhiều người VN giàu có đang mua bán các căn hộ ngay cả trước khi chúng được xây xong, giống y như những gì xảy ra ở Hồng Kông hay Singapore cách đây 4 năm.
Các nhà môi giới cho hay giá nhà ở đã tăng 50% kể từ đầu năm 2007 tới nay, và ở một số khu vực, giá đã tăng lên gấp 3 lần. Quan chức VN đang soạn thảo một văn bản đánh thuế thu nhập từ kinh doanh BĐS nhằm hạ nhiệt bớt cho thị trường này. Một số chuyên gia nhà đất lo ngại rằng đầu tư vào BĐS có thể sẽ dẫn tới thừa cung, khi nhiều công trình sẽ đi vào sử dụng trong vòng 3 - 5 năm tới.
Trong năm 2006, có 25 công trình BĐS được khởi công tại TP.HCM, tới năm 2007 có thêm 22 công trình xây mới nữa. CB Richard Ellis ước tính sẽ có 49 toà nhà văn phòng mới sẽ hoàn thiện trong vòng 3 năm tới, tạo ra một nguồn cung khá lớn cho thị trường.
Tại HN, một loạt các toà nhà văn phòng sẽ ra mắt thị trường trong vòng 3 năm tới. Điều này có nghĩa là những công trình như dự án Pride Tower của Keangnam có thể phải mất nhiều thời gian trước khi có thể thu lãi.
"Ở một phương diện nào đó, bạn có thể coi đó như một động thái ngoại giao", Marc Townsend, một đại diện của CB Richard Ellis tại VN. Ý ông muốn nói, việc tham gia vào thị trường BĐS của VN thời điểm này và góp phần giải quyết cơn khát văn phòng cho thuê thì sẽ tạo cơ hội cho họ có được những công việc kinh doanh tốt hơn về sau này.
(Theo WSJ)
0 Responses to Mảng nóng nhất ở VN là BĐS, không phải chứng khoán
Something to say?