TS. Trần Đắc Sinh, Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) vừa có cuộc trò chuyện với báo chí về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2008.

Năm 2007 là năm đánh dấu Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Tuy nhiên, so với năm trước đó, thị trường chứng khoán Việt Nam được nhìn nhận không thành công lắm. Ông có nhận xét gì về vấn đề này?

Nếu cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm qua không thành công là không chính xác. Xét về tổng thể, thị trường phát triển tốt trên tất cả mọi mặt.

Cụ thể, trong năm qua, tính đến hết ngày 28/12/2007, thị trường có thêm 32 loại cổ phiếu và 1 chứng chỉ quỹ được niêm yết mới (Quỹ đầu tư tăng trưởng Manulife - MAFPF1), nâng tổng số cổ phiếu trên sàn HOSE là 138 cổ phiếu và 3 chứng chỉ quỹ; và thêm 17 loại trái phiếu (trong đó có 12 trái phiếu chính quyền địa phương và 5 trái phiếu công ty). Riêng về số lượng cổ phiếu đã tăng trưởng gần 30% so với năm 2006.

Nhìn chung, các công ty có cổ phiếu niêm yết mới trong năm đều là những công ty có vốn lớn, có tình hình quản trị công ty tốt, thực sự có nhu cầu huy động vốn qua thị trường chứng khoán, và đã góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán. Về số lượng tài khoản, nếu như cuối năm 2006 là 200.000 người thì năm nay đã tăng lên xấp xỉ 300.000 tài khoản, tăng 50%.

Nhà đầu tư cũng đã trưởng thành hơn, và ngày càng tỏ ra chuyên nghiệp hơn, không còn đầu tư theo tâm lý như những năm trước đây. Các công ty niêm yết, đã có những nghiên cứu kỹ hơn về thị trường chứng khoán và các báo cáo tài chính của các công ty cũng bài bản và rõ ràng hơn.

Các định chế trung gian nước ngoài cũng đóng vai trò quan trọng tác động tích cực đến thị trường chứng khoán. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho thị trường cũng phát triển mạnh, chúng ta đã thực hiện giao dịch khớp lệnh liên tục, đưa lệnh ATO vào thị trường, đã xác định được giá mở cửa đóng cửa... theo đúng thông lệ quốc tế. Và năm qua, HOSE cũng đã mở rộng liên kết với nhiều sở giao dịch chứng khoán trên thế giới.

Nói đến sự tăng trưởng của VN-Index, trong năm qua, VN-Index không hề sụt giảm. Nếu như trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2007, chỉ số VN- Index dừng ở mức 741,27 điểm, thì đến ngày 28/12/2007 (phiên giao dịch cuối cùng của năm) đạt mức 927,02 điểm, tăng hơn 25% sau một năm. Con số phần trăm tăng thêm này cho thấy thị trường cổ phiếu không còn nóng sốt như năm trước nhưng vẫn chứng minh được sự tăng trưởng ổn định của thị trường. Đó là điều tôi cho là nên mừng chứ không đáng lo.

Nếu như vào thời điểm cuối 2006, thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 17% GDP, thì đến cuối năm 2007, thị trường chứng khoán đã đạt 40% GDP vượt mục tiêu 25-30% GDP mà Thủ tướng đặt ra trong chiến lược phát triển của thị trường chứng khoán đến năm 2010. Và dự kiến quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán trong năm 2008 sẽ chiếm khoảng 50 - 60% GDP.

Vậy theo ông, vai trò của HOSE trong sự phát triển chung của thị trường chứng khoán trong năm qua là gì?

Trong số các thị trường chứng khoán mới nổi trên thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là thị trường có tốc độ phát triển “nóng” hiện nay. “Tăng trưởng” và “phát triển” là những tính từ được nhắc đến nhiều khi nói đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong năm qua, thị trường đánh dấu bước đầu quá trình hội nhập bằng việc cho ra đời Luật Chứng khoán, tổ chức sắp xếp lại thị trường bằng cách phân định rõ cơ quan nào quản lý thị trường nào, qua đó thị trường OTC đã được quản lý.

Các tổ chức trung gian trên thị trường gia tăng về số lượng và được sàng lọc về chất lượng do trình độ hiểu biết và nhu cầu về đầu tư chứng khoán của các nhà đầu tư cá nhân cũng như có tổ chức ngày một tăng. Hàng hóa trên thị trường cũng được bổ sung kịp thời với tốc độ tăng trưởng của thị trường.

Về phía HOSE, với tư cách là đơn vị trực tiếp tổ chức, điều hành và quản lý thị trường tập trung, đương nhiên HOSE đã góp phần đáng kể vào sự phát triển chung đó thông qua những đóng góp thực tế vào quá trình xây dựng các văn bản pháp quy, các định hướng phát triển chung cho thị trường; thông qua việc đảm bảo tuân thủ các quy định về công bố thông tin, quản trị công ty của các công ty niêm yết nhằm duy trì và nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường; thông qua việc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin giúp nâng cao chất lượng phục vụ nhà đầu tư.

Thế còn về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trong năm qua dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn có những sự cố (do lỗi kỹ thuật, con người) xảy ra. HOSE có đầu tư gì mới trong năm 2008 để đảm bảo hệ thống hoạt động liên tục, thông suốt và không bị sự cố khi chính thức thực hiện giao dịch không sàn vào cuối quý 1/2008?

Sự cố trong giao dịch là điều không thể tránh khỏi. Năm qua, thị trường chứng khoán Singapore, một thị trường chứng khoán điển hình của thế giới, đã bị 14 lần sự cố. Tôi nói ra điều này không phải là để biện minh cho các sự cố xảy ra ở thị trường chứng khoán Việt Nam mà chỉ muốn nói sự cố là điều không tránh khỏi và không ai mong muốn.

Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng để hạn chế mức thấp nhất các sự cố không mong muốn bằng cách sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Việc đầu tư cho công nghệ là việc làm không chỉ cho năm 2008 mà liên tục cho các năm tới, nhằm phát triển hệ thống giao dịch chứng khoán Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế.

Được biết trong năm 2007, HOSE đã mở rộng quan hệ hợp tác ra nước ngoài, ông có thể cho biết những thành công của HOSE trong lĩnh vực này?

Quan hệ hợp tác với các tổ chức nước ngoài đã được HOSE chú trọng từ những ngày đầu hoạt động, không phải mới bắt đầu gần đây. Việc hợp tác với các sở giao dịch chứng khoán nước ngoài đã giúp chúng tôi nhiều trong việc xây dựng và tổ chức thị trường trong những ngày đầu cả về mặt kiến trúc thượng tầng lẫn hạ tầng kỹ thuật.

Các biên bản ghi nhớ được ký kết gần đây giữa HOSE với các sở giao dịch lớn trên thế giới như NYSE, Tokyo, London, Hongkong, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia,... vẫn tiếp tục xoay quanh hợp tác về kỹ thuật nhưng chúng tôi đã mở rộng thêm mảng trao đổi thông tin và đào tạo.

Điều này cho thấy vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam đã dần được khẳng định với khu vực và thế giới, HOSE dần trở thành một thương hiệu quen thuộc với giới đầu tư tài chính thế giới. Những thông tin từ thị trường chứng khoán Việt Nam thật sự hấp dẫn các nước.

Theo tôi, việc hợp tác này không chỉ mang lại nhiều thuận lợi cho riêng HOSE mà còn cho các công ty chứng khoán, công ty quản lý quĩ, các tập đoàn kinh tế và cho cả thị trường nói chung. Thông qua việc ký kết hợp tác này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có ý định niêm yết ở nước ngoài, đồng thời thuận lợi hóa khả năng công ty nước ngoài niêm yết tại HOSE.

Nhận định của ông về thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2008 khi mà một loạt các tên tuổi lớn như Vietcombank, Incombank, Mobifone, Vinafone, Sabeco, Habeco... sẽ IPO và tham gia thị trường chứng khoán?

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2008 hứa hẹn tiếp tục phát triển nhanh theo mức độ chuyên nghiệp hơn và sẽ tăng trưởng gấp đôi so với 2007.

Lượng hàng hóa (chủ yếu là cổ phiếu) sẽ tiếp tục tăng, trong đó có những cổ phiếu của những công ty, tổng công ty, ngân hàng lớn có tình hình tài chính lành mạnh, thị trường chứng khoán sẽ duy trì xu hướng tăng của mình; giá trị giao dịch cũng sẽ không hề giảm sút cho dù thời hạn áp dụng luật thuế thu nhập đánh vào đầu tư chứng khoán cận kề vì tình trạng đầu cơ chứng khoán trên thị trường đã giảm dần từ giữa năm 2007 do hàng hóa đã không còn khan hiếm nữa và nhà đầu tư đã dần thấy được lợi ích từ việc đầu tư dài hạn vào những công ty có triển vọng; các công ty chứng khoán sẽ cạnh tranh nhau để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng về công nghệ lẫn dịch vụ.

Năm 2008, HOSE tiếp tục tập trung đẩy mạnh công nghệ nhằm điện tử hóa công tác giám sát giao dịch, quản lý niêm yết, quản lý thành viên và thực hiện các bước tiếp theo trong lộ trình bỏ sàn, cụ thể là triển khai giao dịch trực tuyến tại một số công ty chứng khoán thành viên.

Thứ đến, HOSE sẽ chú trọng đến công tác marketing tạo hàng bằng cách không chỉ mở rộng hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty lớn tại thị trường nội địa như đã làm trong năm 2007 mà sẽ mở rộng ra các nước trong khu vực nhằm nâng cao chất lượng và đa dạng hóa hàng hóa trên HOSE.

Hoàn thiện các quy chế của Sở cũng là một những công việc cần kíp phải làm trong năm nhằm đưa hoạt động của thị trường vào khuôn phép, quy củ. Năm 2008 sẽ là năm HOSE triển khai các nội dung hợp tác đã ký với các Sở Giao dịch Chứng khoán và các tổ chức khác trên thế giới, trong đó sẽ chú trọng nhiều đến trao đổi thông tin và công tác đào tạo.

Ngoài ra, HOSE sẽ tiến hành các công tác khác như: hoàn tất công tác nghiên cứu các công cụ phái sinh để trình cấp có thẩm quyền cho triển khai; tổ chức xúc tiến đầu tư ở một số thị trường nước ngoài, xây dựng và phát triển thương hiệu HOSE.

Tôi cho rằng với sự hiện diện của quỹ đầu tư nước ngoài và nhiều quỹ khác đang có ý định tham gia vào thị trường tài chính của Việt Nam, song song đó là việc tham gia niêm yết mới của nhiều tên tuổi lớn, thị trường sẽ tăng trưởng gấp đôi và đạt trên 50% GDP vào 2008.

(Theo Vneconomy)