Trong khi nhiều CTCK đã nhận giấy thành lập đang chật vật hoạt động hoặc chờ thời điểm đẹp mới xuất quân thì vẫn có đến 80 bộ hồ sơ đang xếp hàng chờ cấp phép trên bàn UBCKNN, chưa kể nhiều công ty đang hăm hở với kế hoạch thành lập CTCK mới. Sức hút từ TTCK lớn đến mức ngay các quan chức UBCKNN cũng không lý giải nổi, mà chỉ biết khuyến cáo một cách chiếu lệ về những rủi ro có thể xảy ra khi bước chân vào lĩnh vực này.

Bùng nổ hồ sơ

Nếu như cuối năm ngoái, TTCK Việt Nam mới có 21 CTCK thì đến thời điểm này UBCKNN đã cấp phép cho 62 CTCK hoạt động và 80 bộ hồ sơ đang trên bàn chờ cấp phép. Trong số 80 bộ hồ sơ này có 20 hồ sơ đã được chấp thuận về mặt nguyên tắc, nếu các công ty này đủ điều kiện thì từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ đón nhận thêm 20 CTCK chính thức bước chân tham gia vào thị trường.

Trong nghị quyết ĐHCĐ của nhiều công ty, kế hoạch thành lập CTCK luôn được nhấn mạnh trang trọng như một hướng kinh doanh đầy tiềm năng. Bà Bùi Thị Thanh Hương, Trưởng ban Quản lý kinh doanh chứng khoán, UBCKNN cho biết, theo Luật Chứng khoán, từ ngày 1/1/2007 để thành lập và đưa vào hoạt động một CTCK với đầy đủ nghiệp vụ cần tối thiểu 170 tỷ đồng, trong khi năm 2006 chỉ cần 43 tỷ đồng. Ấy vậy, quy định về vốn dường như chẳng mấy khó khăn với các tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh chứng khoán, hồ sơ vẫn ùn ùn đổ về UBCKNN bất chấp thị trường suy giảm. Trước thực trạng đó, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam đã từng có văn bản kiến nghị Chính phủ cho tạm dừng cấp phép thành lập CTCK mới. Gần đây, trên thị trường lại có thông tin UBCKNN vừa đề xuất với Bộ Tài chính một kiến nghị tương tự. Tuy nhiên, bà Hương cho biết, UBCKNN không có chủ trương dừng việc cấp phép cho các CTCK và công ty quản lý quỹ. Về nguyên tắc, CTCK và công ty quản lý quỹ nào đủ điều kiện là sẽ được cấp phép hoạt động kinh doanh chứng khoán. Khả năng UBCKNN kiến nghị Bộ Tài chính nâng tiêu chuẩn thành lập CTCK đã được nghĩ tới, song từ nay đến cuối năm, theo bà Hương, sẽ không thể thực hiện được.

Loay hoay tên gọi

Nhiều CTCK được thành lập kéo theo việc xuất hiện những cái tên na ná nhau, gây nhầm lẫn cho cả nhà đầu tư và báo chí, ví như Quốc tế Hoàng Gia với Quốc tế, Hoàng Gia; Sài Gòn với Sài Gòn - Hà Nội; Châu Á - Thái Bình Dương với Thái Bình Dương; rồi VNS với VNDS; Việt Nam với Vina, còn những công ty có chữ "Việt" ở trong tên gọi như Thiên Việt, Đại Việt, Biển Việt, Tân Việt… thì đếm mỏi cả ngón tay.

Mỗi công ty đều có một lý do riêng khi đặt tên cho DN, song việc xuất hiện những tên gọi tương tự nhau khiến thị trường không khỏi băn khoăn. Ông Dương Song Hà, Giám đốc khối Dịch vụ chứng khoán CTCK Châu Á - Thái Bình Dương (APECS) cho biết, tên gọi trên xuất phát từ ý tưởng của các sáng lập viên với mong muốn công ty không chỉ hoạt động trong nước mà vươn ra cả quốc tế, ngoài ra thời điểm APECS bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2006 ngay sau khi Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị APEC, tên gọi này cũng có nhiều ý nghĩa với giới tài chính. CTCK Quốc tế Hoàng Gia lại lấy tên xuất phát từ cổ đông lớn trong Công ty là Công ty Quốc tế Hoàng Gia, hiện niêm yết cổ phiếu trên sàn TP. HCM.

Đề cập đến vấn đề này, bà Hương cho biết, khi cấp phép hoạt động cho CTCK, việc xem xét tên công ty được thực hiện theo quy định của Luật DN, chẳng hạn, tên DN phải viết được bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số và ký hiệu, phải phát âm được và có ít nhất hai thành tố… Đây chính là lý do CTCK Click & Phone phải đổi tên thành Nhấp và Gọi. Nhiều trường hợp tên gọi na ná nhau UBCKNN đã tư vấn lại DN để đổi tên nhưng DN vẫn gửi công văn đề nghị giữ tên như cũ.

Theo quy định, tên DN tư nhân, trách nhiệm hữu hạn, cổ phần và hợp danh được bảo vệ trong phạm vi của tỉnh, thành phố nơi DN kinh doanh. Vì sự bảo hộ trong phạm vi tỉnh, thành phố, nên dẫn tới có quá nhiều DN cùng tên giữa các tỉnh, thành phố, ví như CTCK Sài Gòn và CTCK Sài Gòn - Hà Nội. Việc đặt tên DN cốt sao cho dễ nhớ, ăn sâu vào tâm trí người tiêu dùng là mục đích tối hậu của công ty, lấy tên theo những thương hiệu của cổ đông pháp nhân sáng lập đã thành công cũng là một ý hay nhưng không nên lạm dụng để dễ gây nhầm lẫn và sự nhàm chán cho nhà đầu tư.

Dịch vụ: trăm hoa đua nở

Tên gọi đóng một vai trò quan trọng với các công ty, tuy nhiên theo đại diện CTCK Quốc tế Hoàng Gia, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của CTCK lại nằm ở chất lượng dịch vụ. Đã qua rồi thời nhà đầu tư chen chân xếp hàng mở tài khoản tại CTCK và nhiều khi phải ngậm bồ hòn làm ngọt khi có rắc rối xảy ra. Sự xuất hiện của hơn 50 CTCK mới khiến cho vai trò nhà đầu tư được coi trọng hơn bao giờ hết.

Có 3 yếu tố được nhà đầu tư quan tâm nhất, theo các CTCK, là công nghệ, hỗ trợ tài chính và tư vấn thông tin, trong đó hỗ trợ về tài chính được quan tâm hơn cả. Tại một số công ty, dịch vụ ứng trước tiền bán/mua từ T+1, chuyển thành T+0 (nhà đầu tư bán chứng khoán buổi sáng buổi chiều được ứng tiền) giờ được chuyển thành T ngay tức thì, nghĩa là nhà đầu tư đặt lệnh bán đợt 1 nếu khớp thành công có thể được ứng tiền ngay để mua đợt 2, đợt 3 trong cùng một phiên giao dịch.

Khi Chỉ thị 03 siết các ngân hàng cổ phần thương mại thì CTCK lại tìm cách gỡ khó cho nhà đầu tư bằng cách bắt tay với các ngân hàng quốc doanh để thực hiện dịch vụ cho vay cầm cố chứng khoán. Đơn cử, APECS bắt tay với Agribank cho khách hàng vay tối đa gấp 5 lần mệnh giá chứng khoán, thời hạn 6 tháng hoặc dài hơn, lãi suất 1,2%/tháng; ABS cũng áp dụng cách làm tương tự. Theo khảo sát của những công ty này, 95% khách hàng có nhu cầu cầm cố, vay vốn để kinh doanh chứng khoán. Với lĩnh vực tư vấn, hàng loạt CTCK tổ chức các buổi nói chuyện tư vấn, phân tích kỹ thuật, giới thiệu cổ phiếu tiềm năng cho nhà đầu tư như SBS, Vina, Tân Việt…

Một hình thức thu hút khách hàng khá mới mẻ được một số CTCK áp dụng là xây dựng phát triển hệ thống cộng tác viên. Đây là những nhà đầu tư, sinh viên ngành tài chính, ngân hàng, chứng khoán có kiến thức nhất định được CTCK bồi dưỡng đào tạo thêm. Họ sẽ trở thành những tư vấn viên phát triển khách hàng mở tài khoản tại CTCK. APECS đã phát triển đội ngũ cộng tác viên hơn 200 người, mỗi khách hàng đến mở tài khoản nếu qua cộng tác viên giới thiệu sẽ được xếp theo mã số riêng, cộng tác viên được hưởng chế độ bồi dưỡng nhất định tính trên phí giao dịch của khách hàng và chỉ những khách hàng nào nộp tiền và giao dịch trong tháng, cộng tác viên mới được tính. Với một loạt biện pháp liên hoàn, tốc độ phát triển khách hàng của nhiều CTCK mới ra đời đã vượt cả các đàn anh. Song cũng có những công ty được giới trong ngành kháo nhau sắp sập tiệm, mỗi ngày nhân viên nhập lệnh tại sàn Hà Nội nhập vỏn vẹn có 2 lệnh.

Hướng đến những định chế mạnh

Việc bùng nổ CTCK vượt xa so với sự phát triển của thị trường sẽ gây ra một cuộc cạnh tranh gay gắt, thậm chí không lành mạnh để giành khách hàng, đi kèm với nó là những rủi ro có thể dẫn tới sự phá sản hoàng loạt. Đề cập đến vấn đề này, bà Hương cho biết, đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Các tổ chức, cá nhân khi xin phép thành lập CTCK cần cân nhắc kỹ về tiềm lực tài chính, khả năng nhân sự, đồng thời phải tính đến rủi ro trong tương lai khi hoạt động trong lĩnh vực này. Về nguyên tắc, cơ quan quản lý nhà nước vẫn dựa trên luật pháp để xem xét việc cấp phép. Nhưng UBCKNN luôn khuyến cáo DN cần phải cân nhắc rủi ro nếu có trong tương lai.

Tuy vậy, người trong cuộc dường như chẳng mấy quan tâm. Tại cuộc gặp gỡ cổ đông của SSI, có người hỏi ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI rằng, liệu có đáng lo ngại khi CTCK mới ồ ạt thành lập. Ông Hưng trả lời, mốt thành lập CTCK càng tạo điều kiện dễ dàng cho SSI khi muốn mua đứt hay thâu tóm CTCK khác vì có nhiều hàng để lựa chọn. Một thực tế nữa là nhiều DN lập CTCK để nhắm tới bán lại cho nước ngoài. Hiện tại, nước ngoài chỉ được phép lập CTCK liên doanh với số vốn góp tối đa 49%. Trong giai đoạn 2007 - 2008, cửa chứng khoán sẽ mở và dần dần CTCK 100% vốn nước ngoài sẽ xuất hiện.

Dù ủng hộ hay phê phán tình trạng ồ ạt nhảy vào kinh doanh chứng khoán, những ai tâm huyết với thị trường đều mong mỏi Việt Nam có thể xây dựng những CTCK mạnh, đủ sức cạnh tranh với các CTCK 100% vốn nước ngoài sau này. Bản thân bà Hương cũng hy vọng, trong tương lai các DN nhỏ sẽ hợp lực lại với nhau để phát triển thành DN lớn, chứ không để xảy ra kịch bản phá sản hay thoái trào.

© Copyright 2007 by Intellasia.net