IPO Vietcombank: ván bàn đã lật
Giá không nằm ngoài vùng dự đoán
Có hơn 180 nhà đầu tư tổ chức và hơn 8.600 nhà đầu tư cá nhân trúng giá trong đợt này. Các nhà đầu tư nước ngoài đã giành quyền mua 28,7 triệu đơn vị, xấp xỉ hạn mức cho phép là 29,25 triệu đơn vị. Có thể nói IPO của VCB đã diễn ra trong thành công về khối lượng bán tuy nhiên không được mỹ mãn cho lắm về giá trị. Đấu giá CP Vietcombank sáng nay. (Ảnh: Đặng Vỹ)
Giá trúng thấp nhất như vậy chỉ cao hơn giá khởi điểm 2.000 đồng, một con số không đáng kể, phản ánh đúng số lượng không nhiều của các nhà đầu tư tham gia IPO VCB.
Ông Trần Đắc Sinh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) nói VCB sẽ tác động đến giá cổ phiếu OTC, thị trường OTC, giá VCB sẽ là mức giá chuẩn để xác định lại giá trị cổ phiếu OTC của các ngân hàng, ổn định lại cổ phiếu ngân hàng và thị trường OTC.
Tuy nhiên, giá trúng thấp như vậy không gây ngạc nhiên cho giới đầu tư, vốn đã dự đoán được giá của VCB không thể trên 110.000 đồng. Vì vậy, tin trúng giá của VCB nhiều khả năng không ảnh hưởng lớn tới thị trường.
Khả năng giá cổ phiếu tăng cao sau IPO sẽ không cao. Ở mức giá 107.000 đồng, thì con số nhà đầu tư trong nước phải nộp tiền mua đã là trên 8.000 tỷ đồng, tương đương với giá trị của nửa tháng giao dịch.
Trong điều kiện hiện nay, khi việc vay vốn kinh doanh chứng khoán vẫn bị thắt chặt và một lượng tiền khá lớn được rút ra khỏi lưu thông thì lượng tiền trên có thể là quá lớn đối với các nhà đầu tư trong nước.
Trên các diễn đàn OTC, đã xuất hiện vô số các lời rao bán với giá 110.000 đồng đến 115.000 đồng. Dự báo giá này sẽ giảm cho tới sát thời điểm đến hạn đóng tiền mua VCB.
Kết quả đấu giá có thể là nỗi thất vọng đối với nhiều chuyên gia từ lâu dự báo giá IPO của VCB phải trên “15 chấm”. Trên thực tế, nó cũng phản ánh xu thế không tích cực của thị trường chứng khoán trong những tháng gần đây.
Một mặt bằng giá mới?
Đấu giá một “đại ngân hàng” như VCB chưa bao giờ xảy ra ở Việt Nam. Thị trường Việt Nam cũng rất khác với các thị trường khác nên khó có thể lấy các hình mẫu của thị trường khác để dự báo cho thị trường Việt Nam.
Với giá đấu bình quân trúng là 107.860 đồng tương đối thấp, chắc chắn các cổ phiếu ngân hàng khác phải lấy đó làm mốc để tham chiếu giá của mình. Dự báo các cổ phiếu ngân hàng khác sẽ chững lại hoặc giảm. Nhất là trong điều kiện một loạt các ngân hàng lại chuẩn bị tăng vốn, đẩy lượng cung cổ phiếu ra nhiều trong khi tiền để mua ngày càng khan hiếm.
Các cổ phiếu trên sàn cũng sẽ chững lại. Giá trúng thấp chắc chắn sẽ khẳng định lại xu thế không quá hào hứng của thị trường trong thời gian cuối năm này.
Với sự xuất hiện của một Bluechip nữa trên thị trường, dự báo nguồn cung cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng. Khi VCB lên sàn, sẽ lại là một đại gia giống Đạm Phú Mỹ, sự thay đổi dù nhỏ của VCB về giá sẽ ành hưởng không nhỏ tới thị trường.
Sau cơn mưa trời lại sáng?
Đấu giá IPO VCB đã tốn quá nhiều giấy mực báo chí và thời gian của giới đầu tư. Cuối cùng thì ảnh hưởng của IPO này lại không nhiều như kỳ vọng. Nhiều nhà đầu tư lại mong muốn IPO VCB diễn ra nhanh hơn để không còn chi phối tâm lý thị trường vốn đang ảm đạm trong những ngày đông rét mướt. Ngay cả Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM cũng muốn làm gấp và đưa ra kết quả sớm để không quá kéo dài đợt IPO.
Phải đến cuối tháng 1/2008 mới tới hạn chót của đóng tiền mua VCB. Từ đây đến thời gian đó, rất khó phán đoán được xu thế của thị trường. Nhiều nhà đầu tư vẫn hy vọng sau 1/1/2008 thị trường sẽ khởi sắc hơn do khối nhà đầu tư nước ngoài trở lại sàn sau kỳ nghỉ lễ. Với tính tình quá thất thường của thị trường, khó có thể quá lạc quan về một điều gì, khi nó nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta.
(Theo VietnamNet)
0 Responses to IPO Vietcombank: ván bàn đã lật
Something to say?