Tuần cuối cùng của tháng 9 (từ ngày 24 đến 28-9), thị trường chứng khoán đã có những bước nhảy vọt ấn tượng, VN-Index tăng tổng cộng 88,19 điểm với khối lượng giao dịch bình quân đạt 12,911 triệu đơn vị/phiên. Xu thế tăng đã rõ ràng qua các phiên giao dịch trong tuần

Trong tuần qua, thị trường chứng khoán đánh dấu sự trưởng thành với 4 phiên tăng mạnh. Việc VN-Index giảm nhẹ 1,82 điểm vào ngày 27-9 là kết quả tất yếu của một đợt tăng mạnh tới 57,24 điểm (tương đương tăng 6%) trong 3 phiên trước đó do nhà đầu tư tranh thủ bán ra để kiếm lời.

Nhà đầu tư phấn khởi hơn, tích cực hơn

Xét tổng thể, việc nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào đã giúp thị trường đi lên. Khối lượng chứng khoán khớp lệnh và giá trị giao dịch tăng dần qua các phiên, ngay cả ở phiên điều chỉnh giảm nhẹ 1,82 điểm, khối lượng giao dịch vẫn đạt trên 11,3 triệu đơn vị.

Khối nhà đầu tư nước ngoài tăng mua và giảm bán trong tuần này. Họ mua vào khoảng 64 mã chứng khoán/phiên, với khối lượng trên 2 triệu đơn vị, tương ứng trên 265 tỉ đồng/phiên. Trong khi họ bán ra khoảng 44 mã, với tổng khối lượng mỗi phiên khoảng 556.000 đơn vị, tương ứng trên 99 tỉ đồng/phiên.

Tính chung cho cả tuần, tổng khối lượng chứng khoán khớp lệnh đạt 64,557 triệu đơn vị, khối lượng giao dịch bình quân đạt 12,911 triệu đơn vị/phiên; tổng giá trị giao dịch là 5.889,184 tỉ đồng, bình quân 1.177,837 tỉ đồng/phiên.

Không tính đến cổ phiếu ngân hàng có tính thanh khoản cao, luôn được nhà đầu tư "săn lùng" ngay cả ở những phiên "rớt" điểm; cổ phiếu VIC của Vincom đang là một "hiện tượng" trong số những tân binh lên sàn trong tháng 9.

Mặc dù mới được niêm yết trên sàn TPHCM từ ngày 19-9, nhưng VIC đã vượt qua nhiều mã cổ phiếu về khả năng "hút" hàng. Không tính đến nhà đầu tư trong nước, tuần qua, khối nhà đầu tư ngoại đã dành gần 138 tỉ đồng để mua 903.660 cổ phiếu VIC, trong khi đối với mỗi loại chứng khoán trên sàn này, họ chỉ mua từ 600.000-800.000 đơn vị.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 28-9, cổ phiếu VIC tăng trần lên 7.000 đồng, đóng cửa ở mức 157.000 đồng/cổ phiếu mức giá khá ấn tượng so với giá khởi điểm 118.000 đồng/cổ phiếu vào ngày chào sàn.

Như vậy, trong tuần qua, nhiều loại cổ phiếu từ blue-chips cho đến các cổ phiếu quy mô nhỏ cũng đều tăng giá so với trước đây. Sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường trong các phiên cuối tháng 9 là một dấu hiệu tốt giúp các nhà đầu tư lấy lại niềm tin và có tâm lý tích cực hơn khi tham gia thị trường.

Nhiều tín hiệu tốt

Theo ông Nguyễn Lân Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Habubank, có rất nhiều cơ sở để nói "sự điều chỉnh tăng trở lại của thị trường hiện nay là hợp lý".

Cùng với tốc độ tăng trưởng tốt của nền kinh tế, môi trường kinh doanh của Việt Nam thăng hạng thì tình hình kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn cũng như thông tin xu hướng cắt giảm lãi suất của ngân hàng đã khiến cho nhà đầu tư rót vốn lại vào chứng khoán khiến giá cổ phiếu đi lên.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết trên sàn, với sự tăng trưởng của các doanh nghiệp ở các lĩnh vực ngân hàng, dịch vụ, xuất khẩu, sản xuất hàng tiêu dùng, xây dựng và bất động sản... phần lớn các doanh nghiệp đều vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra từ 40%-80% trong 7-8 tháng đầu năm.

Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt trên 8,5%-9%/năm, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp trên sàn niêm yết đạt từ 30%-70%/năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đang là "sự lựa chọn số 1" của không ít nhà đầu tư, vốn là các tập đoàn tài chính, quỹ đầu tư trên thế giới.

Phiên mở đầu cho một tháng mới, tháng 10-2007, liệu diễn biến theo chiều hướng nào vẫn đang là một "ẩn số". Tuy nhiên, đến thời điểm này và với những diễn biến trên sàn, có thể lấy ý kiến chủ quan ra mà nói rằng, thị trường đã trải qua thời gian điều chỉnh, mà mức thấp nhất của nó là 884 điểm vào ngày 6-8-2007.

© Copyright 2007 by Intellasia.net