Với phương thức cho vay đầu tư chứng khoán mới, các ngân hàng mới sẽ có ngay một cơ hội lớn, nhưng ngân hàng cũ có thể gặp khó.

Dự kiến năm 2008, thị trường đón nhận thêm khoảng chục ngân hàng thương mại cổ phần mới. Khi phương thức cho vay đầu tư chứng khoán phương án mới được thông qua, lợi ích sẽ có cho cả hai phía: nhà đầu tư và ngân hàng.

Trước khi đi vào hoạt động, các ngân hàng mới sẽ ứng xử thế nào với nghiệp vụ cho vay đầu tư chứng khoán? Ngoài yêu cầu quản lý rủi ro, nghiệp vụ này có thuận lợi là nhu cầu cao, giải ngân thuận lợi và lợi nhuận khá nhanh chóng. Nhưng nếu theo Chỉ thị 03, năm đầu tiên, các ngân hàng mới chưa có cơ sở thực tế tổng dư nợ để có thể xác định hạn mức cho vay loại này.

Một số ý kiến cho rằng hạn mức 3% theo Chỉ thị 03 được xác định theo mục tiêu tổng dư nợ ngân hàng mới đặt ra cho năm đầu tiên. Nhưng đây sẽ là một bước đi thận trọng, bởi thị phần cho vay chưa định hình, tốc độ giải ngân chưa có trong kinh nghiệm… Theo đó, phương thức cho vay mới theo 15 – 20% vốn điều lệ thực sự là một hướng mở thuận lợi từ Ngân hàng Nhà nước.

Với cơ chế mới, các ngân hàng mới hoạt động sẽ chủ động và có thể đẩy mạnh ngay nghiệp vụ cho vay đầu tư chứng khoán, căn theo vốn điều lệ. Đây cũng là hướng mở cho kế hoạch giải ngân, thực hiện mục tiêu lợi nhuận và đặc biệt là tạo và lôi kéo khách hàng về phía mình.

Mặt khác, cơ chế cho vay mới cũng tạo một thuận lợi lớn đối với nhà đầu tư chứng khoán, xét ở hướng tham gia của những ngân hàng trên. Ngay khi nhập cuộc, những ngân hàng này có ngay khả năng cung ứng hạn mức từ 15 - 20% vốn điều lệ.

Dự tính tổng vốn điều lệ của những ngân hàng mới dự kiến nhập cuộc trong năm 2008 sẽ đạt trên 10.000 tỷ đồng, trong đó có những thành viên quy mô lớn như Ngân hàng Liên Việt (hơn 3.000 tỷ đồng), tạo ra khả năng cung ứng trên 2.000 tỷ đồng vốn cho nhà đầu tư.

Đối với gần 10 ngân hàng thương mại cổ phần vừa chuyển đổi từ ngân hàng nông thôn, thị phần cho vay hiện đang khá thấp nên hạn mức cho vay loại này theo Chỉ thị 03 khá hạn chế. Đáng chú ý là trong đó có những thành viên đã và đang chuẩn bị tăng vốn điều lệ lên mức cao.

Với phương thức cho vay mới, khối này cũng có khả năng cho vay đầu tư chứng khoán cao hơn hiện nay. Như Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB), với vốn điều lệ mới (2.000 tỷ đồng), “room” cho vay có thể lên đến 400 tỷ đồng, trong khi cho vay theo Chỉ thị 03 chỉ được khoảng 150 tỷ đồng (theo ước tính tổng dư nợ năm 2007).

Tương tự, một số ngân hàng có vốn điều lệ cao như Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank – 3.000 tỷ đồng), mức cho vay đó có thể lên đến 600 tỷ đồng thay vì chỉ khoảng 350 – 400 tỷ đồng theo Chỉ thị 03…

Xét theo hướng này, nhà đầu tư chứng khoán đang có thêm thuận lợi. Thuận lợi đó cũng đi cùng với kế hoạch tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần, nhất là khi phải đáp ứng yêu cầu vốn pháp định từ 3.000 tỷ đồng từ năm 2010.

Ngược lại, có một thực tế là khả năng cho vay loại này của một số ngân hàng có tổng dư nợ lớn như Sacombank, ACB, Techcombank… trước mắt có thể bị giảm. Từ đây một “vô lý” là trong tương lai sẽ xuất hiện tình trạng có ngân hàng hoạt động hiệu quả, năng lực quản trị rủi ro tốt, có kinh nghiệm… nhưng lại chỉ được cho vay đầu tư chứng khoán ở mức thấp hơn những ngân hàng mới, năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động đang cần phải chứng minh; trong khi đây là loại hình cho vay có rủi ro cao. Liệu khi Ngân hàng Nhà nước khi xây dựng phương án có tính đến điều này?

Mặt khác, dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán của ACB, Sacombank, Techcombank… hiện nay đang đúng theo hạn mức của Chỉ thị 03, nhưng khi “soi” theo phương thức mới có trường hợp lại cao hơn 20% vốn điều lệ thì sẽ xử lý thế nào? Từ đây lại là một câu hỏi gửi về Ngân hàng Nhà nước, mà sau đó có thể lại thêm những rắc rối trong thực hiện, ảnh hưởng đến hoạt động của những ngân hàng này, nhất là khả năng phải rút vốn về “mực thước” mới.

(Theo TBKTVN)