Nam Việt (Navifico-NAV) là CTCP có quy mô vốn điều lệ khiêm tốn (50 tỉ). Tuy nhiên, đây là công ty được nhiều NĐT đánh giá là có triển vọng khi hình thành được các dòng sản phẩm khác biệt có tính cạnh tranh cao.


Người tiêu dùng trong nước biết đến Navifico qua sản phẩm tấm lợp sợi PVA thay thế cho amiăng độc hại và thương hiệu nội thất “Nhà Xinh” với các sản phẩm: tủ âm tường, kệ bếp, bàn ghế... Ở nước ngoài, NAV được biết đến như thương hiệu hàng đầu của đồ gỗ Việt Nam trong dòng sản phẩm gỗ sồi cao cấp: NAV đã trúng thầu cung cấp nội thất cho hệ thống khách sạn Hilton và Sheraton tại Bắc Mỹ vào năm 2006.

Ở nhóm sản phẩm tấm lợp, NAV là doanh nghiệp duy nhất trong nước nghiên cứu chế tạo thành công công nghệ sản xuất tấm lợp sợi tổng hợp (PVA, PP, sợi bazan...) không chỉ đáp ứng được nhu cầu xây dựng trong nước mà còn có thể hướng ra xuất khẩu. Công nghệ sản xuất tấm lợp của công ty hoàn toàn khép kín và tự động, được đánh giá là hiện đại. Hiện tại, NAV đã chuyển giao công nghệ cho một số doanh nghiệp khác ở trong nước và nước ngoài (Lào, Ghana...). Các sản phẩm đồ gỗ của NAV tập trung vào nhóm sản phẩm nội thất cao cấp, chủ yếu hướng ra thị trường xuất khẩu qua đối tác chiến lược của công ty là tập đoàn Interwood (châu Âu) và nhà phân phối ECWT và US HIFI (Hoa Kỳ). Dù chưa phải là thương hiệu hàng đầu trong nước về sản xuất đồ gỗ nhưng so với các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ khác, NAV được coi là doanh nghiệp có lượng khách hàng ổn định nhất trong nhiều năm qua, điều rất quan trọng với doanh nghiệp xuất khẩu .

Trong năm 2006, hai mảng sản phẩm chủ lực trên đã chiếm tỉ lệ 33,1%; 59,7% tổng doanh thu và góp 31%; 39,6% tổng lợi nhuận của công ty. Doanh thu và lợi nhuận còn lại của NAV đến từ lĩnh vực cơ khí chế tạo máy (máy móc sản xuất tấm lợp và thiết bị chế biến gỗ); hoạt động đầu tư tài chính (NAV nắm 38,33% cổ phần của công ty CP Phát Triển Sài Gòn), đầu tư BĐS...vv.

Tăng trưởng: Ấn tượng!

NAV là doanh nghiệp phát triển khá nhanh. Tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hằng năm của công ty trong giai đoạn 2004-2006 trung bình đạt 40%/năm và 90%/năm. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của công ty lớn gấp hai lần tốc tộ tăng trưởng doanh thu là do công ty có các sản phẩm khác biệt, vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh, lợi nhuận biên khá lớn. Tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn điều lệ của NAV trong ba năm qua cũng ở mức cao lần lượt là 34,8%; 61,2%; 84%. Tỉ suất tăng mạnh qua các năm do công ty sử dụng vốn rất hiệu quả, các sản phẩm chủ lực vẫn đang trong giai đoạn “bành trướng” chiếm lĩnh thị trường. Trong 6 tháng đầu năm 2007, công ty đã đạt lợi nhuận 16,23 tỉ đồng, tăng 77,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện tại, công ty thực hiện hai dự án đầu tư được coi là bước chạy đà khởi động cho một chu kỳ mới phát triển của NAV: Dự án thứ nhất là khu kỹ nghệ gỗ Nam Việt trên diện tích 40ha, tạo ra một năng lực sản xuất hoàn chỉnh đáp ứng được các đơn hàng lớn của thị trường xuất khẩu. Dự án thứ hai là nhà máy sản xuất sản phẩm xi măng sợi đa năng, nhằm huy động và hợp lý hóa những thế mạnh sẵn có của công ty, cung cấp hàng loạt các sản phẩm mới, đa dạng về mẫu mã và ứng dụng cho các công trình xây dựng cao cấp. Ưu tiên chủ yếu của NAV hiện nay vẫn là tập trung phát triển công nghệ, mở rộng mạng lưới phân phối, tìm kiếm bạn hàng và nâng tầm thương hiệu Navifico.

Kỳ vọng nào cho cổ phiếu NAV?

NAV là một gợi ý lựa chọn với các NĐT ưa thích việc đa dạng hóa danh mục đầu tư thường có trên 5 loại CP trong danh mục đầu tư, về dài hạn, NAV là cổ phiếu đáng được cân nhắc. Tuy nhiên, khá rủi ro với các NĐT nếu trong danh mục đầu tư có cổ phiếu NAV chiếm trên 50% giá trị vì nhóm sản phẩm chủ lực của công ty đều phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập từ nước ngoài (chiếm tới 70- 80% giá thành) chỉ một biến đổi nhỏ từ nguồn cung đầu vào cũng khiến công ty gặp khó khăn. Nhóm sản phẩm đồ gỗ của công ty hướng chủ yếu ra thị trường xuất khẩu nên có thể gặp khó khăn khách quan: Ngành đồ gỗ Việt Nam đứng trước nguy cơ vướng phải hàng rào kỹ thuật - thuế quan chống bán phá giá của EU và Hoa Kỳ khi kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đã tăng khá nhanh từ mức dưới 1 tỉ USD cách đây hai năm lên tới 2,5 tỉ năm 2007.

Trong một vài phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu NAV là một hiện tượng lý thú khi tăng trần nhiều phiên liên tiếp, nằm ngoài xu thế chung của thị trường, gây sự chú ý cho nhiều NĐT. Có thể lý giải sự tăng giá của cổ phiếu NAV ở cả hai khía cạnh: Kết quả kinh doanh tốt trong năm nay và “truyền thống” công bố việc phát hành cổ phiếu thưởng của NAV vào cuối năm. Mức phát hành cổ phiếu thưởng của NAV khá cao trong nhiều năm qua, năm 2004 là 30%; năm 2005 là 60%; riêng năm 2006 là quyền mua 1:1 bằng mệnh giá, theo kế hoạch năm 2008 công ty sẽ nâng vốn điều lệ lên mức 100 tỉ, gấp đôi hiện nay để phát triển thêm một số dự án mới.

(Theo ThiTruong)