VN-Index sẽ tăng 20-30% trong năm 2008. Đó là dự báo của các chuyên gia chứng khoán (CK) trong buổi giao lưu trực tuyến do Tuổi Trẻ Online tổ chức chiều 25-12.

Cũng theo các chuyên gia, thị trường năm 2007 cũng không quá "ảm đạm" khi VN-Index hiện trên 900 điểm, so với cuối năm ngoái đã đạt mức tăng trưởng 20%. Ngoài ra, chỉ số P/E bình quân của thị trường hiện chỉ khoảng 25 lần, đây là thời điểm thích hợp để tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Hàng tỉ USD chờ đổ vào CK

Ông Lê Nhị Năng - phó tổng giám đốc Sở Giao dịch CK TP.HCM (HoSE) - cho rằng với nhiều công ty qui mô lớn sẽ lên sàn, nhà đầu tư (NĐT) có thêm nhiều chọn lựa. Ngoài ra, nhiều NĐT mới cũng sẽ tham gia thị trường, trong đó có những NĐT tổ chức lớn trong và ngoài nước. Cùng với sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế, theo ông Năng, đây là những yếu tố tác động tích cực để thị trường CK VN tiếp tục phát triển tốt. Tuy nhiên, thị trường khó có sự biến động lớn như từng diễn ra đầu năm nay và khả năng VN-Index sẽ tăng khoảng 20-30% so với cuối năm 2007.

Ông Trần Thanh Tân - tổng giám đốc Công ty liên doanh Quản lý quĩ đầu tư CK VN (VFM) - cho rằng sau đợt IPO của Vietcombank, tâm lý của NĐT sẽ được giải tỏa, nhiều cổ phiếu (CP) trên sàn chính thức đã giảm khá nhiều và đang ở mức hợp lý để mua vào. Theo ông Tân, một yếu tố quan trọng khác là nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thị trường CK VN (theo thống kê không chính thức hiện vào khoảng 3 tỉ USD) đang bị "đóng băng" ở các ngân hàng do không có khả năng chuyển sang VND vào những tháng cuối năm nay. Nguồn vốn này dự báo sẽ được giải tỏa vào đầu năm tới, sau khi chính sách thắt chặt tiền tệ để hạn chế lạm phát được nới lỏng sẽ tác động tích cực đến thị trường.

Cổ phiếu ngành nào lên ngôi?

Nguyên nhân thị trường trầm lắng cuối năm 2007

Ông Lê Nhị Năng cho rằng có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó chính sách thắt chặt tiền tệ, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài chưa được giải ngân, đặc biệt là một lượng lớn tiền tệ chảy sang thị trường bất động sản… khiến lượng tiền đầu tư vào thị trường CK bị giảm mạnh.

Ngoài ra, tính thanh khoản của thị trường OTC đang ở mức thấp, NĐT trên sàn lại không bán ra CP do giá CP đã giảm mạnh, chưa kể một lượng lớn CP được chào bán trong thời gian gần đây cũng góp phần làm giảm luồng tiền đầu tư vào thị trường CK. TS Lê Thẩm Dương cũng có cùng nhận định khi cho rằng chính những yếu tố nêu trên, chưa kể vấn đề thuế đánh trên kinh doanh CK, đã làm tâm lý NĐT bị "căng thẳng và chao đảo" và điều này cũng tác động tiêu cực đến thị trường.

Điều mà nhiều NĐT khá quan tâm và đặt câu hỏi là nên chọn CP nào. Ông Nguyễn Hồng Nam - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần CK Sài Gòn (SSI) - cho rằng ngành nào cũng có những công ty có thể đầu tư ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn. Việc chọn lựa CP nào để đầu tư, do vậy phụ thuộc tiêu chí đầu tư của từng NĐT cụ thể cũng như phải xem xét từng công ty. "Dù đầu tư vào CP của ngành nào hay công ty nào, cách tốt nhất là NĐT cần tìm hiểu những công ty đó một cách thật kỹ càng, xem nó có phù hợp với tiêu chí đầu tư của mình hay không..." - ông Nam nhấn mạnh.

Còn theo TS Lê Thẩm Dương - trưởng khoa quản trị kinh doanh ĐH Ngân hàng, việc đầu cơ ngắn hạn trên thị trường đòi hỏi tính chuyên nghiệp và khả năng chịu đựng rủi ro rất cao. Do đó, nếu không hội đủ các yêu cầu này, NĐT cá nhân chỉ nên thực hiện hành vi đầu tư thay vì đầu cơ.

Tuy nhiên, ông Nam cũng đưa ra nhận định rằng trong thời gian tới CP của một số ngành như bất động sản (BĐS), CK, ngân hàng, dầu khí... vẫn là những loại CP được nhiều NĐT quan tâm. Đây là những ngành sẽ vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Việc tăng trưởng của các công ty không đồng nghĩa với việc CP này sẽ chắc chắn tăng giá. "Bởi lẽ giá CP lên hay xuống còn phụ thuộc giá mua vào CP đó của NĐT, mua vào ở thời điểm nào... Hơn nữa, việc tăng hay giảm giá của một loại CP nào đó còn phụ thuộc hoạt động của từng công ty" - ông Nam khẳng định.

BĐS hay ngân hàng?

Thị trường BĐS đạt mức tăng trưởng khá cao từ nửa cuối năm nay, dẫn đến kết quả kinh doanh của nhiều công ty BĐS rất tốt. Tuy nhiên, không phải công ty BĐS nào cũng đều có kết quả kinh doanh tốt, mà chỉ những công ty đã có quĩ đất được mua từ 3-5 năm trước với giá rẻ mới có nhiều lợi thế. Ngược lại, những công ty BĐS đến nay mới đầu tư vào đất đai và nhà cửa để kinh doanh sẽ có nhiều rủi ro hơn. Do vậy, dù cùng trong ngành BĐS nhưng CP của đơn vị nào có nhiều lợi thế về thời gian đầu tư BĐS hơn sẽ có kết quả kinh doanh tốt hơn và giá CP sẽ có thể tăng và ngược lại.

Tương tự, theo TS Lê Thẩm Dương, thị trường của ngân hàng VN vẫn còn khá lớn, do đến nay chỉ có 10% dân số VN sử dụng các tiện ích của ngân hàng. Đây cũng là yếu tố quan trọng để thấy rằng CP của ngành ngân hàng khá hấp dẫn. Tuy nhiên, cũng như ngành BĐS, CP ngân hàng cũng bị "phân hóa" khá rõ. Chẳng hạn, dù hàng loạt CP ngân hàng rớt giá nhưng một số CP ngành ngân hàng hiện nay vẫn nằm trong "top" đầu. Ông Lê Nhị Năng cũng chia sẻ nhận định này khi cho rằng CP của Vietcombank sắp tới cũng là một trong những CP rất đáng được đầu tư nếu có khả năng nắm trong dài hạn.

(Theo TuoiTre)