Những nhà đầu tư (NĐT) đã nộp tiền để mua cổ phiếu (CP) Vietcombank sau đợt IPO vừa tổ chức cũng như nhiều NĐT khác đều rất quan tâm đến những thay đổi “hậu IPO” của ngân hàng này.

Theo thông tin từ ông Nguyễn Phước Thanh - Tổng giám đốc Vietcombank- số tiền mà NĐT đã nộp để mua CP Vietcombank cho đợt IPO vừa tổ chức đã được gần 90%. Còn theo thông tin tham khảo về các giao dịch OTC mà các công ty chứng khoán cung cấp thì mức giá giao dịch thực tế đối với CP Vietcombank vào thời điểm hiện tại chỉ ở mức 98.000-99.000 đồng/CP – thấp hơn cả mức giá đấu tối thiểu thành công trong đợt IPO là 102.000 đồng/CP. Đây chính là lý do khiến nhiều NĐT đã nộp tiền lo lắng. Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Phước Thanh cho biết, chuyện giá cả biến động là do thị trường và các NĐT tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Tuy nhiên, ông Thanh cũng nói rằng, mức giá 10 chấm được đưa ra là giá trị thực của Vietcombank nhưng là “giá ở mức cận trên”.

Ông Thanh cũng thừa nhận, với biến động của thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ cộng với mức giá đấu bình quân của Vietcombank thì việc tìm được cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ rất khó. Nhưng ông khẳng định: “Cổ đông chiến lược nước ngoài không phải là chìa khóa vạn năng. Bây giờ, chúng tôi không kỳ vọng vào việc có được cổ đông chiến lược nước ngoài nữa mà sẽ có cách đi riêng, sao cho vẫn đạt được các mục tiêu đã đặt ra”. Ông nói thêm: “Hai mục tiêu của việc đưa cổ đông chiến lược nước ngoài vào là tiền và hỗ trợ. Tiền thì đối với Vietcombank hiện nay không phải là vấn đề, còn hỗ trợ thì đối tác đã cam kết sẵn sàng hợp tác trên các lĩnh vực mà Vietcombank cần. Thậm chí, họ còn cam kết cùng làm ăn với Vietcombank. Ngoài ra, nếu cần thì chúng tôi thuê thêm tư vấn”.

Khả năng bán cổ phần cho NĐT chiến lược nước ngoài khó thực hiện cũng đồng nghĩa với việc số cổ phần bán ra bên ngoài của Vietcombank sẽ thấp hơn 20% vốn điều lệ. Mặc dù vậy, ông Thanh khẳng định kế hoạch niêm yết vào tháng 6.2008 vẫn được thực hiện dù tỷ lệ cổ phần bán ra bên ngoài dưới 20% (tỷ lệ bán ra tối thiểu theo quy định để một công ty có đủ điều kiện niêm yết). Ông Thanh nói: “Chúng tôi xin phép Thủ tướng và đã được đồng ý về vấn đề này”. Ông Thanh cho biết thêm, điều này thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc cổ phần hóa các định chế tài chính nhà nước tại Việt Nam. Ngoài ra, với số lượng cổ đông lên tới hơn 15.000 người, tính đại chúng của CP Vietcombank đã được đảm bảo. Thêm vào đó, lượng CP được công chúng bên ngoài sở hữu có tổng mệnh giá lên tới hơn 1.000 tỉ cũng là một khối lượng cực lớn cho những giao dịch trên thị trường. Đây là những lý do cơ bản khiến việc niêm yết của Vietcombank là chấp nhận được.

Trả lời câu hỏi về hoạt động kinh doanh của Vietcombank vào năm 2008, ông Thanh cho biết: “Chúng tôi dự kiến lợi nhuận năm 2008 sẽ tăng khoảng 40% so với năm 2007 và chắc chắn sẽ đạt được”. Ông Thanh nêu ra 4 lý do khiến cho việc hoàn thành mục tiêu trên là không quá khó khăn. Thứ nhất, năm 2007, Vietcombank đã đầu tư khá nhiều và năm 2008 sẽ bắt đầu thu kết quả. Năm 2008 cũng là năm Vietcombank đưa các khoản tiền gửi ở nước ngoài về đầu tư trong nước để có thể tìm kiếm những khoản lợi nhuận lớn hơn. Thứ hai, sau cổ phần hóa, động lực làm việc của nhân viên sẽ tăng lên nên khiến hoạt động kinh doanh có hiệu quả hơn. Thứ ba, trong nhiều hoạt động kinh doanh, “nhiều cái Vietcombank vẫn chưa tận thu. Bây giờ là cổ phần rồi thì phải tính lại”. Thứ tư, các tài sản đầu tư của Vietcombank khi cổ phần hóa là chưa đánh giá lại, mới chỉ mua vào chứ chưa bán ra. Tuy nhiên, theo ông Thanh: “Các khoản đầu tư này cũng chưa cần phải sử dụng trong năm 2008 mà chỉ là của để dành thôi”.

Về chính sách lương cho cán bộ, công nhân viên sau cổ phần hóa, ông Thanh nói: “Trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung vào việc cải thiện thu nhập cho các cán bộ quản lý để giữ người. Tuy nhiên, sẽ không có những thay đổi đột biến”.

(Theo ThanhNien)