Dự kiến tuần này sẽ có một vài phiên điều chỉnh giảm giá, và đó chính là cơ hội tốt để mua vào nếu như những phiên điều chỉnh này không quá mạnh. Hợp lý và an toàn hơn khi lựa chọn những cổ phiếu nhỏ, kết quả kinh doanh chấp nhận được và chưa tăng giá nhiều như NHC, PAC hay SAV.

Diễn biến bất ngờ

Thị trường tuần qua diễn biến hoàn toàn bất ngờ, vượt ra ngoài những dự đoán lạc quan nhất với 4 phiên tăng giá cực mạnh và một phiên điều chỉnh giảm nhẹ. Chỉ số VN-Index tăng 88,19 điểm, từ 958,67 điểm lên 1046,86 điểm (tương đương 9,19%). Đây là mức tăng trưởng kỷ lục của TTCK Việt Nam trong suốt 5 năm hoạt động. Những mức kháng cự mạnh ở xung quanh khoảng 980-1020 điểm đã bị vượt qua dễ dàng.

Quan trọng hơn, đợt tăng giá này không phải là một sự bùng phát tâm lý của các NĐT nhỏ, mà được dẫn dắt chủ yếu bởi các NĐT tổ chức, đặc biệt là các NĐTNN, khi khối lượng giao dịch tăng vọt kỷ lục, cán cân cung cầu nghiêng mạnh về phía cầu và các NĐTNN tăng mua.

Sức mạnh của thị trường đang rất lớn. Các NĐT đang lạc quan đến bất bình thường. Tuy nhiên, có tăng tất có giảm. Và tăng càng mạnh thì giảm càng sâu. Câu hỏi đặt ra lúc này đối với các NĐT có kinh nghiệm là liệu bao giờ thị trường sẽ điều chỉnh giảm, và mức điều chỉnh giảm này có đủ lớn hay không, liệu có nên bán ra cổ phiếu trước những phiên điều chỉnh này hay không, hay cần áp dụng chiến thuật "buy and hold" để tận hưởng đợt uptrend của thị trường?

Những nhân tố cơ bản thúc đẩy thị trường

Đầu tiên và quan trọng nhất là khả năng Việt Nam được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc trong kỳ họp 62 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đang diễn ra tại NewYork. Về tầm quan trọng của sự kiện này, xin trích lời ông Peter Peterson: "sẽ nâng tầm Việt Nam lên vị trí lãnh đạo quốc tế… Việt Nam sẽ có tiếng nói quan trọng toàn cầu đối với các vấn đề hòa bình và phát triển. Thách thức là Việt Nam phải gánh vác vai trò lãnh đạo, bắt đầu từ vị trí lãnh đạo Đông Nam Á".

Xét về phương diện kinh tế, GS John Quelch, Phó hiệu trưởng trường Kinh doanh Harvard, chuyên gia marketing hàng đầu thế giới, cũng đã cho rằng vị thế chính trị mới của Việt Nam trên trường quốc tế sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn về kinh tế cho Việt Nam .

Nhìn một cách cảm tính, có thể thấy rằng ngay sau việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an, sẽ có một làn sóng truyền thông quốc tế tập trung đưa tin, bình luận về Việt Nam. Cộng hưởng với việc Việt Nam gia nhập WTO vào cuối năm trước, sự kiện quan trọng năm nay của đất nước khiến cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trở nên toàn diện hơn, tạo tiền đề cho những làn sóng đầu tư, thương mại quốc tế mạnh mẽ hơn nữa vào thị trường Việt Nam.

Các NĐTNN và các NĐT tổ chức luôn chú trọng tới những tin tức có tầm chiến lược như vậy, và có lẽ họ đã đánh giá rất cao sự kiện sắp xảy ra này. Kết quả là họ đã đã gia tăng mua vào rất lớn trên TTCK Việt Nam tuần qua.

Tuần sau, nếu Việt Nam chính thức vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hiệp quốc, tâm lý của các NĐT sẽ càng thêm hứng khởi.

Thứ hai

là những yếu tố kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang khá lạc quan. Trong cuộc họp về tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Việt Nam đã mức tăng trưởng GDP rất cao là 8,93% trong quý 3, cao hơn mức 8% trong quý 2 và mức 7,7% trong quý I. Tính chung cho 9 tháng, GDP đã tăng 8,3%. Với kết quả này, dự báo Việt Nam có thể đạt trưởng kinh tế ở mức 8,5% trong năm nay, như mục tiêu đã đề ra.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 9 tháng đầu năm cũng đạt con số kỷ lục lên tới 9,3 tỷ USD. Nhiều dự án lớn hàng tỷ USD đang xếp hàng vào Việt Nam. Vấn đề của Việt Nam bây giờ không còn là vốn, mà là cách thức sử dụng hiệu quả nhất những luồng vốn đó để mang lại tăng trưởng kinh tế cao nhất.

Lãi suất được cắt giảm, tạo thuận lợi hơn cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, một vấn đề đáng lo ngại là lạm phát vẫn tiếp tục ở mức khá cao, tuy nhiên vẫn đang trong tầm kiểm soát ở dưới 2 con số.

Thứ ba, việc TTCK thế giới đã tỏ ra hồi phục khá chắc chắn sau quyết định giảm lãi suất rất mạnh bạo của FED ngày 18/9. Một số nhà phân tích còn đưa ra khả năng FED tiếp tục cắt giảm lãi suất trong phiên họp tháng 10. Đồng đôla yếu khiến sức ép giải ngân mua các tài sản không niêm yết bằng đồng đôla trở nên mạnh hơn.

Thứ tư, khả năng tăng trưởng khá của các doanh nghiệp niêm yết. Tuần đầu tiên và thứ hai của tháng 10 sẽ là tuần nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam công bố kết quả kinh doanh quý 3. Dự kiến sẽ có nhiều tin tốt, và đây sẽ là cơ sở cho một đợt gia tăng mới của thị trường.

Thứ năm, những suy đoán về đợt IPO VCB sắp tới. Vốn điều lệ VCB là 15000 tỷ đồng, với 20% được bán cho các NĐT chiến lược. Nếu VCB thành công trong việc tìm được NĐT chiến lược nước ngoài, thị trường sẽ càng hứng khởi. Tuy nhiên, trong trường hợp ngược lại, thị trường sẽ sụt giảm mạnh.

Như vậy, đợt tăng giá vừa qua không hề ngẫu nhiên mà dựa trên tổng hợp các nguyên nhân chính trị - kinh tế quốc tế và Việt Nam. Những nhân tố cơ bản này là rất vững chắc và do vậy đợt tăng trưởng vừa qua của thị trường là hợp lý.

Phân tích kỹ thuật

VN- Index đang tăng giá bám sát đường giới hạn trên của giải Bollinger Band. Đây là dấu hiệu cho thấy một xu hướng uptrend mạnh đang diễn ra (tương tự với đồ thị tháng 12/2006).

Thị trường đang vượt qua đường xu thế giảm giá dài hạn (đường màu đỏ) để tiến tới đường xu thế tăng giá dài hạn (đường màu xanh lá cây). Xu thế tăng giá chỉ có thể được khẳng định VN-Index vượt qua đường màu xanh lá cây, tức ở mức 1.150 điểm. Vượt qua mức đó, VN-Index có thể tiến tới những mức kỷ lục mới, xa hơn rất nhiều.

Thị trường tuần tới sẽ là sự giằng co giữa xu hướng giảm giá và xu hướng tăng giá. Theo lý thuyết, những phiên điều chỉnh giảm sẽ diễn ra vào ngay thứ Hai hoặc thứ Ba, khi VN-Index gặp mức FIB 61,8% và đường kháng cự màu đỏ. Tuy nhiên, nếu tin Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an được sớm đưa ra, thì phiên điều chỉnh này có thể sẽ rất yếu.

Điểm khác biệt lớn giữa đợt tăng trưởng hiện nay của thị trường và đợt phục hồi ngắn ngủi, nhưng cũng rất mạnh, vào tháng Tư và tháng Năm vừa qua là giá trị của chỉ số ADX - chỉ số đo lường sức mạnh xu hướng. Vào tháng Tư, mặc dù thị trường tăng mạnh, chỉ số ADX lớn nhất chỉ đạt giá trị 23, cho thấy xu hướng tăng giá là rất yếu. Hiện nay, chỉ số ADX đã đạt tới 35, gần bằng mức 40 trong đợt bùng nổ cuối 2006. Điều này cho thấy xu hướng đi lên của thị trường là thực sự mạnh mẽ.

Kết luận và khuyến nghị

Tất cả các phân tích đều cho thấy thị trường đang trong xu hướng đi lên. Mốc 1.200 điểm, và thậm chí 1.300 điểm, không phải là quá xa vời nếu như đợt đấu giá VCB thành công. Cơ hội lớn nhất, và cũng là rủi ro lớn nhất, của thị trường là đợt đấu giá VCB sắp tới. Thông tin về khả năng thành công của việc tìm NĐT chiến lược tại VCB là vô cùng quan trọng. Việc các NĐT lớn tăng cường mua cổ phiếu ngành ngân hàng là một chỉ báo cho thấy có thể họ đã có được những manh mối nào đó.

Tiếc rằng đại đa số các NĐT nhỏ lẻ đều khó tiếp cận sớm được những thông tin thuộc dạng tuyệt mật như vậy. Đối với các NĐT nhỏ lẻ, chỉ số đáng tin cậy nhất giúp họ nhận biết xu hướng của thị trường là giá trị giao dịch. Nếu giá trị giao dịch tiếp tục được duy trì ổn định ở mức trên 1.000 tỷ thì tình hình còn tốt đẹp. Nếu giá trị giao dịch giảm sút, đi kèm với việc các NĐTNN và tổ chức tăng cường bán ra thì các NĐT nhỏ cần rất cảnh giác và nhanh chóng thoát khỏi thị trường.

Tại thời điểm hiện nay, khi xu hướng uptrend đã rõ ràng và những tin tức lạc quan cũng nhiều hơn mức cần thiết, lời khuyên đối với các NĐT là cần thận trọng và bình tĩnh. Cán cân tiền mặt và cổ phiếu vẫn nên duy trì ở mức 30-70.

Dự kiến tuần này sẽ có một vài phiên điều chỉnh giảm giá, và đó chính là cơ hội tốt để mua vào nếu như những phiên điều chỉnh này không quá mạnh. Với những NĐT chậm chân chưa kịp mua vào, cần tránh nóng vội mua những cổ phiếu đã tăng giá quá nhiều. Tại thời điểm hiện nay, có lẽ hợp lý hơn và an toàn hơn khi lựa chọn những cổ phiếu nhỏ, kết quả kinh doanh chấp nhận được và chưa tăng giá nhiều như cổ phiếu NHC, PAC hay SAV.

© Copyright 2007 by Intellasia.net