Thị trường đã tăng trở lại, bất chấp Vietcombank
Chuyên gia: Khả năng phục hồi đang ở trước mặt. Ảnh: LAD.
Khả năng phục hồi đang ở trước mặt bởi hiện có rất nhiều người cho rằng sau ngày 31/12, tình thế đổi khác theo chiều hướng tích cực, nhất là khi các công ty cũng có kết quả hoạt động kinh doanh cuối năm, mà đa phần được dự báo sẽ lãi lớn hoặc chí ít là hoàn thành kế hoạch năm.
Đó là chưa kể nguồn kiều hối về VN dự đoán có thể lên đến 5,6 tỷ USD. Do vậy có thể sau Tết Dương lịch đến Tết Nguyên đán, thị trường có khả năng ấm lại.
Những luồng sinh khí mới phần nào đã giúp thị trường trụ lại được trước sự kiện Vietcombank đấu giá vừa qua.
Kết thúc phiên giao dịch 28/12, thị trường có bước tiến triển tốt khi chỉ số VN-Index đảo chiều tăng 5,27 điểm (tương đương tăng 0,57%) lên 927,02 điểm.
Trong tổng số 138 mã chứng khoán niêm yết có 50 mã tăng giá, 47 mã giảm giá, 41 mã đứng giá. Trong số 3 chứng chỉ quỹ có mặt trên sàn 2 chứng chỉ tăng giá là MAFPF1 và VFMVF1, PRUBF1 đứng giá.
Đặc biệt đáng chú ý, nhiều cổ phiếu lớn, có tác động mạnh tới thị trường đã bắt đầu tăng giá.
PVD của Công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí PV Drilling tăng 3.000 đồng/cổ phiếu lên 152.000 đồng/cổ phiếu, HPG của Tập đoàn Hoà Phát tăng nhẹ 500 đồng/cổ phiếu lên 94.500 đồng/cổ phiếu.
FPT của CTCP Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT tăng 1.000 đồng/cổ phiếu lên 223.000 đồng/cổ phiếu, khối lượng được khớp lệnh là 113.480 cổ phiếu.
SSI của Chứng khoán Sài Gòn tăng 1.000 đồng/cổ phiếu với khối lượng được khớp lệnh là 292.040 cổ phiếu
Đáng chú ý nhất là cổ phiếu STB của Sacombank tăng 500 đồng/cổ phiếu lên 65.500 đồng/cổ phiếu, bất chấp STB theo lý thuyết phải là nạn nhân chính của việc VCB thành công ở mức giá không cao.
Trong số các cổ phiếu lớn, có 3 cổ phiếu giảm giá là VNM của Vinamilk giảm 2.000 đồng/cổ phiếu xuống 165.000 đồng/cổ phiếu, VIC của Vincom giảm 1.000 đồng/cổ phiếu xuống 154.000 đồng/cổ phiếu và ITA của Itaco giảm 1.000 đồng/cổ phiếu xuống 124.000 đồng/cổ phiếu.
Trong số các cổ phiếu tăng giá có 5 cổ phiếu tăng kịch trần, cổ phiếu L10 của CTCP Lilama 10 lên sàn hôm 25/12 tiếp tục tăng kịch trần 2.500 đồng/cổ phiếu lên 56.000 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra còn 4 cổ phiếu tăng kịch trần khác là VTO, TS4, SSC và DXP.
Hôm nay chứng chỉ quỹ MAFPF1 của công ty TNHH quản lý quỹ Manulife Việt Nam chào sàn, như vậy MAFPF1 là chứng chỉ quỹ thứ 3 niêm yết tại sàn HOSE.
Dẫn đầu về khối lượng giao dịch vẫn là DPM với 539.370 cp, tiếp đến là SSI với 412.290 cp. Ngoài ra còn các cổ phiếu khác có khối lượng khớp lệnh cao như HPG (81.580cp), FPT (172.550 cp), DPR 112.470cp), ALP 265.690 cp)....
Chuẩn bị chu kỳ tăng giá?
Theo các chuyên gia, tháng 12/2007 là thời điểm kết thúc năm, các ngân hàng buộc phải thắt chặt dư nợ cho vay chứng khoán. Nhà đầu tư cũng buộc phải trả nợ vay ngân hàng. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư phải bán bớt cổ phiếu mặc dù biết cổ phiếu mình đang nắm giữ còn có thể lên, kết quả khiến thị trường “lình xình”.
Tuy nhiên, sau ngày 31/12, tình thế sẽ khác. Ông Huỳnh Thế Du, giảng viên kinh tế Trường Fullbright cho rằng, sau ngày 31/12, áp lực rút dư nợ của ngân hàng sẽ thong thả hơn và nếu có bị phạt thì cũng phạt rồi. Đồng thời, khi đó, nhà đầu tư cũng trả nợ xong và các công ty cũng có kết quả hoạt động kinh doanh cuối năm. Đó là chưa kể nguồn kiều hối về VN dự đoán có thể lên đến 5,6 tỷ USD. Do vậy có thể sau Tết Dương lịch đến Tết Nguyên đán, thị trường có khả năng ấm lại.
Tương tự, Tiến sĩ kinh tế Hồ Công Hưởng, cũng cho rằng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây luôn đạt trên 8% và chắc chắn sẽ còn tăng, nên niềm kỳ vọng vào thị trường chứng khoán là có căn cứ. Song trong thời gian vừa qua, nhiều quy định pháp lý của các cơ quan nhà nước liên tục được ban hành tác động đến sự phát triển của thị trường chứng khoán, rõ ràng nhất là Chỉ thị 03 hay Luật Thuế thu nhập cá nhân, trong đó có thuế thu nhập từ chứng khoán. “Nếu Nhà nước có chính sách quản lý thị trường tốt hơn, khách quan hơn thì chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng vào sự phát triển của thị trường” - ông Hưởng nói.
(Theo VietnamNet)
0 Responses to Thị trường đã tăng trở lại, bất chấp Vietcombank
Something to say?