Người Trung Quốc phát sốt vì cổ phiếu
Thị trường chứng khoán Trung Quốc trong năm 2007 đã chứng kiến nhiều đợt thăng hoa ngoạn mục. Cơn sốt trên thị trường đã kéo hàng triệu người dân vào trò chơi vẫn còn mới mẻ này thay vì gửi tiền lấy lãi tại ngân hàng.
Lâu nay, người Trung Quốc vốn nổi tiếng ham thích chơi cờ bạc. Do chưa có một hình thức chơi bạc hợp pháp nào được chấp thuận, hàng triệu nhà đầu tư đua nhau mua cổ phiếu và chứng chỉ quỹ để thay thế.
Chỉ số của sàn lớn nhất Trung Quốc là Thượng Hải không ít lần lập những kỷ lục lên điểm. Tính chung cả năm, chỉ số Shanghai tăng tới 97% và trở thành một trong những chỉ số chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất thế giới.
Theo giới chuyên gia, sự thành công của thị trường chứng khoán Trung Quốc không phải hoàn toàn bắt nguồn từ sự bùng nổ của nền kinh tế. Trên thực tế, chính quyền Bắc Kinh đã phải xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư sau nhiều năm thị trường bị rơi vào suy thoái và giá cổ phiếu giảm mạnh.
Nhiều cải cách đã được tiến hành, nhằm đưa ra những quy định bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn cũng như yêu cầu chặt chẽ hơn về việc công bố thông tin của các công ty niêm yết.
Sự lớn mạnh của thị trường chứng khoán Trung Quốc còn thể hiện ở việc Thượng Hải đã trở thành một thành phố phổ biến nhất trên thế giới, sau New York trong việc tổ chức các cuộc IPO. Tính riêng trong tháng 11, các công ty đã huy động được khoảng 48,62 tỷ USD qua các đợt IPO tại đây - vượt qua cả con số 31,81 tỷ USD mà các doanh nghiệp huy động được ở Hong Kong và 43,47 tỷ USD ở London trong suốt 11 tháng đầu năm.
Nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc. Ảnh: ChinaDaily. |
Chính vì ảnh hưởng ngày càng lớn của kinh tế Trung Quốc, nên bất kỳ động thái nào của thị trường này cũng gây những tác động nhất định tới các thị trường khác trên toàn cầu.
Chắc hẳn cả thế giới không thể nào quên đợt suy thoái trên thị trường chứng khoán Trung Quốc hồi tháng 2 đã làm cả thế giới chao đảo. Trong phiên giao dịch ngày 27/2, chỉ số Shanghai và Shenzhen 300 - đại diện cho các cổ phiếu hạng A trên sàn chứng khoán Trung Quốc - đã giảm tới 250,18 điểm (9,2%) xuống còn 2.457,49 điểm.
Các nhà đầu tư vội vã bán tháo cổ phiếu với trị giá lên tới 107,8 tỷ USD khỏi thị trường. Trong số 300 công ty niêm yết có tới 249 mã bị giảm xuống giá sàn (biên độ 10%). Ngay lập tức, làn sóng sụt giảm lan rộng sang các thị trường chứng khoán từ Mỹ, Anh, cho tới Nhật Bản, Hong Kong... Thậm chí, các chuyên gia còn cho rằng, thị trường chứng khoán thế giới trải qua ngày đen tối nhất trong lịch sử, sau ngày 11/9/2001.
Về phía nhà đầu tư, nhìn lại một năm "chinh chiến" trên thị trường, họ cũng rút ra nhiều bài học. Anh Jason Zhou hiện làm việc cho một công ty thương mại quốc tế ở Thượng Hải cho biết, đã mua cổ phiếu của tập đoàn Petro China ngay sau khi công ty này niêm yết trên sàn chứng khoán Thượng Hải vào tháng 11 với giá 5,9 USD.
Thông thường, những công ty nhà nước điều hành này sẽ gặt hái thành công sau khi tiến hành IPO. Tuy nhiên, Petro China - với tỷ lệ vốn hóa đạt hơn 1 nghìn tỷ USD sau khi IPO, giá cổ phiếu lại trở về còn có 4,1 USD. Mặc dù vẫn cao hơn gấp đôi so với giá khởi điểm trong đợt IPO, song cũng khiến nhiều nhà đầu tư điêu đứng vì không đạt kỳ vọng.
Zhou đã buộc phải cắt lỗ và bán ra khi giá mỗi cổ phiếu chỉ còn khoảng 5,2 USD. "Mức lỗ không phải là quá lớn, song cũng là một kinh nghiệm không thể nào quên", Zhou nói.
Hiện tại, các chuyên gia phân tích và nhà đầu tư vẫn rất kỳ vọng vào thị trường chứng khoán của xứ sở Vạn Lý Trường Thành trong năm tới. Theo dự báo, nền kinh tế Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng 11% vào năm 2008 bất chấp những nỗ lực hạn chế đầu tư và lạm phát.
"Đừng quá lo lắng sau kinh nghiệm của PetroChina. IPO của các doanh nghiệp Nhà nước lớn sắp tới vẫn còn rất nhiều tiềm năng", Chen HuiQin, chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán Huatai nói.
Trong số các IPO hàng khủng sắp tới ở Trung Quốc, IPO của China Mobile - nhà cung cấp dịch vụ điện thoại hàng đầu của Trung Quốc - dự kiến sẽ huy động khoảng 10 nghìn tỷ USD trong đợt chào bán cổ phần lần đầu này.
(Theo VnExpress)
0 Responses to Người Trung Quốc phát sốt vì cổ phiếu
Something to say?