Nếu trên sàn niêm yết là sân tung hứng của những nhà đầu tư lớn thường được gọi là đại gia, thì trên lĩnh vực OTC, các nhà đầu tư nhỏ lẻ làm mưa làm gió.


“Cuộc chiến” trên diễn đàn

’Trước

Trước CTCK Sài Gòn là nơi hoạt động của "cò" CP, mua bán và làm giá. Ảnh: Đ.V

Trên diễn đàn của website Vietsotck. com, hàng loạt thông tin tốt đẹp về cổ phiếu G. được tung ra: Kết quả SXKD cuối năm tuyệt vời với lãi bằng vốn; chia lãi 50% và bằng cổ phiếu tỷ lệ 2:1; hàng loạt dự án hứa hẹn mang lại những dự án kếch xù hàng trăm tỷ, nghìn tỷ; công ty sẽ tăng gấp đôi vốn điều lệ, hàng loạt tổ chức tài chính dốc vào cả trăm triệu đô la…

Một nickname là thucuc viết: “Năm nay lãi 100% vốn, nhưng cái quan trọng hơn đó là các dự án của nó đủ để đảm bảo lãi lớn hơn vốn từ nay đến năm 2010”, rồi vờ quay ra hỏi: “G. lên sàn, lãi lớn hơn vốn thì giá sẽ là bao nhiêu?”

Mặc dù vô lý nhưng vẫn có người tin. Những tay mơ non nghề háo hức, tò mò, tìm kiếm, dằn vặt, và cuối cùng sập bẫy hỏi mua. Và giá của CP này cứ dần dần tăng lên, từ 80 - 90 nghìn đồng lên 100 - 110 nghìn!

Tuy nhiên có một thành viên khác phân tích những mâu thuẫn của các thông tin: dự án còn nằm trên giấy, con số mâu thuẫn, lợi nhuận phi lý vì không kinh doanh bao nhiêu, không chỉ ra được tổ chức tài chính tham gia đầu tư; chưa có bản cáo bạch, báo cáo kiểm toán, hàng loạt sai phạm bị báo chí phanh phui…

Trước những lập luận này, nhóm người làm giá không sao cãi được, đành quay sang… đàn áp. Nick là LDH viết: “Ông đừng có mà ép giá xuống để gom hàng! Để các Quỹ nước ngoài vào là câu trả lời rõ nhất”. Và tiếp theo đó là nhóm người này liệt kê hàng loạt “nhà đầu tư lớn” sẽ bỏ vốn đầu tư chiến lược vào G.”. Thế nhưng người viết bài này gọi đến một số tổ chức tài chính có tên trong “danh sách” thì được người lãnh đạo cao nhất của các tổ chức này khẳng định không hề tham gia.

Làm giá trên diễn đàn là cách làm phổ biến nhất hiện nay trên lĩnh vực OTC. Cách thường làm nhất là các tay buôn viết bài hoặc đăng tin rao mua rao bán để nâng hoặc ép giá. Trên website sanotc.com, người quản trị diễn đàn (admin) đã phải khoá nhiều nickname bởi rao mua, rao bán với dụng ý thổi hoặc dìm giá.

"Cò" cổ phiếu thường lẫn lộn với những nhà đầu tư trên sàn để thao túng thông tin. Ảnh: Đặng Vỹ

Tiểu gia dùng “tiểu xảo”

Tuy nhiên làm giá trên diễn dàn chỉ là một trong những cách của các tay buôn OTC. Nếu cách làm giá trên sàn niêm yết đã được tổng kết thành 8 “chiêu thức” rõ ràng, thì ở lĩnh vực OTC lại vô cùng “thiên biến vạn hóa”. Ngoài việc hàng ngày cần mẫn lên các diễn đàn của hàng trăm website để tung tin, những người mua bán OTC còn bằng nhiều cách khác nâng giá, ép giá, thao túng thị trường.

Một trong những cách khá thành công là phương pháp rỉ tai các loại “thông tin mật”. Với các CP bị dìm giá thì hàng loạt tin xấu bung ra kiểu như công ty A. lỗ chục tỷ, công ty B. sắp bị thu hồi 2 dự án, công ty C. sắp thay đổi nhân sự vì nội bộ đấu đá, công ty D. sắp bị điều tra…

Tương tự như vậy, khi cần bán thì người ta lại tung “tin tốt” để đẩy giá lên cao. Những thông tin không đầu không đũa, thiếu chứng cứ lại càng khiến người ta hoang mang và càng tin.

Chị Mai, một “cò” CP có mặt trên hầu hết các sàn của các CTCK, cho biết có một nhóm gần chục người như chị được một nhóm người thuê, đến các sàn để rỉ tai thông tin theo ý muốn của họ, mỗi ngày được trả 30-50 ngàn đồng tùy loại thông tin hoặc cổ phiếu.

Theo Tuấn, một nhà đầu tư trên sàn, nhận dạng cũng khá dễ, vì những người này không bao giờ đặt lệnh mua bán.

Ông V, một nhà đầu tư OTC lâu năm, trong một lần trò chuyện còn cho biết, nhóm của ông còn bắt tay với nhân viên các CTCK để tung tin. CTCK là nơi nắm nhiều thông tin của DN, nên nhân viên công ty này nói ra úp úp mở mở càng được tin là thực.

Cứ như vậy, những thông tin không đầu không đũa, càng thiếu chứng cứ càng khiến người ta tò mò và làm theo. Hai ví dụ tiêu biểu gần đây là vụ dìm giá CP Mai Linh, và thổi giá CP Quốc Cường Gia Lai. Mai Linh thì cứ bị rỉ tai “chỉ có cái vỏ chứ bên trong trống rỗng”, “vốn không có, chỉ toàn tiền vay ngân hàng, bể tới nơi”, rồi “thanh tra sắp vào cuộc”… khiến CP công ty này một năm qua cứ trồi sụt với cái giá dưới 30 không ngóc đầu lên nổi. Còn QCGL thì cứ như diều gặp gió với toàn thông tin “tốt” mặc dù chẳng có bất cứ văn bản, chứng cứ nào của công ty này.

Khó quản lý?

Hiện nay trên sàn niêm yết chưa có dấu hiệu khởi sắc, chứng khoán đang ế ẩm nên việc làm giá cũng chưa rõ dấu hiệu. Thế nhưng ở lĩnh vực OTC, hoạt động làm giá vẫn diễn ra, âm thầm, sôi động, hằng giờ và quanh năm. Vì vậy có thể nói ở lĩnh vực này, sự lũng đoạn còn sôi động và mạnh mẽ hơn cả trên sàn niêm yết.

Chuyên gia chứng khoán Huy Nam nhận xét: “Do giá CP OTC không có một chuẩn mực nào, không có biên độ, lại không có một website nào được xem là chuẩn để tham khảo, nên ở lĩnh vực này, sự thao túng, lũng đoạn về giá còn mạnh hơn cả trên thị trường niêm yết”.

Chính vì vậy mà giá CP OTC có khi rất vô cớ. Có khi công ty chẳng SXKD hay dịch vụ gì nhiều nhưng giá CP vẫn cứ tăng vùn vùn vụt. Giám đốc một CTCK cũng nhận xét, “việc tăng hay giảm bất thường của nhiều loại CP trên thị trường OTC phần lớn chẳng có liên quan gì với hoạt động của DN, mà chủ yếu là do bàn tay làm giá”.

Sự dễ dàng của thị trường OTC, từ thông tin cho đến pháp luật, khiến cho người ta lao vào làm giá mà không hề e sợ, không hề âu lo. Một người kinh doanh chứng khoán lâu năm là H. cho biết: “Chỉ cần bỏ ra vài tỷ là có thể tung tin làm thị trường OTC nhích lên hay hạ xuống chút ít”. Và H. ước mơ: “Có 2 - 3 chục tỷ thì có thể làm giá OTC”.

Chuyện làm giá trong lĩnh vực OTC các nhà quản lý cũng từng biết. Ông Bùi Nguyên Hoàn, Vụ trưởng, Ủy ban Chứng khoán phụ trách khu vực phía Nam, đã có lần phải thốt lên khi thấy giá CP tăng quá cao: “Liệu đây có phải là giá trị thực của CP này?”.

Tương tự, Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, ông Trần Đắc Sinh, ngán ngẩm cho rằng OTC đã đến mức báo động đỏ.

Tuy nhiên đến giờ, quản lý việc làm giá như thế nào, các nhà quản lý vẫn chưa nghĩ ra được. Theo ông Nguyễn Hồ Nam, trong thời gian tới UBCKNN đưa CP OTC vào chợ chứng khoán, sẽ dễ quản lý hơn. Năm 2008 CP OTC sẽ được giao dịch tại các CTCK. Những người mua hoặc bán chứng khoán sẽ đăng ký tại các công ty với mức giá đăng ký sẵn, khi có CP với giá tương tự sẽ được “khớp lệnh”, và việc làm thủ tục xác nhận, lập sổ cổ đông sẽ do sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội thực hiện.

Cách làm như trên mặc dù chưa hoàn toàn ngăn chặn được hoạt động làm giá, bởi các tay mua bán không còn cơ hội đăng tin rao mua rao bán với giá trên trời dưới đất, song những thủ đoạn khác như tung tin, rỉ tai vẫn còn tác dụng.

(Theo VietnamNet)