12,7 triệu CP khớp lệnh với giá trị 1.310 tỷ đồng, đó là một động lực không nhỏ hỗ trợ VN-Index có sức nhảy ra khỏi đợt điều chỉnh. Tuy nhiên, để đạt được lượng và giá trị như trên, “nội bộ” VN-Index đã phải giằng co quyết liệt để khẳng định xu thế.


Nhưng thật tiếc khi VN-Index không thể vượt qua mốc 1.100 điểm, dù chỉ mất 0,67 điểm (chịu đứng ở vị trí 1.095,53 điểm). Một ngày chưa may mắn với VN-Index! Nhưng theo các chuyên gia phân tích chứng khoán, diễn biến ngày hôm nay (26/10) mới quyết định xu thế của VNIndex trong thời gian tới.

Trở lại diễn biến phiên giao dịch hôm qua, ngay khi mở phiên, lượng cầu tung ra ồ ạt với lệnh ATO (lệnh ưu tiên mua) áp đảo khiến cổ phiếu sàn Tp. HCM chiếm tới hơn 80% tăng giá, trong đó khá nhiều cồ phiếu tăng giá trần. Tín hiệu đầu giờ khiến giới đầu tư hé tia hy vọng VN-Index có khả năng tăng vọt. Tuy nhiên, càng vào sâu trong phiên, nguồn cung cũng lại tung ra ồ ạt dìm giá cổ phiếu đang từ trần trở về dưới tham chiếu. Kết thúc phiên xác định giá mở cửa, VN-Index chỉ tăng được 6,56 điểm, tạm vượt trên 1.100 điểm (tức 1.102,76 điểm). Khối lượng cổ phiếu khớp lệnh tại phiên này tăng đáng kể so với cùng phiên hôm qua.

Vào phiên khớp lệnh liên tục, diễn biến giằng co càng quyết liệt hơn khi các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt trồi sụt hết giá trần lại xuống dưới giá tham chiếu như: DXP, TTP, TRI, TNC, HBC, RAL…Tuy nhiên, kết thúc phiên này, dù giá những cổ phiếu trên lấy lại phong độ nhưng VN-Index vẫn bị tụt xuống dưới 1.100 điểm (tức 1.099,73 điểm).

Kết thúc ngày giao dịch hôm qua, sàn Tp. HCM có 69 CP tăng giá, 13 CP đứng giá, 40 CP giảm giá. Tương quan lực lượng khá cân bằng bởi tuy cổ phiếu tăng giá nhiều hơn nhưng lại không phải là nhóm dẫn dắt thị trường. Những FPT, STB, NDK, KDC, IMP giảm đồng loạt khiến VN-Index mất hẳn chỗ dựa.

Sàn Hà Nội vào phiên trong tâm trạng dò xét của các khối NĐT, diễn biến mua, bán không còn sôi nổi như các phiên trước. Cổ phiếu PAN tại phiên này chính thức bị điều chỉnh khi giảm, và đã giảm tới 15.300 đ/CP (từ 220.000đ/CP còn 205.000đ/CP).

Nhóm cổ phiếu Sông Đà vẫn “một mình một ngựa” phi giá trần bởi không còn NĐT nhỏ lẻ nào cầm giữ cổ phiếu này, lượng cổ phiếu giao dịch nhỏ giọt. Nhờ có nhóm Sông Đà giữ cửa, HaSTC-Index đã tăng 2,25 điểm, lên 379,51 điểm. Yên tâm vì nhóm Sông Đà giữ giá, NĐT mua vào các cổ phiếu thị giá thấp ở sàn này khiến khối lượng cổ phiếu khớp lệnh tăng vọt lên hơn 6,8 triệu CP, với giá trị 787 tỷ đồng.

Điều gì đằng sau diễn biến hôm qua?

Thứ nhất, biên độ 10% của sàn Hà Nội (nếu tính nhanh, có thể đạt 20%) đã tạo ra sức hút thực sự với các NĐT. Ngay cả NĐTNN cũng bắt đầu nhảy vào cuộc đua này, bất chấp chỉ số tài chính có an toàn hay không.

Thứ hai, từ hiện tượng trên có thể nhận định rằng, sàn Hà Nội sẽ khó bị điều chỉnh nếu nhóm Sông Đà kiên quyết giữ giá. Hôm 24/10, hơn 10 doanh nghiệp Sông Đà cùng tung ra kết quả kinh doanh quý III, doanh nghiệp nào cũng đạt mức lãi ấn tượng. Nếu không có đợt thông tin hỗ trợ này, rất khó nói nhóm cổ phiếu này có trụ vững hay không! Sự kích giá và vững giá của nhóm Sông Đà dường như đang có “bàn tay thao lược” tài ba của người am hiểu TTCK Việt Nam. Trong khi 100% mã cổ phiếu Sông Đà liên tục tăng kịch trần thì còn tới 50% mã trong số này vẫn treo thưởng cổ phiếu ở phía trước khiến nhà đầu tư càng lao theo nhóm cổ phiếu chưa chia thưởng, dù vô tình hay hữu ý cũng khiến nhóm cổ phiếu đã chia thưởng ăn theo. Cứ như vậy, tạo thành vòng tròn tăng giá hợp lý, hợp tình.

Thứ ba, hiện tượng nhóm Blue- chips của sàn TP HCM sau đợt trượt dài, vừa “hồng” lại đã tắt ngấm có thể đoán định do các NĐT bán tháo (lãi ít) để rút vốn sang sàn Hà Nội nhằm gia tốc lợi nhuận. Trên sàn, hầu hết NĐT đều so sánh, với biên độ 5% của sàn TP HCM, NĐT phải mất trung bình 2 tuần để đạt được. Trong khi tại sàn Hà Nội, chỉ cần T+3 là có thể đạt lợi nhuận 15-20%. Nếu “cứng hơn” để tới 2 tuần, có thể đạt 50 – 100% lợi nhuận. Và mặt trái của nó thì hầu như không NĐT nào đặt ra lúc này.

Xét đồ thị HaSTC-Index sau phiên hôm qua, nhiều tín hiệu lại cho thấy HaSTC-Index dường như đang sẵn sàng lao vào cuộc leo dốc mới. Nguyên nhân, do làn sóng “chuyển sàn” của các NĐT tạo nên.

(Theo ThiTruong)