Cùng với lượng cung cổ phiếu đang tăng rất mạnh và dự báo IPO Vietcombank có khả năng đạt mức giá thấp, việc lượng cầu thấp trong những ngày Noel và Tết Dương lịch đã khiến giá cổ phiếu bổ nhào mặc dù đã xuống mức thấp nhất 4 tháng qua.

1

Kết thúc phiên giao dịch sáng 25/12, chỉ số VN-Index giảm 12,43 điểm (tương đương giảm 1,33%) xuống 918,43 điểm. (Ảnh: HD, LAD, PH)

Trong phiên giao dịch sáng nay (25/12), sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) đón nhận thêm 9 triệu cổ phiếu L10 của CTCP Lilama 10. Sàn Hà Nội đón thêm cổ phiếu SDJ của Sông Đà 25.

Như vậy, L10 đã mở màn cho nhóm công ty Lilama lên sàn, còn SDJ đã là công ty Sông Đà thứ 23 lên niêm yết trên sàn Hà Nội.

Chỉ tính riêng từ đầu tháng 12 tới hôm qua (24/12), sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã đón nhận 10 cổ phiếu bao gồm: ALP, ANV, DCC, HIS, ICF, MPC, NTL, PVT, ST8, VHC trong đó có những cổ phiếu khá lớn như PVT và VHC.

Trong khi đó, sàn Hà Nội từ đầu tháng 12 đã đón nhận 11 mã cổ phiếu mới bao gồm: DCS, HCC, HEV, KBC, KMF, MIC, TJC, TST, VC3, VCS, XMC.

Lượng cung hàng hoá lớn và dự báo còn tiếp tục tăng đã góp phần làm giá cổ phiếu tiếp tục giảm mặc dù đã giảm xuống mức thấp nhất 4 tháng qua. Bên cạnh đó, không khí Noel và Tết Dương lịch đang góp phần làm cho thị trường thêm ảm đạm.

Trong phiên giao dịch hôm qua, khá nhiều nhà đầu tư đã bán ra để chuẩn bị cho Giáng sinh và năm mới sắp đến. Cũng chuẩn bị cho những ngày lễ này, nhiều nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, đã tạm rút khỏi thị trường, khiến cho tình hình giao dịch trở nên buồn tẻ.

Tình hình tương tự cũng đã diễn ra ở nhiều năm trước. Do đó, năm nay có thể khẳng định những ngày tới giao dịch trên thị trường sẽ tiếp tục yếu ớt.

Kết thúc phiên giao dịch sáng nay (25/12), chỉ số VN-Index giảm 12,43 điểm (tương đương giảm 1,33%) xuống 918,43 điểm.

Trong số 138 cổ phiếu niêm yết trên sàn (thêm cổ phiếu L10 của Lilama 10 lên sàn hôm nay 25/12), có 22 mã tăng giá, 83 mã giảm giá, 33 mã đứng giá và 1 mã không có giao dịch. Trong 2 chứng chỉ quỹ có mặt trên sàn chứng khoán TP.HCM, BF1 đứng giá ở 10.600 đồng/ccq; còn VF1 giảm 200 đồng xuống 27.500 đồng/ccq.

Khối lượng giao dịch toàn phiên đạt 6,14 triệu đơn vị, trị giá 529,4 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch, cổ phiếu mới lên sàn sáng nay là L10 của Lilama 10 giảm 5.000 đồng (tương đương giảm 9,1%) so với giá tham chiếu đóng cửa ở mức 50.000 đồng/cp với 48.640 cổ phần được chuyển nhượng.

CTCP Lilama 10 tiền thân là Xí nghiệp liên hiệp Lắp máy số 1 Hà Nội thành lập năm 1960. Hiện Lilama 10 có vốn điều lệ là 90 tỷ đồng và hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh chính như xây dựng công trình công nghiệp, đường dây tải điện, lắp ráp máy móc thiết bị…

Trong thời gian vừa qua, hoạt động kinh doanh của L10 khá khả quan với lợi nhuận sau thuế năm 2006 Công ty đạt 3,59 tỷ đồng, tăng 42,47% so với năm 2005; 9 tháng đầu năm 2007 Công ty đã đạt 8,87 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Trở lại diễn biến giao dịch, trong top 10 cổ phiếu có mức vốn hoá lớn nhất thị trường, chỉ có duy nhất cổ phiếu VNM của Vinamilk đứng giá ở mức 168.000 đồng/cp, còn lại đều giảm giá.

STB của Sacombank giảm 2.000 đồng xuống 64.500 đồng/cp; DPM của Đạm Phú Mỹ giảm 1.000 đồng xuống 72.500 đồng/cp; FPT của CTCP Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT giảm 1.000 đồng xuống 222.000 đồng; PPC của Nhiệt điện Phả Lại giảm 500 đồng xuống 58.500 đồng; PVD của Công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí PV Drilling bất ngờ giảm 6.000 đồng xuống 148.000 đồng; SSI của Chứng khoán Sài Gòn giảm 5.000 đồng xuống 165.000 đồng/cp; VIC của Vincom giảm 2.000 đồng xuống 155.000 đồng/cp; HPG Tập đoàn Hoà Phát giảm 1.000 đồng xuống 94.000 đồng/cp; SJS của Sudico giảm 3.000 đồng xuống 246.000 đồng/cp.

Hôm qua (24/12), cổ phiếu SSI của Chứng khoán Sài Gòn giao dịch không hưởng quyền phát hành thêm cổ phiếu thưởng (tỷ lệ 2:1) do vậy giảm 83.000 đồng (tương đương 32,8%) xuống 170.000 đồng/cp.

Theo một đơn vị cung cấp thông tin chứng khoán, rất nhiều người cho rằng giá cổ phiếu giảm là do lo lắng giá đấu thành công cổ phiếu VCB sẽ ở mức thấp hơn mong đợi của nhiều nhà đầu tư, chỉ từ 100.000-120.000 đồng/cp. Bên cạnh đó, là lượng cung hàng hoá đang tăng mạnh có thể làm loãng giá cổ phiếu trên sàn.

Tuy nhiên, cũng có khá nhiều người cho rằng, Vietcombank IPO ở mức giá thấp sẽ không ảnh hưởng nhiều tới thị trường về lâu dài, bởi xu hướng thị trường chủ yếu phụ thuộc vào 3 yếu tố chính: đó là lượng cung tiền vào thị trường chứng khoán nhiều hay ít, mặt bằng giá cổ phiếu trên thị trường cao hay thấp và kết quả tổng kết kinh doanh năm 2007 của các doanh nghiệp niêm yết đạt kỳ vọng của nhà đầu tư hay không.

Trong 3 yếu tố được coi là then chốt tác động tới giá cổ phiếu nó trên, thì có 2 yếu tố có khả năng giúp giá cổ phiếu tăng.

Về kết quả kinh doanh, hầu hết các doanh nghiệp niêm yết trên sàn đều có kết quả kinh doanh khá tốt trong 9 tháng đầu năm và được dự báo tiếp tục hoạt động tốt trong 3 tháng cuối năm. Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh, trong khi đó các DN niêm yết trên sàn, theo xếp hạng của Trung tâm thông tin tín dụng Ngân hàng Nhà nước (CIC), đều thuộc hạng khá và tốt.

Về mặt bằng giá, có thể thấy chỉ số chứng khoán chung của sàn TP.HCM VN-Index (cũng như HASTC-Index của sàn Hà Nội) đã giảm xuống mức thấp nhất 4 tháng qua. Đây là một mặt bằng giá khá thấp và đã được nhiều tổ chức và chuyên gia khuyến cáo nên mua vào (như JP Morgan).

(Theo VietnamNet)