Khi hối lộ núp bóng “đối ngoại” bằng cổ phiếu
Cổ phiếu được dùng để làm quà tặng vào những dịp lễ tết không còn là một hình thức "đối ngoại" lạ lẫm. Theo TS. Nguyễn Minh Phong, nhiều đối tượng được các doanh nghiệp đưa vào danh sách cần “đối ngoại” bằng cổ phiếu thường không phải là các doanh nghiệp.
Bài viết của Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội - xã hội HN, TS. Nguyễn Minh Phong.
Việc ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia cổ phần hoá khiến cổ phiếu ngày càng trở nên quan trọng đối với nền kinh tế, xã hội. Giá trị và lợi ích từ cổ phiếu đem lại đã giúp nó trở thành một tặng vật vô cùng thời thượng và ý nghĩa.
Cổ phiếu ngày càng có giá trị trong đời sống kinh tế - xã hội. Ảnh: La Ba. |
Người ta thích tặng và nhận quà là cổ phiếu còn bởi những lợi ích kinh tế trước mắt và tiềm năng mà cổ phiếu đem lại cho người sở hữu nó, trong đó có lợi ích từ sự chênh lệch giá của chế độ 2 giá của cổ phiếu, tức sự chênh lệch giữa giá ưu đãi nội bộ, giá giành cho cổ đông, đối tác chiến lược với giá đấu giá thành công bình quân trên sàn giao dịch chứng khoán (thường lệch giá 20 – 40%) theo quy định hiện hành của nhà nước.
Ngoài ra, còn phải kể đến lợi ích từ việc thu được cổ tức cao, cũng như khả năng tham gia biểu quyết, thậm chí điều hành doanh nghiệp cổ phần hóa mà người sở hữu số lượng lớn cổ phiếu của doanh nghiệp có thể có được.
Cổ phiếu không chỉ được sử dụng để "lấy lòng" các đối tác quan trọng, mà còn làm "mát lòng" những đơn vị, người có chức, có quyền, có nhiều cơ hội can thiệp hoặc tác động, trực tiếp hay gián tiếp, chi phối các hoạt động và lợi ích của doanh nghiệp. Bởi nếu những đơn vị, cá nhân đó chấp nhận món quà này, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ nhận được sự "bảo hộ" đầy quyền uy trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Việc doanh nghiệp dùng cổ phần để "đối ngoại" một phần còn để thu hút các đối tác cổ đông chiến lược, quan trọng, nắm giữ các yết hầu trong yếu tố đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp… Nhất là trong cơ chế xin - cho còn ít nhiều ảnh hưởng trong thực tiễn kinh tế đất nước thời kỳ chuyển đổi.
Do đó, về bản chất, đây chính là một hình thức hối lộ. Do sự quy định còn lỏng lẻo và chưa rõ ràng về tiêu thức các cổ đông chiến lược, các đối tượng được các doanh nghiệp đưa vào danh sách cần “đối ngoại” bằng cổ phiếu có giá trị thường không phải là các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực sự và thường núp bóng các cổ đông chiến lược (cổ đông kinh doanh).
Điều đó có nghĩa họ - những người nhận quà không tham gia đầu tư hoặc có liên quan trực tiếp vào các hoạt động tác nghiệp kinh doanh hàng ngày cụ thể của doanh nghiệp, mà là các quan chức có thể lực, có vai trò tạo môi trường thuận lợi và thúc đẩy tiến độ các quá trình giải quyết công việc theo cơ chế xin – cho, hoặc mang đậm tính quan liêu. Từ đó, tạo ra hoặc nâng cao mức độ lợi ích vượt quá giới hạn mà doanh nghiệp có thể thu được trong điều kiện thông thường không có sự bảo trợ từ các đối tượng đối ngoại bằng cổ phiếu của doanh nghiệp.
Nói cách khác, lợi ích của doanh nghiệp thu được từ việc dùng cổ phiếu đối ngoại thường là thiếu chính đáng, không công bằng, thậm chí không thể có được trong môi trường kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Thêm một lẽ, nhiều khi các cổ phiếu dùng để đối ngoại thường nhân danh vì lợi ích của doanh nghiệp, song thực chất chỉ để tạo ô dù, bảo vệ quyền lợi, giữ “ghế” cho một nhóm, thậm chí một cá nhân nào đó đang, hoặc có triển vọng nắm giữ vị trí lãnh đạo hoặc chiếm tỷ lệ cổ phiếu cao trong doanh nghiệp cổ phần hóa.
Điều này dễ xảy ra ở các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, nơi mà tỷ lệ vốn nhà nước chiếm ở mức khống chế, và nhà nước vẫn duy trì cơ chế chỉ định đại diện cho phần vốn của mình ở doanh nghiệp.
Như vậy, đây chính là hiện tượng hối lộ người có chức quyền để doanh nghiệp hoặc cá nhân nào đó trong doanh nghiệp thu được lợi ích bất chính trong tương lai. Về phương diện pháp luật, doanh nghiệp và các cá nhân đưa ra quyết định đối ngoại bằng cổ phiếu đã phạm tội đưa hối lộ và người thụ hưởng các cổ phiếu đối ngoại này phạm tội nhận hối lộ (nếu giá trị cổ phiếu đối ngoại mà họ nhận được thấp hơn nhiều giá trị thực tế của nó trên thị trường chứng khoán).
Chưa kể, trong trường hợp nếu số cổ phiếu dùng để đối ngoại nhiều hơn số cổ phiếu mà các đối tượng phải đối ngoại nhận được trên thực tế, tức bị chính người có trách nhiệm trong doanh nghiệp bớt xén cho cá nhân kiểu “ông thầy ăn một, bà cốt ăn hai”, thì đó còn là hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân của những người có trách nhiệm trong doanh nghiệp.
Thiệt hại cuối cùng lại chính là lợi ích chung của các cổ đông và doanh nghiệp mà việc dùng cổ phần đối ngoại thường nhân danh chúng để thực hiện.
Trục lợi cho cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp nhân danh việc mua cổ phiếu “làm gương” trong giai đoạn khó khăn của doanh nghiệp.
(Theo VTC News)
0 Responses to Khi hối lộ núp bóng “đối ngoại” bằng cổ phiếu
Something to say?