Để có thể kìm hãm đợt sụt giảm này, rồi sau hồi phục và tăng trưởng trở lại, các nhà đầu tư cần có niềm tin. Tuy nhiên, Chỉ số lòng tin của nhà đầu tư đang ở mức tồi tệ nhất trong vòng 2-3 năm gần đây.

Trong tuần giao dịch từ 21 – 25/1, hàn thử biểu sàn TP HCM đã để mất tới 71,01 điểm, tương ứng mức giảm 8,38% so với tuần giao dịch trước. Trong 5 phiên giao dịch, từ 21/1 đến 25/1, trung bình mỗi phiên chỉ có 7 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị đạt 554,62 tỷ đồng.

Vào thời điểm chuyển giao năm cũ và năm mới, thị trường đang trong tình trạng rơi tự do. Tính từ thời điểm cuối tháng 10, VNIndex đã giảm 30% (ở các thị trường phát triển, mức giảm 20% được coi là ngưỡng báo hiệu thị trường đang rơi vào suy thoái dài hạn).

Giả sử bắt đầu từ tuần sau thị trường ngừng giảm và hồi phục, để chạm lại mức 1100 vào cuối tháng 10, VNIndex cần tăng thêm tới 44%. Trong điều kiện bình thường, thị trường có thể mất một vài năm để đạt được mức tăng trưởng này.

Lần lượt, các ngưỡng hỗ trợ quan trọng nhất theo phân tích kỹ thuật đã bị vượt qua. Những mốc cản tâm lý như 1000 điểm, 900 điểm, 800 điểm cũng đã lùi vào quá khứ.

Phía sau những con số khô lạnh đó là những khoản thua lỗ rất lớn của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân trong nước, và sự khó khăn của các doanh nghiệp trong việc huy động vốn.

Thị trường chứng khóan Việt Nam đang mỏng manh hơn bao giờ hết, đặc biệt trong bối cảnh rủi ro suy thoái của nền kinh tế Mỹ và nền kinh tế tòan cầu đang gây sức ép tới các nhà đầu tư khắp thế giới.

Tại sao thị trường lại giảm mạnh?

Thời điểm cuối năm là thời điểm rất phù hợp để nhìn lại chặng đường đi xuống của thị trường liên tục trong 15 tuần vừa qua (từ ngày 25/10/2007).

Sẽ là rất phiến diện nếu đổ lỗi đợt giảm mạnh vừa qua cho tâm lý bầy đàn hoặc sự thiếu hiểu biết của các nhà đầu tư. Cũng là không đầy đủ nếu cho rằng những chính sách cụ thể như chỉ thị 03 hay thuế thu nhập về chứng khóan là nguyên nhân gây ra đợt sụt giảm này.

Thị trường không bao giờ sai cả. Vấn đề là các nhà đầu tư có hiểu được lý lẽ của thị trường hay không.

Có ba rủi ro chiến lược lớn khiến “dòng tiền thông minh” đã tạm rời bỏ thị trường chứng khoán Việt Nam:

Thứ nhất và quan trọng nhất, đó là rủi ro về những vấn đề nội tại của nền kinh tế và của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường. Với mức vốn hóa khá lớn, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bắt đầu là một hàn thử biểu quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt nhậy cảm với rủi ro và triển vọng phát triển của nền kinh tế trong tương lai. Sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khóan Việt Nam có thể là tín hiệu đầu tiên báo sớm những khó khăn sắp xảy đến của nền kinh tế.

§ Về vĩ mô: Lạm phát cao và thâm hụt thương mại lớn chỉ là bề nổi của những vấn đề mất cân đối kinh tế vĩ mô đang sói mòn nền kinh tế.

Rủi ro chính sách tại Việt Nam là quá cao do bản thân định hướng chính sách kinh tế vĩ mô chưa thật sự rõ ràng.

Trong bối cảnh tự do hóa dòng vốn vào, không thể vừa chống lạm phát, vừa duy trì tỷ giá cố định, vừa đẩy nhanh IPO khu vực DNNN và vừa duy trì tăng trưởng kinh tế cao.

Sự chưa rõ ràng trong định hướng chính sách, cộng với sự lúng túng của các cơ quan quản lý trong bối cảnh hội nhập, khiến cho một số biện pháp chính sách cụ thể là chưa hợp lý, và do vậy hay thay đổi khó dự đoán.

Có trường hợp ba quan chức khác nhau phát biểu trái ngược nhau về cùng một vấn đề chính sách trong một thời gian ngắn.

Rủi ro tín dụng đang lớn dần lên cùng với quá trình tăng trưởng quá nóng của hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần mới xuất hiện trên thị trường và giá trị dư nợ tín dụng bất động sản chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng.

Điều gì sẽ xảy ra khi cơn sốt bất động sản tiếp tục dâng cao và trở thành bong bóng nổ tung trong một vài năm tới? Đó là chúng ta kể đến những khó khăn cơ cấu khác của nội tại nền kinh tế như tham nhũng, thất thoát, đầu tư sai và lãng phí.

§ Về vi mô: Việc thiếu vắng cơ cấu quản trị công ty minh bạch và hiện đại khiến cho các công ty cổ phần đang gặp nhiều lúng túng khi kiểm soát những xung đột lợi ích giữa ban điều hành công ty và các cổ đông.

Dấu hiệu “tham nhũng tư” đã xuất hiện tại một số công ty cổ phần, nơi các cổ đông lớn đã chèn ép lợi ích chung của công ty và các cổ đông nhỏ để mưu lợi cá nhân.

Định hướng phát triển và tư duy phát triển của các công ty lớn của Việt Nam cũng đang có chiều hướng luẩn quẩn và rập khuôn, khi hàng loạt các công ty lớn đồng thời mở rộng theo chiều ngang bằng cách thành lập một loạt các ngân hàng, công ty con kinh doanh bất động sản, công ty chứng khoán…

Hầu như tất cả các ngân hàng thương mại mới thành lập bởi các tập đoàn kinh tế lớn đều có một mục tiêu đầy tham vọng như nhau và do vậy tất yếu đa số sẽ không đạt được mục tiêu đề ra.

Việc rời bỏ các kinh doanh cốt lõi (core business) là một chiến lược phát triển đầy mạo hiểm, tập trung vào thị trường nội địa và thiếu tham vọng trở thành công ty toàn cầu.

Thứ hai, rủi ro về chu kỳ phát triển. Trong khoảng cuối năm 2006 đến đầu năm 2007 những nhà đầu tư chứng khoán tại thị trường Việt Nam thu được lợi nhuận vài trăm %.

Nhiều người đầu tiên chỉ có vài trăm triệu mà đã kịp nhân vốn lên vài tỷ. Tất cả mọi người thời điểm đó đều có lợi nhuận lớn. Đó là một mức tăng trưởng và lợi nhuận không thể tin được, ít có tiền lệ trên thế giới, và do vậy, cũng không thể bền vững.

Tăng mạnh sẽ là nguyên nhân của giảm mạnh. Hơn ai hết, các nhà đầu tư có kinh nghiệm hiểu điều này. Và họ đã rút khỏi thị trường.

Thứ ba, rủi ro của thị trường thế giới. Một nhà phân tích thị trường Hoa Kỳ đã nhận định chỉ số DowJones có thể giảm tiếp tục từ mức 11000 điểm hiện nay xuống mức 6000 điểm.

Trong tuần qua, chỉ một nhà đầu tư đã khiến một ngân hàng của Pháp thua lỗ tới gần 5 tỷ USD qua những giao dịch đầu cơ tài chính. Bao nhiêu tiền đã mất và sẽ mất trên thị trường chứng khóan thế giới nếu nền kinh tế Hoa Kỳ thực sự rơi vào suy thoái?

Đứng trước rủi ro quá lớn như vậy, không có gì khó hiểu khi các nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, tiếp tục tích giữ tiền mặt và đẩy mạnh chiến dịch mua vào cổ phiếu tại thị trường Việt Nam.

Để có thể kìm hãm đợt sụt giảm này, rồi sau hồi phục và tăng trưởng trở lại, các nhà đầu tư cần có niềm tin. Tuy nhiên, Chỉ số lòng tin của nhà đầu tư (thể hiện trên khung đồ thị trên cùng) đang ở mức tồi tệ nhất trong vòng 2-3 năm gần đây.

Thực ra, trong ngắn hạn, yếu tố quan trọng nhất tác động tới lòng tin của các nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam sẽ là phản ứng tích cực từ thị trường Mỹ và châu Á.

Nếu kinh tế Mỹ thực sự rơi vào suy thoái, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không mạo hiểm bỏ thêm tiền vào một thị trường phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam.

Dấu hiệu phục hồi từ thị trường chứng khoán thế giới

Thị trường chứng khoán thế giới tuần qua chứng kiến sự đảo chiều ngoạn mục. Nếu như đầu tuần, thị trường thế giới chứng kiến những phiên sụt giảm thê thảm, những ngày thứ hai và thứ 3 đen tối, do những lo ngại bao trùm về khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Thế nhưng, do những chính sách kịp thời của Mỹ, thị trường đã đảo ngược, đi lên và bắt đầu ổn định lòng tin.

Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định bất ngờ giảm lãi suất cơ bản đồng đôla tới 0,75 trong phiên họp chiều tối 22/1 hiện đã phát huy tác dụng.

Tổng thống Bush và Quốc hội nước này đã đạt được thỏa thuận về kế hoạch kích thích kinh tế trọn gói. Giới đầu tư đã yên tâm hơn và tin vào hiệu ứng tích cực của quyết định này đối với chứng khoán toàn cầu, dù rằng lòng tin này còn rất mong manh.

Giới đầu tư tại các thị trường Âu - Á có thể yên tâm phần nào khi các chuyên gia cho rằng châu Âu không quá lo ngại về suy thoái Mỹ trong khi kinh tế châu Á ít phụ thuộc vào kinh tế Mỹ hơn nên ít bị ảnh hưởng hơn.

Trong lúc này, giới đầu tư cũng đang kỳ vọng vào một đợt cắt giảm nữa vào tuần tới, bởi đến nay, FED vẫn để ngỏ khả năng này.

Phát biểu của Tổng thống Mỹ Bush (thông điệp liên bang) vào ngày thứ Hai sắp tới cũng sẽ nhắn gửi những thông điệp quan trọng tới thị trường, và đó có thể là một cột mốc cho sự hồi phục của thị trường Mỹ.

Động thái của NĐT NN tại thị trường Việt Nam

Tuần qua, NĐT NN (Nhà đầu tư nước ngoài) vẫn thực hiện giao dịch ít, tuy nhiên Mua vẫn nhiều hơn Bán (Mua – Bán = 125.950.480 Ng.Đ). GTGD của NĐT NN trung bình chiếm khoảng 12 -15% tổng giá trị giao dịch của toàn thị trường, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 20 -22% trước đây; các NĐTNN vẫn tiến hành giao dịch thỏa thuận với giá trị lớn.

Tuy nhiên, những gì thống kê được có thể chỉ là “phần nổi” của tảng băng chìm, khi mà room cho các NĐT NN chỉ chiếm 30 -49%.

Chúng tôi không loại trừ khả năng có một lượng cung lớn từ phía NĐT NN dưới tài khoản cá nhân hoặc tổ chức Việt Nam, đặc biệt trong thời điểm các NĐT nội địa “đoán đáy” thị trường và tung ra một lượng cầu lớn; những đợt “vùng lên” của Vn index đã bị dập tắt ngay sau đó.

Với việc TTCK TG đã trải qua những bước thăng trầm trước nguy cơ “suy thoái”, chúng tôi cho rằng tâm lý giải ngân chậm, an toàn của các NĐT NN là điều dễ hiểu.

Hơn nữa, những rủi ro về chính sách và luật pháp khi đầu tư vào Việt Nam cũng làm cho các tổ chức đầu tư nước ngoài (HSBC) giảm tỷ trọng Việt Nam trong danh mục những nước phát triển mạnh ở Châu Á.

Giao dịch của các NĐTNN (bao gồm giao dịch thỏa thuận):


Sàn Hà Nội:

Hastc Index trong tuần qua đã mất 13 điểm, giảm từ 284.49 xuống 271.76 điểm, KL giao dịch trung bình vẫn đạt hơn 200 tỷ/ ngày, đảm bảo được tính thanh khoản của TTCK. Trong khi Vn Index rơi xuống với tốc độ chóng mặt thì chúng ta thấy Hastc giảm với biên độ ít hơn, đặc biệt khi Hastc đảo chiều thì một số mã cp đảo chiều ngay lập tức với biên độ 10%.

Hiện tại, không như Vn index đã đâm thủng “đáy” 883 rất sâu, chúng ta thấy Hastc Index vẫn chưa đâm thủng đáy 26x, và KLGD vẫn khả quan hơn rất nhiều so với giai đoạn tháng 7-8/2007. Hầu hết các cp cũ đã thiết lập được mặt bằng giá mới, chủ yếu dựa trên khả năng kinh doanh khả quan của chính các doanh nghiệp đó.

Vừa rồi, một số doanh nghiệp đã công bố BCTC Q4/2007, nhìn chung nhận thấy kết quả kinh doanh rất ấn tượng: (1) lợi nhuận cả năm trung bình 35 -45%, mặc dù các doanh nghiệp đều tăng vốn; (2) kết quả kinh doanh Q4/2007 tốt hơn nhiều so với 1 năm trước đó (Q4/2006). Một số cp của Hastc có chỉ số P/E khoảng 10 -12 lần, thậm chí thấp hơn; và lượng cầu của những cp đó đã tăng mạnh.

Nhận định:

- Hiện tại, Vn Index và Hastc Index vẫn đang có sự lưu thông chặt chẽ. Nếu Vn Index không có biến động sâu hơn thì chúng tôi cho rằng Hastc sẽ phục hồi trước Vn Index, Hastc chỉ bị ảnh hưởng bởi tâm lý mà không bị ảnh hưởng bởi quy luật cung – cầu của NĐTNN.

- Mức cản 26x là một ngưỡng tâm lý và kỹ thuật rất lớn. Mặc dù khả năng xảy ra rất thấp, tuy nhiên khi Hastc Index xuống dưới 26x thì mọi chuyện sẽ tồi tệ hơn nhiều.

- Tuần 28/1 – 01/2, khi các doanh nghiệp công bố hết BCTC Q4 là thời điểm các NĐT nhìn nhận lại tình hình sản xuất – kinh doanh của các DN, gắn kết với giá cp hiện tại và có những hành động nhất định.

Những nhân tố tích cực và tiêu cực trong tuần tới

Tích cực:

- Các doanh nghiệp niêm yết hoạt động sản xuất- kinh doanh rất tốt trong năm 2007 và sẽ các báo cáo kinh doanh đã và sẽ được công bố trong thời gian gần. Ứớc tính, đà tăng trưởng lợi nhuận trung bình đạt 20 – 30% cho cả 2 sàn.

- Chính phủ đã có kế hoạch cứu thị trường và đưa ra “gói sản phẩm” để tốt trong cả ngắn và dài hạn. Tuy nhiên, những kế hoạch đó cần phải được thực hiện ngay và đồng bộ, và cần một thời gian để có tác dụng. Hy vọng một hoặc một vài văn bản pháp quy cụ thể sẽ được ban hành trong tuần trước Tết.

Tiêu cực:

- Tâm lý u ám, nhiều NĐT nhỏ lẻ đã cut loss chấp nhận mức thua lỗ 30% để có 1 cái Tết yên ổn. Xu hướng đó có thể còn có “quán tính” trong tuần cuối cùng của năm Âm Lịch.

- Các nhà đầu tư tiếp tục phản ứng với việc gía IPO quá cao, một phần là do công tác định giá doanh nghiệp không tính cả giá trị đất đai và những tài sản khác, phần còn lại là do ý chí chủ quan của “người ra giá” khi áp đặt mức giá kỳ vọng tương lai cho những doanh nghiệp hiện tại.

- Lạm phát là vấn đề lớn mà các tổ chức tài chính lớn đang “chờ đợi” để xem Chính Phủ Việt Nam sẽ giải quyết thế nào trước khi có những động thái giải ngân.

- Nguy cơ TTCK TG xấu làm ảnh hưởng tới tâm lý của các tổ chức đầu tư, mặc dù mức độ liên thông của TTCK VN và TG là quá thấp.

Dự báo tuần 28/1 – 01/2/2008:

Trong tuần tới, thị trường sẽ không có những biến động lớn, Vn index sẽ dao động trong khoảng +/- 15 điểm.

Xu thế là điều chỉnh để có 1 trend mới. Nếu phá ngưỡng 750 điểm thì thị trường sẽ rất xấu. Mốc kháng cự gần nhất sẽ là 500 điểm.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng ngưỡng 750 sẽ không dễ bị xuyên thủng. Có nhiều cơ sở để tin rằng thị trường sẽ điều chỉnh nhẹ và tích lũy cho 1 giai đoạn phục hồi mới. Xác suất Tăng/ Giảm là 60/40%.

Khuyến nghị đầu tư:

- Giải ngân 1 cách từ từ và thận trọng, chú ý tới động thái thị trường.

- Không nên bán cổ phiếu để thu tiền mặt về, cơ cấu danh mục 1 cách thận trọng và hợp lý, tránh mua bán nhiều.

- Lựa chọn những cp đã mất giá 40%, có kết quả kinh doanh Q4 ấn tượng, có P/E thấp ( 10 – 12 lần)

Đầu tư vào những cp có tính thanh khoản tốt, ưu tiên những ngành nghề có tiềm năng dài hạn, sở hữu của NĐT NN lớn như: Bất động sản, Ngân hàng, Năng lượng....

Ưu tiên chú trọng sàn Hà Nội, để tránh những tác động ngoài tầm kiểm soát như tác động của NĐT nước ngoài.

Quản trị Danh mục đầu tư:

- Tỷ lệ Tiền / Cp ở mức 50/50, sẵn sàng tăng mua cổ phiếu khi có những dấu hiệu đột biến

- Cp phân bổ Hastc/ Hose hợp lý ở mức 70/30

- Tỷ trọng BCs/ Penny, dựa trên tiêu chí thanh khoản là 50/50, chú trọng đầu tư vào những ngành có KQKD tốt (mùa vụ) vào Qúy 4 và Qúy 1.

(Nhom Boston-Hanoi,VietnamNet)