Ế ẩm cổ phiếu đấu giá
Đìu hiu
Là ngành đang được đánh giá "hot" hiện nay, nhưng phiên đấu giá CP của Ngân hàng TMCP Gia Định tổ chức ngày 19.12 tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) có kết quả thật ảm đạm. Tổng số CP được đưa ra đấu giá là 3.638.200 CP, giá khởi điểm 40.000 đồng/CP (mệnh giá 10.000 đồng/CP). Có 28 NĐT tham dự, trong đó có 1 NĐT tổ chức. Thế nhưng, tổng số lượng đăng ký mua chỉ có 109.200 CP và cuối cùng chỉ có 108.200 CP được bán với giá đấu bình quân 40.213 đồng/CP.
Tương tự, khối lượng CP đăng ký mua trong buổi đấu giá của Công ty kinh doanh bao bì lương thực chỉ là 66.500 CP, trong khi số lượng chào bán trên 2.000.000 CP. Trong phiên đấu giá này, chỉ có 7 cá nhân và 1 tổ chức tham gia, giá đấu thành công bình quân là 10.032 đồng/CP (giá khởi điểm là 10.010 đồng/CP). Kết quả đấu giá CP của Công ty cấp nước Ninh Thuận vào ngày 20.12 cũng không khả quan khi chỉ có 198.600 CP được đăng ký mua trong tổng số 2.589.895 CP được đưa ra bán. Cuối cùng chỉ bán được 193.300 CP với giá bình quân 11.169 đồng/CP. Mới nhất là cuộc đấu giá 4.462.000 CP của Công ty xi măng Hải Vân vào ngày 22.12 với giá khởi điểm 14.000 đồng/CP cũng chỉ có 3.363.600 CP được đăng ký.
Không chỉ thuần túy là cảnh chợ chiều mà thậm chí, một số phiên đấu giá đã không thể thực hiện được do không có người tham gia. Đó là việc Trung tâm Giao dịch chứng khoán (TTGDCK) Hà Nội thông báo không tổ chức phiên thỏa thuận bán tiếp CP của Công ty than Mông Dương vào ngày 21.12 vì không có NĐT nào đăng ký tham gia (số CP còn lại của công ty chưa được bán hết trong đợt đấu giá trước là 365.197 CP, giá khởi điểm 11.000 đồng/CP). TTGDCK Hà Nội cũng không thể tổ chức phiên đấu giá CP của Công ty xi măng Bỉm Sơn (bán 4.265.000 CP với giá khởi điểm 35.000 đồng/CP) vào ngày 25.12 do đến thời điểm kết thúc đăng ký (ngày 17.12) chỉ có một NĐT đăng ký tham gia...
Vì sao ế?
Ông Đoàn Đức Vịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Âu Việt cho rằng do người bán đã định giá khởi điểm quá cao. Cụ thể đối với Ngân hàng Gia Định với mức giá khởi điểm 40.000 đồng/CP thì không thể hấp dẫn NĐT được. Trong khi trên thị trường OTC, giá của nhiều loại CP ngân hàng khác như Quân đội, Habubank... chỉ ở mức 50.000 đồng/CP và là những ngân hàng có thương hiệu, có tốc độ phát triển mạnh hơn Gia Định. Còn với CP của những ngân hàng khác cùng nhóm với Gia Định thì có mức giá thấp hơn nhiều. "Nếu như Ngân hàng Gia Định đưa ra mức giá khởi điểm khoảng 25.000 đồng/CP thì tôi tin rằng sẽ có nhiều NĐT tham gia hơn" - ông Vịnh nói.
Hơn nữa, theo ông Vịnh, trong thời điểm hiện nay thị trường đang có rất nhiều loại hàng hóa, trong đó có nhiều CP tốt khác nên NĐT dễ dàng có sự chọn lựa. Chuyên gia Lê Đạt Chí (trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng sự thất bại khi đấu giá CP cho thấy năng lực quản trị tài chính của các doanh nghiệp còn kém. "Khi đưa CP ra bán, doanh nghiệp phải xác định giá bán cao hơn giá trị nội tại nhưng không được cao hơn giá thị trường. Việc đưa ra giá khởi điểm cao hơn giá thị trường thì sẽ không có ai đi mua CP của mình là điều tất yếu" - ông Lê Đạt Chí nói.
Cũng theo ông Lê Đạt Chí, năng lực quản trị của lãnh đạo doanh nghiệp cũng yếu khi lựa chọn thời điểm đấu giá không thích hợp, nhất là khi thị trường đang quá tập trung vào cuộc đấu giá CP của Vietcombank như hiện nay. Còn ông Nguyễn Ngọc Tươi, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Đà Nẵng cho rằng thị trường OTC đang bị đóng băng, tính thanh khoản của nhiều CP trên thị trường này thấp. Điều đó khiến cho NĐT không mấy hào hứng với những CP đưa ra đấu giá. "Sau khi đấu giá thành công, phải mất một khoảng thời gian khá lâu NĐT mới có CP để đưa ra giao dịch được. Như vậy nếu không phải là CP tốt, giá hấp dẫn thì khó để NĐT bỏ tiền ra mua vào trong thời điểm này. Nguồn vốn của nhiều NĐT cũng có hạn và họ phải biết tập trung cho những cơ hội tốt hơn" - ông Tươi lý giải.
Ngoài những lý do trên, các chuyên gia còn cho rằng trong lúc cung đang có dấu hiệu cao hơn cầu thì những cuộc đấu giá CP của các công ty không có thương hiệu mạnh, tiềm năng phát triển còn yếu hoặc doanh nghiệp chưa tập trung đẩy mạnh hoạt động kinh doanh để tạo lợi nhuận cho năm sau tăng hơn năm nay... cũng khiến NĐT không hào hứng. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng trong cuộc gặp báo chí cuối tuần qua cũng cho biết, có thể cơ quan này sẽ xin phép Bộ Tài chính giãn lịch chào bán CP của các công ty để tránh hiện tượng "bội thực" nguồn cung.
(Theo ThanhNien)
0 Responses to Ế ẩm cổ phiếu đấu giá
Something to say?