Sau khi tăng như vũ bão hôm qua, sáng nay Vn-Index phải khá vất vả mới tránh được một phiên đi xuống. Đóng cửa thị trường, chỉ số này chỉ tăng vỏn vẹn 1,01 điểm, lên mức 844,11 điểm.

Ngay từ đợt mở cửa, chỉ số Vn-Index bất ngờ quay đầu giảm 11,36 điểm, tương ứng 1,34% xuống còn 831,74 điểm. Ngoại trừ VNM, hầu hết các mã trong top 10 cổ phiếu có mức vốn hoá lớn nhất thị trường đều rủ nhau đi xuống.

Tuy nhiên, so với hôm qua, khối lượng giao dịch đợt đầu tiên sáng nay vẫn cao hơn, đạt trên 4 triệu đơn vị, giá trị giao dịch đạt 295,79 tỷ đồng.

Sự điều chỉnh này không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia. Trước đó, giới phân tích cho rằng, với 4 phiên đi lên liên tiếp nhiều khả năng thị trường sẽ hình thành xu thế tăng giá. Mặc dù vậy, rất có thể trong phiên giao dịch hôm nay hoặc chậm nhất là ngày mai, thị trường sẽ điều chỉnh nhẹ, sau đó, qua Tết Nguyên đán mới tăng mạnh mẽ.

Bước sang nửa đầu đợt khớp lệnh liên tục, Vn-Index tiếp tục đi xuống và để mất 5,1 điểm, tương ứng mức giảm 0,6%.

Với diễn biến như trên, tưởng như thị trường sẽ đi xuống trong phiên sáng nay, song vào lúc ít ngờ nhất, Vn-Index đã lội ngược dòng khá ngoạn mục và tăng nhẹ 1,01 điểm (tương đương tăng 0,11%) lên 844,11 điểm.

Khối lượng giao dịch hôm nay vẫn tiếp tục tăng hơn so với phiên hôm qua khi đạt 13,1 triệu đơn vị, giá trị 987,56 tỷ đồng.

Theo thông báo của HOSE, toàn sàn có 75 mã tăng giá, 47 mã giảm và 26 mã giữ giá tham chiếu. Trong top 10 cổ phiếu có mức vốn hoá lớn nhất thị trường có 6 mã giảm giá, 2 mã đứng giá và 2 mã tăng giá.

Trong đó, đáng chú ý là VNM của Vinamilk, sau khi "đo sàn" trong phiên hôm qua, sáng nay đã tăng 6.000 đồng, kịch trần ở mức 142.000 đồng.

Ở nhóm mất điểm, DPM giảm 500 đồng xuống 67.500 đồng; FPT và SSI cùng nhau giảm 3.000 đồng xuống tương ứng 197.000 đồng và 141.000 đồng.

2 mã giữ giá tham chiếu là ITA của Công ty cổ phần khu công nghiệp Tân Tạo và STB của Sacombank lần lượt đứng ở mức giá 120.000 đồng và 64.500 đồng.

Ngược lại với các cổ phiếu lớn, khá nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ cũng tăng trần như PVT, SMC, SFI, UNI hay VFC...

Về khối lượng khớp lệnh, STB vẫn dẫn đầu với 1,6 triệu cổ phần được chuyển nhượng, tiếp đến là DPM với 1,5 triệu cổ phần. SSI, VNM và VTO chia nhau các vị trí tiếp theo với các con số lần lượt là 553.580 đơn vị, 360.200 đơn vị và 336.770 đơn vị.

Tại sàn Hà Nội, chỉ số Hastc-Index đóng cửa giảm 2,54 điểm, tương ứng mức giảm 0,86%, chốt ở mức 294,13 điểm. Khối lượng và giá trị giao dịch cũng giảm hơn phiên trước. Tổng cộng có 4,9 triệu cổ phiếu được trao tay, giá trị đạt 383,4 tỷ đồng.

(Theo VnExpress)