Những năm trước, giá cổ phiếu càng về cuối năm thường nóng, sốt. Năm nay, cổ phiếu không những không nóng, sốt mà còn giảm nhiều hơn tăng.

Trong rất nhiều nguyên nhân làm cho chỉ số giá chứng khoán rớt xuống mà các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập, ở đây chúng tôi muốn nói đến một hiện tượng đáng lưu ý, đó là tình trạng lạm phát cổ phiếu.

Năm 2007, cả nước đã có 179 công ty chào bán tới 2,46 tỉ cổ phiếu ra công chúng, tương ứng với trên 48 nghìn tỉ đồng, nhiều gấp 25 lần so với năm trước. Từ đầu tháng 12 tới nay, bên cạnh các đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng, trên cả hai sàn, gần như ngày nào cũng có công ty niêm yết đưa vào giao dịch bổ sung cổ phiếu phát hành thêm.

Trên sàn chứng khoán TP.HCM, thử điểm qua một số cái tên đã đưa vào giao dịch bổ sung cổ phiếu phát hành thêm với khối lượng lớn: SMC phát hành bổ sung gần 2,5 triệu cổ phiếu, đưa tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết hiện lên gần 10 triệu. TS4 phát hành bổ sung 2,5 triệu cổ phiếu, đưa tổng số niêm yết lên gần 5,5 triệu. VTB phát hành bổ sung hơn 4 triệu cổ phiếu, đưa tổng số niêm yết lên trên 11 triệu. BT6 phát hành thêm gần 1 triệu cổ phiếu, đưa tổng số niêm yết lên gần 11 triệu,...

Trên sàn Hà Nội, tình hình cũng tương tự. CTN vừa niêm yết bổ sung gần 2 triệu cổ phiếu, đưa tổng số niêm yết lên gần 4,9 triệu. Công ty cổ phần hợp tác lao động với nước ngoài niêm yết bổ sung gần 3 triệu cổ phiếu. Công ty cổ phần vận tải xăng dầu Vipco sẽ niêm yết bổ sung gần 18 triệu cổ phiếu. Công ty cổ phần nhựa Tân Tiến cũng đã được chấp thuận niêm yết bổ sung gần 3 triệu cổ phiếu,...

Bên cạnh những cổ phiếu mà các công ty niêm yết bổ sung, còn có rất nhiều công ty chốt danh sách thưởng bằng cổ phiếu cho cổ đông với khối lượng rất lớn. Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI) dự kiến chốt danh sách thưởng bằng cổ phiếu cho cổ đông với khối lượng phát hành lên tới gần 40 triệu cổ phiếu và tới đây còn chuyển đổi 16 triệu cổ phiếu từ hơn 1,6 triệu trái phiếu, đưa tổng số cổ phiếu phát hành thêm 56 triệu và nâng tổng số cổ phiếu niêm yết lên hơn 136 triệu. Công ty cổ phần Vincom dự kiến phát hành 40 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên 120 tỉ đồng. Tập đoàn Hòa Phát cũng dự kiến tăng thêm 50 triệu cổ phiếu để chia thưởng,... Trong xu thế thị trường hiện nay, nhà đầu tư đã nhận ra: đối với những mã chứng khoán mà công ty niêm yết tiến hành chốt danh sách, chia thưởng thì sau đó giá không tăng mà thường là giảm, sẽ kéo chỉ số giá chung xuống theo.

Giá cổ phiếu đang rớt xuống, lượng cổ phiếu phát hành từ các nguồn (qua IPO, công ty lên sàn niêm yết, qua phát hành thêm, qua việc chốt danh sách chia thưởng...) tăng mạnh, càng làm cho "chợ" chứng khoán ứ hàng, trong khi lượng tiền có hạn (thậm chí còn bị giảm do không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ bỏ sàn để cắt lỗ, để hoàn trả vốn vay ngân hàng thương mại, do đến kỳ đáo hạn và đến thời điểm theo Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước khống chế tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán không vượt quá 3%, do chuyển sang kênh đầu tư khác đang nóng lên,...). Giá đấu bình quân của cổ phiếu phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) của Ngân hàng Ngoại thương (VCB) cao hơn giá khởi điểm không bao nhiêu, đã phần nào nói rõ xu hướng của thị trường chứng khoán vào cuối năm nay đã không lặp lại chu kỳ cuối các năm trước.

So với cuối năm trước, VN-Index đã tăng 170 điểm, tức là tăng 22,6%, cao gấp hơn 2,5 lần lãi suất tiền gửi ngân hàng (tính theo kỳ hạn năm), cao gấp gần hai lần tốc độ tăng giá tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu so với đỉnh điểm vào ngày 12.3 (đạt 1.175 điểm) thì đến nay đã giảm tới 254 điểm, hay giảm 21,6% thì mức lỗ cũng không phải là nhỏ. Đối với những nhà đầu tư mà vốn phải vay từ ngân hàng với số lãi tính theo năm (tạm tính mức trung bình là 10%), thì số lỗ trong bản quyết toán tài chính đầu tư ở kênh này sẽ còn cao hơn nữa. Nhưng tình trạng "mua không ở đáy, bán không ở đỉnh" theo phong trào mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ lặp đi lặp lại có thể làm cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp với phương châm "mua ở đáy, bán ở đỉnh" thu lợi lớn nếu đầu năm tới lặp lại cú tăng ngoạn mục như đầu năm nay!

(Theo ThanhNien)