Hiện có 5 cổ phiếu (CP) của 5 doanh nghiệp ngành cao su đã niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Không thuộc loại “hàng nóng”, nhưng nhóm CP này lại được nhiều chuyên gia đánh giá có tiềm năng phát triển bền vững.

Thuận lợi

Ngành cao su đứng thứ 7 trong 10 ngành có giá trị xuất khẩu cao nhất Việt Nam và đang đứng thứ 4 thế giới về số lượng xuất khẩu. Tính đến hết tháng 11, cả nước đã xuất khẩu được hơn 630.000 tấn cao su với tổng kim ngạch đạt khoảng 1,2 tỉ USD. Dự kiến cả năm 2007, Việt Nam sẽ xuất được trên 700.000 tấn cao su các loại và vượt mục tiêu đã đề ra là 1,3 tỉ USD. Giá xuất khẩu cao su trung bình trong những ngày cuối tháng 11 đã đạt 2.057 USD/tấn, tăng 6 USD/tấn so với cuối tháng 10.2007. Giá cao su được dự báo tăng khoảng 18% trong năm 2008. Đây chính là yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp ngành cao su Việt Nam trong việc khai thác và mở rộng thị trường.

Trên sàn chứng khoán, 5 công ty cao su đã niêm yết gồm Cao su Đà Nẵng (mã chứng khoán DRC), Cao su Đồng Phú (DPR), Cao su Thống Nhất (TNC), Cao su Hòa Bình (HRC) và Cao su Tây Ninh (TRC). Trong đó, Cao su Đồng Phú có diện tích gần 9.000 ha cao su với hơn 8.300 ha đang được khai thác và trong thời gian tới, công ty này sẽ triển khai dự án trồng 10.000 ha cao su tại Campuchia và 3.000 – 4.000 ha tại tỉnh Đắk Nông. Cao su Hòa Bình đang quản lý hơn 5.000 ha cao su. Cao su Tây Ninh đang có 6.000 ha cao su đang được khai thác và theo kế hoạch sẽ trồng mới 10.000 ha cao su tại Campuchia, 50.000 ha cao su tại Lào. Công ty cao su Thống Nhất đang khai thác 1.600 ha cao su.

Riêng Cao su Đà Nẵng là một công ty chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm cao su như lốp ô tô, lốp xe máy, lốp xe đạp. Thị trường trong và ngoài nước của các công ty trên đều được mở rộng, tốc độ phát triển về doanh thu tăng từ 15 - 20%/năm. Các công ty này cũng từng bước mở rộng sản xuất sang nhiều lĩnh vực khác như đầu tư xây dựng, hợp tác liên kết trong chế biến gỗ, kinh doanh máy móc nông ngư cơ...

Khó khăn

Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp ngành cao su vẫn phải đối diện với những khó khăn đặc thù của mình. Năng suất khai thác mủ của cây cao su phụ thuộc nhiều vào thời tiết trong khi những năm gần đây thời tiết diễn biến thất thường. Sản lượng khai thác cao su thiên nhiên của Việt Nam so với các nước hàng đầu như Thái Lan, Indonesia, Malaysia... còn chênh lệch khá xa nên các doanh nghiệp trong nước không thể chủ động về giá. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu lại tập trung quá nhiều vào Trung Quốc với hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Do đó, sự biến động của thị trường này về các chính sách vĩ mô và vi mô đều sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của ngành cao su trong nước. Trong những năm tới, ngành cao su Việt Nam còn chịu sức ép cạnh tranh từ một số nước có ngành cao su lâu đời và đang phục hồi trở lại như Trung Quốc, Brazil.

Trong khi đó, quỹ đất nông nghiệp của nước ta đang bị thu hẹp dần nên việc mở rộng diện tích trồng cao su trong nước là vấn đề nan giải. Không chỉ thế, công nghệ chế biến mủ cao su của các công ty hiện đang dừng lại ở mức sơ chế, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là bán thành phẩm. Trong tương lai, nếu phải cạnh tranh về chất lượng hàng hóa thì các doanh nghiệp cao su Việt Nam sẽ khó giành được thị phần. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính vẫn cho rằng đây là nhóm ngành có tốc độ phát triển ổn định, lâu dài, phù hợp với những chiến lược đầu tư dài hạn.


Một số chỉ tiêu tài chính của CP ngành cao su

Cổ phiếu Khối lượng CP đang niêm yết Giá giao dịch ngày 28.12 (đồng/CP) Doanh thu năm 2007 theo kế hoạch EPS cơ bản (đồng) Tỷ lệ lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (%)
DPR

40.000.000

85.000

513,25

1.500 (*)

22

DRC

13.038.552

123.000

1.130

5.350

39

HRC

17.260.976

168.000

315

9.080

69,5

TNC

19.250.000

36.500

185,9

1.780

8,48

TRC

30.000.000

122.000

526

5.815 (*)

46,28

(*): Cổ tức dự kiến cả năm 2007 do 2 công ty này mới cổ phần hóa gần đây

(Theo ThanhNien)