TTCK Việt Nam bao giờ lại khởi sắc?
“Thời kỳ sôi động của TTCK non trẻ Việt Nam đã tạm qua. Lãnh đạo các quỹ nước ngoài và giới đầu tư cho rằng thị trường sẽ khó hồi phục nếu thiếu sự nới lỏng quy định về quyền sở hữu và việc định giá chính xác hơn đối với CP mới niêm yết”.
Đó là nhận định của tác giả Grant McCool trong một bài viết gần đây về TTCK Việt Nam, đăng trên trang tin Reuters. (Ảnh minh họa)
Mặc dù sự sụt giảm của TTCK Việt Nam trong tháng 1/2008 là nằm trong xu hướng chung của thị trường toàn cầu, nhưng các yếu tố nội tại, như chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn và quy định giới hạn quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, được xem là có tác động mạnh hơn nhiều so với tác động từ cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu và những thông tin về nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái đang gây ảnh hưởng đến các thị trường phát triển hơn.
Chỉ chiếm 20% khối lượng giao dịch, nhà đầu tư nước ngoài đã hy vọng rằng các đợt IPO của nhiều doanh nghiệp lớn sẽ có tác dụng kích thích sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam, nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,5%/năm.
Tuy nhiên, trong tháng đầu năm 2008, cơ quan quản lý đã yêu cầu các công ty tiếp tục hoãn phát hành thêm cổ phiếu (CP) vì cho rằng TTCK có thể sẽ không đủ khả năng tiếp nhận thêm CP.
Chỉ số VN-Index của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã giảm 16% trong tháng 1/2008, sau khi tăng 23% trong năm 2007. Kết thúc ngày giao dịch cuối cùng của tuần trước, 25/1, VN-Index chốt ở mức 776,04 điểm, tăng 1,6% sau khi đã sụt xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua vào phiên trước.
Nhiều nhà đầu tư không kỳ vọng giá CP sẽ tăng, ít nhất là cho đến giữa tháng 2, tức là sau dịp Tết Nguyên đán.
Ông Kevin Snowball, Giám đốc công ty quản lý tài sản PXP Việt Nam (PXP Vietnam Asset Management Ltd.) tại TP.HCM, đã kêu gọi sự minh bạch hơn nữa trong việc xác định thời gian và định giá CP phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) nhằm giảm sự bất ổn trên thị trường.
Theo kế hoạch, đợt IPO của bốn ngân hàng nhà nước dự kiến hoàn thành vào cuối năm ngoái, nhưng trên thực tế chỉ có Vietcombank “đúng hẹn” vào cuối tháng 12/2007.
Tuần trước đã có thông báo về việc tiếp tục hoãn IPO của Ngân hành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất Việt Nam, và việc lùi thời gian lên sàn của cổ phiếu Vietcombank, dự kiến đến giữa năm 2008. (Theo giải thích của tác giả bài viết, tại Việt Nam, IPO và việc CP chính thức lên sàn là hai sự kiện khác nhau.).
Việc định giá cổ phiếu Vietcombank, ngân hàng thương mại lớn thứ 3 Việt Nam, cũng đã gây lúng túng cho một số nhà đầu tư và phần nào dẫn đến tình trạng rao bán CP trước khi lên sàn. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng đợt IPO của Tổng Công ty bia-rượu-nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), dự kiến diễn ra vào hôm nay, 28/1, sẽ không thật sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Theo ông Dickon Verey, Giám đốc kinh doanh của Công ty chứng khoán Mekong (Mekong Securities) tại TP.HCM, hiện tượng nhiều nhà đầu tư bỏ mua cổ phiếu Vietcombank sau đấu giá và số lượng đăng ký đấu giá Sabeco thấp hơn kế hoạch cho thấy các nhà đầu tư không còn mấy hào hứng với các đợt IPO, dù là của công ty lớn.
Quy mô TTCK Việt Nam đã tăng gấp 3 lần từ thời điểm cuối năm 2005 đến cuối năm 2007, nhưng hiện tại không có ai kỳ vọng thị trường có thể tăng trưởng tương tự trong năm 2008. Vài tháng trở lại đây, các nhà đầu tư Việt Nam đã chuyển sang kinh doanh vàng và bất động sản.
Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài còn có ít sự lựa chọn hơn, khi việc sở hữu cổ phần bị giới hạn ở tỷ lệ 49% đối với khối doanh nghiệp và 30% đối với khối ngân hàng. Trước mắt chưa có kế hoạch thay đổi nào.
Nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc kiểm soát tình trạng lạm phát, bằng cách hạn chế nguồn cung Việt Nam đồng, cũng đã tạo những khó khăn nhất định cho nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ và việc hoãn các đợt IPO, kế hoạch đánh thuế thu nhập chứng khoán cũng đã gây tác động xấu đến thị trường, theo ông Lê Nhị Năng, Phó Tổng Giám đốc HOSE.
“Số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đang tăng lên”, ông Lê Nhị Năng nói, ”nhưng chính sách tiền tệ của chúng ta không tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài”.
(Theo DanTri)
0 Responses to TTCK Việt Nam bao giờ lại khởi sắc?
Something to say?