Giá cổ phiếu (CP) không cất lên nổi khi nhà đầu tư (NĐT) liên tục bị "giội bom" bởi các đợt phát hành thêm CP mới, bên cạnh các đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng.


phathanhnhieu.jpg
Các công ty ồ ạt phát hành cổ phiếu là một trong những nguyên nhân đẩy giá cổ phiếu giảm - (Ảnh: Thanh Đạm)
Từ đầu tháng 12-2007 đến nay, hàng chục công ty niêm yết trên sàn chứng khoán (CK) TP.HCM đã đưa vào giao dịch bổ sung CP phát hành thêm như SMC (gần 2,5 triệu CP), TS4 (gần 2,5 triệu CP), VTB (hơn 4 triệu CP), BT6 (gần 1 triệu CP)...

Tại sàn Hà Nội, Công ty cổ phần Xây dựng công trình cáp ngầm (mã CK: CTN) vừa niêm yết bổ sung gần 2 triệu CP, Công ty cổ phần Hợp tác lao động với nước ngoài niêm yết bổ sung gần 3 triệu CP...

Ngoài ra, một số công ty niêm yết khác cũng đã được chấp thuận niêm yết bổ sung với khối lượng khá lớn, như Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu Vipco sẽ niêm yết bổ sung gần 18 triệu CP, Công ty cổ phần nhựa Tân Tiến (TTP) được chấp thuận niêm yết bổ sung gần 3 triệu CP...

"Gần như ngày nào sàn CK TP.HCM và Hà Nội cũng đón nhận thêm một khối lượng lớn CP phát hành thêm của các công ty niêm yết. Lượng cung CP tăng mạnh, trong khi NĐT lại đang gặp khó khăn về vốn nên thị trường trồi sụt thất thường là điều khó tránh khỏi...", anh Huỳnh Đức Hùng - NĐT tại sàn ACBS - nói.

Tuy nhiên, theo anh Hùng, nhiều NĐT đang lo lắng cho các đợt phát hành thêm của hàng loạt công ty niêm yết chủ chốt trên sàn trong thời gian tới càng khiến thị trường thêm "bội thực".

Thêm nhiều đợt "lũ” CP mới

Theo dự kiến, ngày 26-12, Công ty cổ phần CK Sài Gòn (SSI) chốt danh sách thưởng bằng CP cho cổ đông, với khối lượng phát hành gần 40 triệu CP.

Chưa hết, trong thời gian tới thị trường sẽ còn đón nhận thêm hơn 16 triệu CP này khi SSI thực hiện chuyển đổi hơn 1,6 triệu trái phiếu cho NĐT.

Như vậy chỉ sau đợt phát hành này, nguồn cung của SSI trên thị trường tăng thêm hơn 56 triệu CP, nâng tổng khối lượng CP của đơn vị này trên thị trường lên hơn 136 triệu CP.

Chưa hết, Công ty CP Vincom cũng đã công bố kế hoạch phát hành CP để tăng vốn điều lệ lên 120 tỉ đồng, với khối lượng chào bán lên tới 40 triệu CP.

Khối lượng CP của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) dự kiến cũng sẽ tăng thêm hơn 50 triệu CP trong đợt chia thưởng của đơn vị này.

Mặc dù đã công bố mức chia CP khá hấp dẫn, nhưng giá CP của những công ty trên không tăng mà còn giảm, trái ngược với xu hướng tăng liên tục như trước đây. "NĐT đã có nhiều bài học kinh nghiệm rồi, giá CP sau thời điểm chốt danh sách sẽ điều chỉnh xuống mức phù hợp và khó tăng trở lại. Hơn nữa, nhiều NĐT cũng đã "ngán" với các đợt phát hành thêm lắm rồi...", anh Nguyễn Thanh Phong - một NĐT tại sàn CK SSI - nói.

Được thưởng hóa ra bị… thiệt

Có thể giãn các đợt phát hành CP

Trước hiện tượng chào bán CP dồn dập, lượng cung hàng hóa trên thị trường ngày một nhiều trong khi phía cầu có nguy cơ không hấp thụ được hết, UBCKNN sẽ xin phép Bộ Tài chính giãn lịch chào bán của các công ty để tránh hiện tượng "bội thực" nguồn cung.

Theo UBCKNN, trong năm 2007 đã có 179 công ty được phép chào bán 2,46 tỉ CP ra công chúng, tương ứng với trên 48.000 tỉ đồng (gấp 25 lần so với năm 2006). Trong năm 2007, thị trường VN đã huy động được 90.000 tỉ đồng vốn cho các doanh nghiệp, bao gồm hoạt động phát hành, đấu giá trên thị trường chính thức. Tính đến 14-12, mức vốn hóa toàn thị trường chiếm 39,4% GDP.

Thời gian qua các công ty niêm yết đều phát hành CP tăng vốn, phát hành CP để trả cổ tức. Tuy nhiên, trong các trường hợp này, giá CP phải điều chỉnh lại. Với CP thưởng, dù NĐT không phải đóng thêm tiền nhưng nếu bán ra CP đang nắm giữ, số tiền thu về cũng giảm mạnh do giá CP đã được điều chỉnh.

Trong khi đó phải mất ít nhất 1-2 tháng, thậm chí đến... sáu tháng số CP thưởng này mới về tài khoản NĐT. Nếu chẳng may CP đến tay NĐT vào thời điểm thị trường đang điều chỉnh, giá CP giảm thì NĐT bị thiệt.

Theo ông Lê Đạt Chí - chuyên gia về CK, đến nay Ủy ban CK nhà nước (UBCKNN) chưa có biện pháp giám sát tình trạng "lạm phát" phát hành CP của các công ty niêm yết. Ông Chí cho rằng lẽ ra đối với những công ty niêm yết đã phát hành, UBCKNN phải xem xét thật kỹ việc sử dụng vốn của đơn vị này có đúng với phương án ban đầu hay không hoặc có hiệu quả hay không mới cho phép phát hành tiếp.

Một chuyên gia CK cũng cho rằng thời gian qua UBCKNN đã đẩy trách nhiệm giám sát hoạt động của công ty niêm yết cho các NĐT. Trong khi họ chỉ là những NĐT gián tiếp, khó có khả năng kiểm soát mọi hoạt động của doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện tính minh bạch thông tin tại thị trường CK VN hiện còn rất hạn chế.

"Ở các thị trường phát triển, cơ quan quản lý thị trường đều làm rất tốt vai trò giám sát này. Nó cũng giống như hình thức "hậu kiểm", bất cứ công ty nào muốn phát hành cũng phải chứng minh là đã sử dụng đúng mục đích và hiệu quả đồng vốn thu được từ đợt phát hành trước đó..." - một chuyên gia CK nói.

(Theo TuoiTre)