Chứng khoán Việt Nam tiếp tục đi xuống và chỉ cần giảm đúng bằng một phiên sáng nay thì VN-Index sẽ về vạch cuối năm 2006.

Mặc dù đã xuống mức thấp nhất kể từ ngày 4/1/2007, VN-Index tiếp tục giảm phiên sáng nay cho dù chứng khoán thế giới đồng loạt tăng ấn tượng.

Kết thúc phiên giao dịch 24/1, các cổ phiếu blue-chips tiếp tục có phiên giảm điểm mạnh thứ 4 liên tiếp, kéo chỉ số chứng khoán đại diện sàn HOSE xuống sát mức đầu năm 2007.

Cụ thể, chỉ số VN-Index giảm 12,55 điểm (tương đương giảm 1,62%) xuống 764,13 điểm. Trong đợt 1, theo đà tăng chung của thế giới, VN-Index đã tăng được 9,24 điểm. Đợt 2, chỉ số này tăng 0,2 điểm.

Trong số 146 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên sàn (thêm cổ phiếu PITcủa CTCP Xuất Nhập Khẩu Petrolime lên sàn hôm 24/1 với 9.770.479 cổ phần), có 26 mã tăng giá, 97 mã giảm giá và 23 mã đứng giá.

Khối lượng giao dịch thông qua khớp lệnh toàn phiên đạt 9,04 triệu đơn vị, trị giá 672,1 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch hôm qua (5h sáng nay giờ Việt Nam) chứng khoán Mỹ đã có phiên tăng điểm đầu tiên nhưng rất mạnh với chỉ số Dow Jones tăng 298,98 điểm lên 12.270,17 điểm. Tại châu Á thời điểm 10h45 phút sáng (giờ Việt Nam), chỉ số Nikkei tăng 147,33 điểm so với hôm qua lên 12.976,39 điểm.

Hôm qua, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đã có một bước tăng mạnh nhất từ năm 1998 với 2.332,54, tương đương tăng 11%, lên 24.090,17. Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật tăng 256,01điểm, tương đương 2,04%, lên mức 12.829,06 điểm.

Trở lại diễn biến giao dịch sáng nay trên sàn chứng khoán Việt Nam, trong số 10 cổ phiếu có mức vốn hoá lớn nhất thị trường, có 6 cổ phiếu giảm giá, 3 cổ phiếu đứng giá và 1 cổ phiếu tăng giá.

Diễn biến bất ngờ nhất là cổ phiếu FPT của CTCP Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT. Cổ phiếu này giảm thêm 4.000 đồng xuống 170.000 đồng/cp, mức giá thấp nhất của cổ phiếu này kể từ trước tới nay mặc dù doanh nghiệp này vừa công bố lợi nhuận 2007 tăng rất mạnh so với năm trước đó.

Cụ thể, chiều ngày 23/1 Sở GDCK TP.HCM đã chính thức công bố lợi nhuận của FPT trong năm 2007 tăng tới 63,87% so với năm 2006 lên 877,2 tỷ đồng, tương đương với lợi nhuận/1 cổ phiếu (EPS) đạt 7.917 tỷ đồng/cp.

Tính tới thời điểm này, cũng đã có khá nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh năm 2007. Hầu như tất cả đều rất tốt. Tuy nhiên, xu hướng giảm chung trên thị trường không những không tăng giá mà chỉ đứng hoặc giảm sau khi đã tuột dốc trước đó.

Có thể kể ra vài mã như SSI, MPC, DPM, PVD… có lợi nhuận tăng khá mạnh (SSI tăng 254,54%, MPC tăng 182,68%).

Hiện giá của đa số cổ phiếu đã xuống mức thấp nhất hơn 1 năm qua với một số mã có P/E xuống dưới 10 lần.

Trong số các cổ phiếu lớn, ngoài FPT còn có VNM của Vinamilk và PPC của Nhiệt điện Phả Lại giảm giá.

Cổ phiếu SSI của đại gia Chứng khoán Sài Gòn sau khi công bố kết quả kinh doanh tốt được gần 1 tuần đã dừng giảm giá. Hôm nay, SSI đứng giá ở mức 134.000 đồng/cp. Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tăng 500 đồng lên 93.000 đồng/cp.

Với kết quả kinh doanh ấn tượng năm 2007, DPM của Đạm Phú Mỹ hôm nay trở thành cổ phiếu được quan tâm nhất với khối lượng giao dịch đứng đầu thị trường là 1.071.270 cổ phần. STB của Sacombank đứng ở vị trí thứ 2 với 991.850 cổ phần và tiếp theo là VFMVF1 với 645.010 cổ phần được chuyển nhượng.

Hôm nay cổ phiếu PIT của CTCP Xuất Nhập Khẩu Petrolimex chính thức lên sàn HOSE với giá khởi điểm là 65.000 đồng/cp. PIT đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên ở 52.000 đồng với 132.790 cổ phần được chuyển nhượng.

PIT có vốn điều lệ là 97.704.790.000 đồng, tương đương 9.770.479 cổ phiếu phổ thông.

(Theo VietnamNet)