Một sự kiện vừa gây "ồn ào" trên TTCK thời gian qua, đó là việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro) yêu cầu Nhà máy Đạm Phú Mỹ bàn giao 28ha đất của nhà máy cho Tập đoàn...

Điều đáng chú ý là 28ha đất này thuộc sở hữu của CTCP Đạm Phú Mỹ (đã được công bố trong cáo bạch trước khi tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra bên ngoài)...

Nhà đầu tư nhỏ chưa được bảo vệ

Theo Hiệp hội các nhà đầu tư Tài chính (VAFI), mặc dù Petro Việt Nam là một cổ đông lớn, có quyền quyết định nhân sự chủ chốt trong Đạm Phú Mỹ nhưng không thể thu hồi tài sản từ công ty con. Bởi bất kỳ tài sản gì trong các công ty con của Petro đều thuộc sở hữu chung của 100% các cổ đông và một cổ đông lớn không thể có quyền thu hồi. VAFI nhấn mạnh, việc lãnh đạo tập đoàn chỉ đạo trực tiếp đối với các CTCP là hoàn toàn sai Luật Doanh nghiệp, đồng thời cũng thể hiện sự không tôn trọng quyền và lợi ích của đông đảo các cổ đông thiểu số.

Đó chỉ là một trong nhiều trường hợp "cậy quyền" cổ đông lớn ra những quyết định có thể gây thiệt hại cổ đông nhỏ đang xảy ra tại nhiều CTCP của Việt Nam. Đây cũng chính là một trong những "điểm yếu" trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) vừa chính thức công bố. Theo đó, Việt Nam nằm trong nhóm nước bảo vệ nhà đầu tư kém nhất. Ông Sin Foong Wong - Giám đốc quốc gia (IFC) tại Việt Nam dẫn giải, mức độ bảo vệ nhà đầu tư được căn cứ trên 3 khía cạnh: tính minh bạch của các giao dịch, trách nhiệm cá nhân và khả năng của các cổ đông có thể kiện giám đốc và các cán bộ khác khi quản lý sai trái.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, mặc dù Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán đã tăng cường bảo vệ nhà đầu tư, trong đó nhấn mạnh tính minh bạch thông tin của công ty, đặc biệt là thông tin về giao dịch với các bên có liên quan nhưng Luật mới có quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của giám đốc và thành viên HĐQT nhưng chưa cung cấp cơ chế thực thi các quy định này. Thực tế cho thấy, chưa có vụ việc liên quan đến nhà đầu tư kiện giám đốc hay thành viên HĐQT nào được đưa ra xét xử tại tòa án.

Quan trọng là nhìn vào định hướng

"Có thể nói, nhiều yếu tố trong môi trường kinh doanh của chúng ta đã được cải thiện tích cực hơn nhưng cũng còn không ít việc phải tiếp tục nỗ lực" - bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế tâm sự. Là người rất gắn bó với cộng đồng doanh nghiệp và có đóng góp tích cực trong sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân, bà Chi Lan cũng bày tỏ sự trăn trở trước tình trạng "giấy phép con" - khá phổ biến ở nhiều ngành, nhiều địa phương. Hay liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế, hiện chi phí và thủ tục xuất nhập khẩu cho một chuyến hàng tiêu chuẩn ở Việt Nam khá cao. Cụ thể, để xuất khẩu một container, doanh nghiệp Việt Nam phải mất 669USD, trong khi Trung Quốc chỉ là 390 USD. Tương tự, chi phí cho nhập khẩu tại Việt Nam cũng đắt gấp đôi so với Trung Quốc và đứng đầu trong khu vực (881USD/container). "Với chi phí cao như vậy, doanh nghiệp Việt Nam rất khó để cạnh tranh trong khu vực chứ chưa nói đến phạm vi toàn cầu. Thêm vào đó, chi phí cao tác động làm mặt bằng giá cả nâng lên, nhất là những mặt hàng đầu vào cho sản xuất" - bà Chi Lan nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đình Cung - Trưởng ban Kinh tế Vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cũng bày tỏ niềm lạc quan trước những cải thiện trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Cung, báo cáo vẫn chưa cập nhật một số chính sách mới có tính tích cực như lĩnh vực đăng ký kinh doanh, lĩnh vực đóng thuế và bảo vệ nhà đầu tư. "Nếu không, tôi tin rằng, thứ hạng của Việt Nam sẽ được nâng lên 80 chứ không phải 91 như công bố" - ông Cung khẳng định.

Ông Sin Foong Wong có chung nhận định khi cho rằng, những cải thiện về thể chế, chính sách của Việt Nam thời gian qua khá tích cực và đang kéo gần lại khoảng cách với các nước có thu nhập trung bình cao hơn, do vậy có thể xứng đáng được nâng hạng hơn nữa. Ông nói: "Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá chú tâm vào những con số, mà quan trọng là nhìn vào định hướng. Việt Nam đang đi đúng hướng. Nhưng tôi cũng xin lưu ý rằng, chúng ta vẫn phải tiếp tục nỗ lực để làm nhiều việc hơn nữa. Bởi trong lúc Việt Nam tiếp tục "tiến lên" thì các nước cũng không đứng yên một chỗ".

© Copyright 2007 by Intellasia.net