Chỉ số VN-Index đang giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tháng qua. Thanh Niên đã trao đổi với ông Lâm Minh Chánh, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Đại Việt về vấn đề này.

* Ông dự đoán đâu sẽ là "đáy" của thị trường?

- "Đáy" của thị trường là thuật ngữ để chỉ điểm thấp nhất của một xu hướng giảm giá. Có hai loại "đáy": "đáy" tâm lý và "đáy" do các chuyên viên theo trường phái phân tích kỹ thuật - dựa vào xu hướng giá và khối lượng giao dịch - dự đoán. "Đáy" tâm lý thường là những điểm tròn, chẳng hạn 1.000, 950, 900, 800. Còn "đáy" do phân tích kỹ thuật là những điểm không tròn kiểu như 875,50; 830,50; 780,50... Các dự đoán về đáy cũng như đỉnh không thể nào chính xác 100%. Những chuyên viên phân tích nhạy cảm và giỏi nhất cũng chỉ có thể đúng 60 - 70% trong các dự đoán của mình. Về câu hỏi điểm nào là "đáy", lúc này tôi hy vọng rằng điểm 776,04 của ngày thứ sáu 25.1.2007 sẽ là "đáy" hay rất gần "đáy". Còn thật sự nó có phải là "đáy" hay không hoàn toàn phụ thuộc vào tâm lý của đa số. Nếu đa số nhà đầu tư (NĐT) nghĩ nó quá thấp thì họ sẽ mua vào và VN-Index tăng lên, còn họ vẫn sợ thì họ sẽ bán ra và VN-Index tiếp tục giảm xuống nữa.

* Các NĐT thường thuộc nằm lòng câu "NĐT thông minh cần biết sợ hãi khi người khác tham lam và biết tham lam khi người khác sợ hãi". Theo ông, họ nên "tham lam" hay "sợ hãi" vào lúc này?

- Theo phân tích cơ bản và chiến lược đầu tư giá trị thì rõ ràng lúc này NĐT nên "tham lam". Thị trường đã xuống quá thấp so với giá trị nội tại của nó. Mặc dù có nhiều tin không lạc quan lắm về thị trường thế giới, về cung cầu của cổ phiếu (CP) và tiền, về động thái của Nhà nước, nhưng đứng về góc độ phân tích cơ bản, các công ty niêm yết đang kinh doanh khá tốt, tình hình phát triển trong tương lai, tuy có phần nào lệ thuộc kinh tế thế giới, nhưng cũng khá tốt. Con số P/E bình quân đang ở mức khá hợp lý so với thị trường đang tăng trưởng như Việt Nam. NĐT "thông minh" nên chọn CP để mua vào lúc này, xác suất thắng là rất cao. Còn nếu đầu tư ngắn hạn thì tôi hoàn toàn không dám cho một lời nhận định hay tư vấn nào. Trong ngắn hạn, mọi con số, phân tích chỉ có giá trị tương đối. Sự chuyển biến của thị giá, trong ngắn hạn, phụ thuộc chính yếu vào đám đông đang suy nghĩ và hành động như thế nào? Mà đám đông thì luôn là đám đông, nghĩa là mọi cảm xúc đều được nhân lên, "tham lam" và "sợ hãi" đều được đẩy lên quá mức của nó.

* Có cách nào để giảm sự "sợ hãi" của nhiều NĐT hiện nay?

- TTCK là thị trường của niềm tin. Nói nôm na, khi thị trường xuống, việc giữ lại xu hướng giảm giá cũng giống như việc giữ đê. Nếu có một bộ phận sợ cơn nước, bỏ vị trí thì số đông sẽ làm theo, và đê vỡ. Nếu số đông kiên quyết giữ đê thì đê đứng vững. Hiện tại tôi nghĩ đám đông đang trông chờ vào những động thái của các cơ quan quản lý nhà nước. Chỉ cần một lời phát biểu của lãnh đạo cấp cao - bộ trưởng trở lên thì tâm lý đám đông sẽ phần nào ổn định. Tôi nhớ khi thị trường phát triển nóng, có nhiều lãnh đạo đã lên tiếng. Mặc dù những phát biểu này có phần nào bị phớt lờ bởi thị trường nhưng cuối cùng chúng và những động thái “siết” cũng phát huy tác dụng. Lúc này các cơ quan quản lý nhà nước, không chỉ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nên có những phát biểu và động thái trấn an thích hợp.

* Đó là về ngắn hạn, còn về dài hạn, Nhà nước nên hỗ trợ thị trường thế nào?

- Về trung và dài hạn, Nhà nước nên có chính sách dài hơi và nhất quán về việc: cung cấp tín dụng đối với đầu tư chứng khoán; phát hành thêm vốn của các doanh nghiệp; định giá IPO sao cho hợp lý và cân bằng quyền lợi của Nhà nước và của thị trường; về thuế thu nhập. Về tiến độ IPO, trước đây tôi từng nghĩ Nhà nước nên giãn tiến độ IPO, thế nhưng khi tiếp xúc với một số quỹ đầu tư, tôi thấy rằng việc trì hoãn IPO tuy có thể cứu thị trường trong thời gian ngắn hạn nhưng sẽ không tốt cho dài hạn. Nhiều tổ chức đang quan sát và trông chờ tiến độ IPO các doanh nghiệp lớn của Nhà nước. Vì chỉ khi nào tiến hành triệt để những việc đó, thì TTCK Việt Nam mới đủ lớn cho họ tham gia đầu tư. Nếu trì hoãn họ sẽ mất lòng tin, và chuyển hướng qua thị trường khác.

Ngoài ra, Nhà nước cần phải phát triển thêm mức cầu cho thị trường. Nhà nước không nên chỉ nên trông chờ vào việc xuất hiện của các quỹ tại Việt Nam một cách tự nhiên, mà cần có chiến lược "marketing" TTCK Việt Nam ra nước ngoài một cách chủ động và mạnh mẽ. Cuối cùng, Nhà nước nên quan tâm đến sự phát triển của các tài khoản cá nhân. Hiện tại chỉ có hơn 300.000 tài khoản cá nhân "gánh chịu" vốn cho gần 300 doanh nghiệp niêm yết. Con số tài khoản này quá nhỏ so với quy mô dân số, so với số tài khoản ngân hàng, so với số vốn mà doanh nghiệp đã và sắp bung ra. Nhà nước cùng các tổ chức liên quan, như công ty chứng khoán cần phải cùng nhau phát triển và tăng số tài khoản này lên theo như con số trung bình của các nước, từ 3 - 5% dân số. Quan trọng hơn, các NĐT cá nhân phải hiểu rất rõ về TTCK, về lợi nhuận và rủi ro trong việc đầu tư. Họ phải được tư vấn khi ra những quyết định đầu tư. Với số lượng các NĐT tăng, và "trưởng thành" hơn, TTCK sẽ bớt những biến động lên đỉnh quá cao, xuống đáy quá thấp và sẽ phát triển ổn định và bền vững hơn.

* Cám ơn ông.

(Theo ThanhNien)