Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang ở trong những “ngày đen tối” nhất khi giá trị giao dịch liên tục giảm sâu. Để “cứu” chứng khoán một cách bền vững, không giải pháp nào hữu hiệu bằng việc vực lại niềm tin của nhà đầu tư. Đó là ý kiến của ông Lê Đình Ngọc, Giám đốc Công ty chứng khoán Thăng Long.

Nhà đầu tư nản lòng?

Theo đánh giá của UBCKNN, trong năm 2007, TTCK Việt Nam nhìn chung còn thiếu khởi sắc, mặc dù tại thị trường TP.HCM và Hà Nội, tổng khối lượng giao dịch đạt con số khá lớn 386.428 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Chứng khoán Việt Nam, TTCK Việt Nam năm 2007 đã trải qua rất nhiều “sóng gió”, lượng cung - cầu mất cân đối, trong lúc các loại cổ phiếu trên thị trường đang xuống thì các doanh nghiệp lại ồ ạt “rủ nhau” tranh thủ lên sàn.

TTCK tiếp tục xu hướng giảm sâu trong những ngày đầu năm 2008

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Phó Chủ tịch UBCKNN, đằng sau sự mất cân đối đó là các chính sách quản lý thị trường, tác động của thị trường tài chính toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, một loạt điều chỉnh chính sách từ phía Chính phủ như ban hành chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước, khống chế cho vay cầm cố chứng khoán không quá 3% hay việc tung ra Luật thuế thu nhập các nhân đối với đầu tư chứng khoán đã khiến cho tâm lý của các nhà đầu tư trở lên hoang mang, nản lòng.

Thêm vào đó, việc chuyển đổi đồng USD của các nhà đầu tư gián tiếp vào thị trường bị hạn chế cũng làm cho không khí của TTCK Việt Nam không ấm lên được, nhất là vào những tuần cuối của năm 2007, mặc cho một loạt các thông tin tốt được đưa ra nhằm “cứu” thị trường.

Các nhà đầu tư dường như đã quá quen với những cơn nóng lạnh thất thường của thị trường nên vẫn trong thế thủ “ém” quân để chờ thời cơ từ các đợt đấu giá các công ty lớn. Điều này cũng làm cho không khí toàn thị trường trong những ngày đầu năm 2008 trở lên ảm đạm. Trên cả hai sàn TP. HCM và Hà Nội, sắc đỏ vẫn loang dài trên các bảng điện tử.

Những “cơn bão” giá vàng, dầu và sự giảm sút của TTCK đã khiến cho không ít các nhà đầu tư chọn giải pháp “lướt sóng” với thị trường vàng và bất động sản để bù lỗ cho giá trị của những cổ phiếu, cổ phần.

Liệu có kích được cầu?

Với việc giảm sâu, TTCK những ngày đầu năm 2008 đang thực sự rơi xuống “đáy” khi kết thúc phiên giao dịch ngày 24/1, VN-Index rơi xuống 764,13 điểm, với gần 100 mã giảm giá.

Nhiều phương án kích cầu đã được các cơ quan chức năng đưa ra nhằm nhanh chóng cứu TTCK như câu chuyện mở “room” với nhà đầu tư nước ngoài hay giãn IPO của các công ty lớn vừa được UBCKNN chỉ đạo mới đây...

Theo ông Lê Đình Ngọc, Giám đốc Công ty chứng khoán Thăng Long, về ngắn hạn, nên sử dụng một số giải pháp như mua ngoại tệ của các tổ chức đầu tư nước ngoài, hoặc bán cổ phiếu bằng ngoại tệ cho các đối tác chiến lược, gắn với thời gian hạn chế chuyển nhựơng; hoặc cho phép các tổ chức phi ngân hàng phát hành công cụ nợ, hoặc vay vốn bằng ngoại tệ nhằm kích thích nhóm đầu tư nước ngoài.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, Học viện Tài chính cho rằng, với việc thiếu tiền đồng và dư thừa ngoại tệ, giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay là sớm sửa chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu phát hành trái phiếu doanh nghiệp bằng ngoại tệ cùng với trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ.

"Tháo gỡ được vấn đề này sẽ vừa giảm lượng ngoại tệ trên thị trường Việt Nam, giảm cung ứng tiền đồng để mua ngoại tệ, giảm sự lên giá của VNĐ so với USD, vừa tạo điều kiện để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển”, bà Mùi cho hay.

Ngoài ra, việc xác lập lộ trình IPO cho các công ty lớn là điều cần làm trong lúc này.

“Việc lùi chưa biết thời hạn IPO của các doanh nghiệp Nhà nước lớn không phải là chính sách hay, bởi với các nhà đầu tư, vấn đề không chỉ ở chỗ cung hàng hoá có dồn dập hay không, mà ở chỗ phải có một lộ trình rõ ràng””, ông Ngọc nhấn mạnh.

Cách xác định giá trị và xác định giá khởi điểm của IPO doanh nghiệp Nhà nước theo ông Ngọc cũng cần phải xem xét lại.

Hiện nay, việc này còn đang được thực hiện theo hướng tận thu, thiếu cơ sở định giá đang tạo tâm lý chán nản cho các nhà đầu tư, dẫn đến việc IPO có thể không thành công, và về lâu dài không có lợi cho thị trường.

Do đó, cần có sự đầu tư dài hơi theo một lộ trình thích hợp, đảm bảo sự kết nối giữa các sở giao dịch chứng khoán, trung tâm lưu ký, ngân hàng thương mại và các công ty chứng khoán. Điều này cho phép các nhà đầu tư có thể tham gia dễ dàng hơn và đầy đủ hơn vào thị trường.

Ông Ngọc cũng cho biết thêm, việc đưa ra các chính sách vĩ mô nhằm mục đích kiểm soát lạm phát, tỷ giá và tăng trưởng kinh tế bền vững là không dễ dàng, vì vậy cần phải có một quan điểm thận trọng và một lộ trình cam kết cũng như thói quen áp dụng các biện pháp thị trường, từ đó tạo ra niềm tin cho các nhà đầu tư. Đây chính là các giải pháp kích cầu mang tính lâu dài và bền vững.