Số phận cổ phiếu "vua" sẽ đi về đâu?
Mức giá trúng IPO Vietcombank khá thấp đã có tác động đến TTCK Việt Nam ngay trong ngày 27/12. Giá cổ phiếu trên sàn và OTC đã bắt đầu giảm nhẹ và khối lượng giao dịch cũng giảm.
Ngay từ sáng 27/12, cổ phiếu VCB đã bắt đầu được rao bán với giá từ 105.000 - 115.000 đồng/ cổ phiếu và đến chiều cùng ngày hạ còn 103.500 đồng/ cổ phiếu.
Giải thích lý do bán thấp hơn giá trúng bình quân (107.860 đồng/cổ phiếu), chị Nguyễn Thị H. (TPHCM) cho biết: “Tôi trúng 3.000 cổ phần với giá 102.500 đồng, bán 105.500 đồng cũng lời được 9 triệu, chứ để lâu nữa có người bán sát giá trúng thấp nhất như của Bảo Việt, Đạm Phú Mỹ là mình phải ôm luôn”.
Hầu hết những người bán lại đều là dân đấu giá “chuyên nghiệp” và rút kinh nghiệm từ các đợt IPO trước nên “ăn ít no lâu”. Với đà này, đã có dự đoán giá bán VCB sẽ còn giảm trong vài ngày tới, nhất là khi thời hạn đóng tiền VCB đang đến gần. Nhưng cách bán “lúa non” trên đã làm nhiều loại cổ phiếu hạ giá, nhất là cổ phiếu ngân hàng trên thị trường OTC.
Sau khi giá IPO VCB được công bố, nhiều loại cổ phiếu ngân hàng như Eximbank, Techcombank, Phương Đông, Habubank, An Bình… đã giảm nhẹ. Nhà đầu tư Nguyễn Ngọc Hải (sàn SSI TPHCM) nói: “Chúng tôi vẫn hy vọng giá của VCB khoảng 150.000 đồng để kéo giá cổ phiếu ngân hàng lên nhưng với giá vừa công bố thì tôi đang lo giá cổ phiếu ngân hàng còn xuống nữa”.
Khi giá cổ phiếu Vietcombank được trả thấp, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng khác đã bị ảnh hưởng |
Giám đốc môi giới một CTCK e ngại: “Theo tôi thì giá của nhiều cổ phiếu ngân hàng hiện nay đã ở mức hợp lý, thậm chí có loại còn thấp hơn giá trị thực nhưng do tâm lý VCB không cao thì cổ phiếu ngân hàng khác cũng thấp nên nhà đầu tư chán nản”.
Trên các sàn và chợ chứng khoán tự do, tuy giá giảm nhưng giao dịch cổ phiếu ngân hàng đang ở trạng thái thăm dò. Bà Bùi Bích Hương, nhà môi giới tự do tại chợ chứng khoán Nguyễn Công Trứ (Q.1 TPHCM) cho biết, khách hỏi nhiều chứ mua bán thành công ít đang chờ thị trường ổn định sau Tết dương lịch.
Ông Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc CTCK VIS nhận định: “Với thương hiệu và quy mô quá lớn, VCB đang được xem là thước đo để đánh giá các loại cổ phiếu cả trên sàn lẫn OTC.
Cho nên cũng không lạ gì chuyện giá nhiều loại cổ phiếu giảm. Nhưng tôi dự đoán gần Tết Nguyên đán, TTCK sẽ khởi sắc hơn khi kết quả nộp tiền mua cổ phiếu VCB rõ ràng và ảnh hưởng của đợt IPO này nhạt dần”.
Trong phiên giao dịch ngày 27/12, dù giá cổ phiếu giảm và tin đồn sẽ còn giảm nữa nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn bình tĩnh không bán vội bởi nói như ông Vũ Thanh Bình (sàn ACBS TP HCM) thì: “Cần một khoảng lặng để thị trường tĩnh lại sau "cơn bão" IPO VCB. Có bán cũng lỗ nên chúng tôi chờ qua năm 2008 xem sao”.
Còn những người gom vào cũng chờ thêm vì hy vọng sắp tới những người trúng đấu giá sẽ bán ra và giá sẽ hạ hơn. Tuy nhiên, chuyên gia phân tích Thiệu Quang Thắng nói: “Nhiều nhà đầu tư đã chuẩn bị vốn để tham gia đấu giá và với giá trúng không cao, tôi tin số nhà đầu tư chấp nhận bán lỗ không nhiều”. Ông Thắng cũng đánh giá cổ phiếu VCB sẽ khó lên quá 130.000 đồng trong vòng 2,3 tháng nữa nên không phải ai cũng chấp nhận đánh đổi.
Nhà phân tích chứng khoán Trần Ngọc Nam nhắc lại việc Đạm Phú Mỹ và Bảo Việt đã từng “kéo lùi” thị trường nhưng “hậu quả” vẫn được khắc phục để khuyến cáo các nhà đầu tư đừng quá bi quan. Giá của hàng loạt cổ phiếu niêm yết hàng đầu như SSI, FPT, REE, VNM… không biến động nhiều.
Tuy nhiên, ông Nam lại e ngại lượng cổ phần quá nhiều của VCB tung ra đúng vào thời điểm hàng trăm triệu cổ phiếu khác phát hành thêm sẽ khiến nhà đầu tư “bội thực” và “các cơ quan quản lý nên xem xét việc hoãn lại thời điểm phát hành thêm cổ phiếu của các Cty”.
(Theo TienPhong)
0 Responses to Số phận cổ phiếu "vua" sẽ đi về đâu?
Something to say?