Chỉ còn vài ngày nữa hết hạn bắt buộc các ngân hàng phải điều chỉnh dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán xuống còn 3%.

Trái ngược với phỏng đoán của dư luận, đã không có bất cứ sự cố nào xảy ra khi các ngân hàng thu hồi nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán. Đến thời điểm này, dù chưa tới hạn cuối 31/12 do Ngân hàng nhà nước đưa ra nhưng hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần đã kịp cán đích khi đưa dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán về dưới mức 3% tổng dư nợ cho vay.

Mất khách nhưng vẫn phải điều chỉnh

Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á, cho biết việc thu hồi nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán có thể làm mất khách hàng nhưng đây là chủ trương lớn của Ngân hàng nhà nước nên không chỉ Đông Á mà nhiều ngân hàng khác cũng nghiêm chỉnh chấp hành. Cách đây mấy tháng, Ngân hàng Đông Á đã đưa tỷ lệ này về dưới ngưỡng 3% tổng dư nợ cho vay.

Hai ngân hàng từng nêu ra khó khăn khi buộc thu hồi khoản nợ cho vay chứng khoán là An Bình và Á Châu hiện cũng cho biết đã đảm bảo tỷ lệ theo đúng tinh thần Chỉ thị 03. Trong thông tin gửi báo chí trung tuần tháng 12, Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) cho biết đã đưa dư nợ nói trên xuống dưới mức 3% tổng dư nợ cho vay. Cụ thể, tỷ lệ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán tại SeABank đã khống chế ở mức 2,78% trên tổng dư nợ 9.036 tỷ đồng. Tương tự các ngân hàng Kỹ Thương, Sài Gòn Hà Nội tỷ lệ cho vay này dao động ở mức 2%.

Kể từ khi Chỉ thị 03 có hiệu lực, nhiều ý kiến lo ngại rằng các ngân hàng, nhất là khối ngân hàng thương mại cổ phần sẽ khó thực hiện. Lý do là trước khi Chỉ thị 03 ra đời, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần có tỷ lệ dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán vượt 35% tổng dư nợ. Tuy nhiên, lo ngại này giờ đã được giải tỏa. Theo giám đốc một ngân hàng tại TP.HCM, thời hạn cuối cùng 31/12 của Chỉ thị 03 cũng là mốc hoàn thành báo cáo kế hoạch kinh doanh một năm nên bằng mọi cách, các nhà băng đều cố gắng đưa tỷ lệ cho vay kinh doanh chứng khoán về đích. Thậm chí có Ngân hàng đã mạo hiểm nâng tỷ lệ dư nợ cho vay lên.

Cũng theo ông này, may là năm nay nhu cầu tín dụng khách hàng cá nhân cuối năm tăng mạnh nên các nhà băng gặp thuận lợi trong việc đưa dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán về đích. Ông Trần Đình Triển, Trưởng ban Pháp luật Hiệp hội Ngân hàng, cho biết Chỉ thị 03 là chính sách tiền tệ quốc gia nên các ngân hàng buộc phải thực hiện nghiêm, còn muốn kiến nghị như thế nào sẽ hậu xét.

Ngân hàng ngoại đứng ngoài cuộc

Thử điểm qua các ngân hàng như Standard Chartered Bank, HSBC, ANZ... tuy tiềm lực mạnh, nhiều kinh nghiệm, nhiều vốn nhưng vẫn nói không với khoản vay đầu tư kinh doanh chứng khoán. Ngân hàng HSBC mặc dù cho mình là “Ngân hàng toàn cầu, am hiểu địa phương” nhưng vẫn không triển khai dịch vụ này.

Một ngân hàng ngoại khác cũng đang đẩy mạnh dịch vụ bán lẻ là ANZ. Mới đây, ngân hàng này đã rộng cửa cho khách hàng vay tiền mua và đầu tư nhà ở nhưng khoản vay đầu tư chứng khoán thì không. Đại diện ngân hàng này cho biết ANZ không đưa ra sản phẩm này cũng do khoản rủi ro quá cao, cho dù biết nhu cầu khách hàng cực lớn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ các ngân hàng ngoại chưa mặn mà sản phẩm này là do ngại gặp những con nợ khó đòi. Bởi vì thị trường chứng khoán Việt Nam còn sơ khai nên đi kèm lợi nhuận khổng lồ là độ rủi ro cao. Mặt khác, hầu hết các khoản vay không phải mua cổ phiếu trên sàn mà phần lớn đổ vào OTC, trong khi thị trường này là hiện là nơi chôn vốn lớn và không có biên độ giới hạn.

(Theo Pháp luật TPHCM)