Hiện tượng tranh mua bằng cách đặt giá trên trời đã không xảy ra tại đợt IPO VCB hôm 26/12. Theo thống kê của Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE), giá đặt mua cổ phiếu VCB cao nhất là 250.000 đồng.

Kết quả đấu giá được công bố ngay sau khi kết thúc quá trình kiểm phiếu vào lúc 23h55 phút đêm qua. Theo đó, giá trúng thầu bình quân cổ phiếu VCB là 107.860 đồng. Giá trúng thấp nhất chỉ chênh lệch giá khởi điểm 2.000 đồng.

Trong danh sách trúng đấu giá, 146 tổ chức trong nước đã mua hơn 30,6 triệu cổ phiếu, 37 tổ chức nước ngoài "ôm" 28 triệu đơn vị, xấp xỉ hạn mức cho phép là 29,25 triệu cổ phiếu.

Sau đợt đấu giá cổ phần ra công chúng này, 8.411 nhà đầu tư cá nhân trong nước đã trở thành cổ đông của Ngân hàng Vietcombank, nắm hơn 38,1 triệu cổ phiếu. 198 cá nhân nước ngoài mua được 652.234 đơn vị.

Trao đổi với VnExpress hôm nay, ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc VCB cho hay, Ban đấu giá đã dốc toàn lực để công tác kiểm phiếu có thể kết thúc ngay sát thời điểm chuyển giao sang ngày 27/12. Kết quả là đến hơn 11h30 tối 26/12, việc kiểm kê cơ bản đã xong. Sau đó, Ban kiểm phiếu phải họp để quyết định có công nhận những phiếu không đúng quy định hay không. 138 phiếu đã không được ban đấu giá công nhận kết quả do có vết tẩy xóa, thiếu dấu treo hoặc nhà đầu tư quên ký tên.

Nhân viên kiểm phiếu làm việc trong ngày IPO VCB.
Ảnh: Ánh Hồng.

Tổng cộng 8.792 nhà đầu tư đã giành được quyền mua cổ phiếu Ngân hàng Ngoại thương với khối lượng đặt mua cao nhất lên đến 3,9 triệu đơn vị.

Nhà đầu tư hoàn toàn không bất ngờ trước kết quả đấu giá. Anh Hoàng Đạt, nhà đầu tư sàn SSI cho biết, trước đó, khi có kết quả đăng ký nhiều nhà đầu tư đã bàn trước với nhau về mức giá sẽ trả cho cổ phiếu VCB. "Với chênh lệch giữa lượng đặt mua và lượng chào bán chỉ là 25%, mức giá đó là hợp lý", anh nói.

Tổng giám đốc VCB nói rằng, mức giá này hoàn toàn hợp lý và nằm trong tầm dự đoán của ngân hàng. "VCB không đặt mục tiêu chọn thời điểm thật tốt để đẩy giá trúng bình quân lên cao", ông Phước Thanh nói. Mục tiêu chính của VCB là đưa cổ phiếu hòa nhập vào thị trường và tăng trưởng bền vững. Theo ông, mức giá bình quân 107.860 đồng phù hợp với những người muốn làm cổ đông VCB lâu dài.

Ông Phạm Khánh Lynh, Phó Tổng giám đốc quỹ VFM cho rằng, với mức giá trúng bình quân này, tính thanh khoản của cổ phiếu VCB sẽ rất cao, nhất là sau khi cổ phiếu này được niêm yết chính thức trên sàn HOSE.

Sáng 26/12, VCB trở thành ngân hàng thương mại quốc doanh đầu tiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với khối lượng bán đấu giá công khai là 97,5 triệu đơn vị. Việc kiểm phiếu được bắt đầu bằng buổi lễ ngắn, nhưng trang trọng, với sự tham gia của đại diện Ngân hàng Nhà nước, đầy đủ ban lãnh đạo Sở Giao dịch, cùng Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương. Toàn bộ sảnh rộng hơn 400 m2 chật cứng người tham dự, chủ yếu là các quan chức, đại diện của các công ty chứng khoán và giới truyền thông trong nước, quốc tế.

Trước đó, gần 9.500 nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đăng ký tham gia đấu giá, với tổng khối lượng đặt mua hơn 122,2 triệu cổ phần. Trong đó, 9.068 cá nhân trong nước đăng ký hơn 46,7 triệu đơn vị. 153 tổ chức trong nước đăng ký hơn 34,8 triệu đơn vị.

Gần 40,7 triệu còn lại là phần đăng ký của khối ngoại. Trong đó 45 tổ chức nước ngoài “xí” gần 39,9 triệu đơn vị. 207 cá nhân nước ngoài đặt mua 804.700 cổ phần.

(Theo VnExpress)