Tuần qua, sàn Hà Nội tiếp tục xu thế đi lên. Ðây được coi là thời điểm thị trường có những bứt phá mạnh trước khi hình thành một "ngưỡng" tâm lý mới.

Nhà đầu tư hồ hởi

Tuần qua, sàn Hà Nội có biên độ tăng trưởng cao không kém gì sàn thành phố Hồ Chí Minh. Ðã nhiều tháng nay, HASTC-Index mới có mức tăng mạnh sau mỗi phiên như tuần qua. Tính cả tuần, HASTC-Index đã tăng tới hơn 37 điểm so với phiên cuối tuần trước. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, HASTC-Index tăng kỷ lục, tới 14,42%, đóng cửa ở mốc 309,74 điểm. Phiên này, hầu hết mã cổ phiếu (CP) đều lên giá, khối lượng giao dịch (KLGD) và giá trị giao dịch (GTGD) đều ở mức cao: 4.679.800 CP và hơn 500 tỷ đồng. Cùng với mầu xanh chủ đạo trên bảng điện tử là tâm trạng hồ hởi của các nhà đầu tư (NÐT), thể hiện rõ ở mức mua vào luôn cao hơn nhiều mức bán ra.

Một số chuyên gia cho rằng, sau hơn một tháng điều chỉnh, nặng tâm lý chờ đợi, thời điểm này NÐT đã cởi bỏ được tâm lý đó và đẩy mạnh giao dịch. Ðây là nguyên nhân chính khiến KLGD của thị trường tăng từ mức 2 triệu CP/phiên lên tới hơn 4 triệu CP/phiên trong tháng 9 này. Bước nhảy của thị trường tuần này được thể hiện ngay từ hai phiên giao dịch ngày 24-9 và 25-9, với mức tăng 8,78 điểm và 9,01 điểm. Trong hai phiên này, KLGD cũng tăng mạnh, đạt mức hơn ba triệu CP/phiên.

HASTC-Index vẫn sẽ tăng

Từ diễn biến của thị trường, đặc biệt là ở KLGD, các chuyên gia và phần lớn NÐT đều có nhận định lạc quan như trên. Tuần qua, giống như sàn TP Hồ Chí Minh, sàn Hà Nội được tiếp nhận nhiều thông tin tốt lành, từ việc thị trường chứng khoán hồi phục, giá vàng trong nước tăng đột biến một cách bất thường khiến nhiều NÐT chuyển vốn sang đầu tư vào chứng khoán đến việc hàng loạt các tổ chức, định chế tài chính trong và ngoài nước đều đưa ra những khẳng định thời điểm này là cơ hội tốt để mua vào...

Bên cạnh đó, nhiều công ty niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh khá ấn tượng nên tạo thêm niềm tin cho cả NÐT cá nhân, NÐT tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài (NÐTNN). Tại sàn Hà Nội, rõ nhất là "hiệu ứng" ACB, khi CP này tiếp tục có những bước tăng trưởng ấn tượng nhờ thông tin lợi nhuận năm 2007 của ngân hàng này lên tới 42%, từ nay đến cuối năm, ngân hàng này sẽ phát hành thêm CP, chia CP hưởng, chuyển đổi trái phiếu thành CP với tổng số vốn lên tới 1.500 tỷ đồng, tạo cơ hội lớn cho những ai sở hữu CP ACB trong thời điểm này.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 28-9, ACB dừng ở mức 145.900 đồng/CP, tăng 5.500 đồng/CP so với phiên trước. Nếu tính trong vòng 10 ngày gần đây, CP này đã tăng được khoảng 20.000 đồng/CP.

Cùng với ACB, tuần qua, một số CP ngành tài chính - ngân hàng trên sàn Hà Nội cũng có mức tăng đáng kể như BVS, SSI, BMI. Trong đó, BVS đã lấy lại được mức giá hơn 400.000 đồng/CP, phiên cuối tuần tăng 4.900 đồng/CP.

Hiện có hai luồng ý kiến về CP ngành tài chính - ngân hàng. Một là NÐT nên cân nhắc vì từ giờ đến cuối năm Nhà nước vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ, tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao. Những ý kiến khác cho rằng đây là thời điểm của CP này vì kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết ấn tượng, sự sôi động của thị trường vốn cuối năm, khả năng phát triển mạnh của nhóm ngành này trong tương lai. Có lẽ, với diễn biến của thị trường, đặc biệt là KLGD của các CP này luôn ở mức cao, được sự quan tâm của NÐTNN nên NÐT vẫn có quyền lạc quan.

Tuần qua, sàn Hà Nội ghi dấu ấn của các mã CP như: ICF, VMC, SCJ, PVI, PVS, TLT, CJC, TMX, SD7, SD5, PSC, SVC... với mức tăng trưởng cao. Ngoài ICF thuộc nhóm CP ngành thủy sản đang có nhiều cơ hội phát triển trong giai đoạn cuối năm, số còn lại, chủ yếu vẫn thuộc ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, dầu khí. PVS, PVI, SCJ vẫn là ba "hàng mới" tạo được sự quan tâm đặc biệt của NÐT. Trong đó, riêng PVS luôn có KLGD và giá tăng mạnh sau mỗi phiên. CP này đã nhanh chóng chiếm được vị trí blue-chip trên sàn Hà Nội.

Tuần qua, cùng với xu hướng hồi phục của thị trường, giao dịch mua vào của khối NÐTNN cũng tăng mạnh. Tuy vẫn tập trung vào một số CP blue-chip như ACB, SSI, NTP, PVI, BMI... nhưng cũng là một tác nhân quan trọng giúp thị trường tăng trưởng mạnh. Dự đoán, tuần tới vẫn là thời điểm mua vào của NÐTNN. Ðây có thể sẽ là thời điểm dành cho những NÐT nhanh chân, biết nắm bắt cơ hội.

© Copyright 2007 by Intellasia.net