Nhân viên ngân hàng Nguyễn Văn Thanh chờ đợi ngày 26.12 với tâm trạng khá hồi hộp. Ngày IPO Vietcombank - sẽ mở đường cho quá trình tư nhân hoá ngân hàng nhà nước lớn nhất Việt Nam mà trong đó Thanh sẽ có phần.

Theo quy chế hiện tại, với 10 năm làm việc cho Vietcombank (VCB) Thanh sẽ được mua 1.000 cổ phiếu VCB với giá ưu đãi giảm 40% so với mức giá sẽ được công bố sau hai ngày nữa.

Theo tính toán của nhiều chuyên gia, giá cổ phiếu VCB sẽ dao động từ 102.000 – 120.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, với thâm niên làm việc cho ngân hàng này, Thanh sẽ có được món hời 50 triệu đồng.

“Số tiền này còn lâu mới giúp tôi đổi đời, nhưng nó đã gần bằng lương của cả năm làm việc của tôi. Hơn nữa, số tiền này sẽ là khoản tiết kiệm đáng kể mà những người làm công ăn lương như tôi ít khi để ra được”, Thanh nói.

doidoi.jpg

Phát hành lần đầu ra công chúng - IPO luôn là hy vọng của các nhà đầu tư. Trong ảnh: nhà đầu tư đặt cọc tiền tham gia đấu giá cổ phiếu IPO tại sàn giao dịch SSI. (Ảnh: Lê Quang Nhật)

Thanh cho biết thêm, trong hơn nửa năm nay, chủ đề thưởng cổ phiếu đã trở nên đề tài thường trực trong câu chuyện ở phòng anh, cũng như của gần bảy ngàn cán bộ đang làm việc trong hệ thống của VCB.

Mặc dù chỉ có gần 10.000 người đăng ký đấu giá khoảng 6,5% số vốn điều lệ (tương đương 975 tỉ đồng) trong đợt IPO của ngân hàng này, nhưng phiên đấu giá này dường như đã tác động đến tâm lý của toàn bộ các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thanh cũng như rất nhiều người khác đều muốn “có phần” trong ngân hàng này.

Những căn hộ cao cấp giá 3.000 USD/m2 hay những chiếc ô tô nhập khẩu giá tới cả trăm ngàn USD có được từ tiền lãi chơi chứng khoán, đã phổ biến ở Hà Nội và TP.HCM

Trường hợp của Thanh, rõ ràng, đang đại diện cho một tâm thức mới của rất nhiều nhà đầu tư muốn tìm kiếm cơ hội của mình nhờ vào quá trình tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước bắt nguồn từ những năm 90 của thế kỷ trước. Tâm lý này đã được đặc biệt kích thích trong khoảng hai năm gần đây, khi thị trường chứng khoán bùng nổ, đưa hàng ngàn người được lên hạng vào tầng lớp trung lưu mới nổi ở Việt Nam.

Lê Bích Liên, một nhà đầu tư chứng khoán ở Hà Nội tiết lộ rằng, chỉ riêng trong năm ngoái, cô đã thu được hơn 1 triệu USD từ buôn bán cổ phiếu. Trong khi đó, Quý Hiển, một nhà đầu tư khác cũng ở Hà Nội cho biết rằng, anh đã lời ra gần 20 tỉ đồng chỉ riêng trong việc buôn bán cổ phiếu của FPT trong những tháng đầu năm nay.

Tiền lãi từ chứng khoán đã làm thay đổi cách sống của rất nhiều người. Những căn hộ cao cấp giá 3 ngàn USD/m2 hay những chiếc ô tô nhập khẩu giá tới cả trăm ngàn USD phục vụ riêng cho tầng lớp này đã trở nên quen thuộc với nhiều người ở Hà Nội hay TP.HCM.

Một số người Việt Nam đã trở thành triệu phú đô la chỉ trong vòng một đêm, sau khi công ty họ niêm yết. Có người thậm chí đã phải thanh minh mình không phải là trọc phú nhờ may mắn trở nên giàu có quá nhanh.

Danh sách của những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam đã được công bố, với mức tài sản cá nhân lên đến hàng chục triệu USD. Đây là điều rất đáng nói, trong bối cảnh GDP bình quân đầu người mới chỉ dừng ở mức 833 USD trong năm nay, và có tới hơn 15% của 84 triệu người vẫn đang sống dưới mức nghèo khổ.

Tuy nhiên, ông Martin Rama, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Thế giới cho rằng, xã hội Việt Nam cần phải làm quen với điều này. “Các bạn không nên bất ngờ khi có một bộ phận trở nên giàu có nhờ chứng khoán”.

(Theo SGTT)