Diễn biến của thị trường chứng khoán (TTCK) trong năm 2008 được các chuyên gia dự đoán sẽ khá phức tạp. Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Phú Tuấn (MBA, chuyên gia tư vấn chiến lược kinh doanh và tài chính) xoay quanh các vấn đề về thị trường và việc lựa chọn kênh đầu tư.

* Ông nhận định thế nào về diễn biến của TTCK trong năm nay?

- Ông Phạm Phú Tuấn: 2008 sẽ là một năm đầy thách thức cho TTCK Việt Nam. Thách thức lớn nhất và căn bản nhất vẫn là tình hình kinh tế của Mỹ. Nếu kinh tế Mỹ suy thoái thì cả thế giới sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền vì trong nhiều thập niên tới Mỹ vẫn là nền kinh tế số một. Lạm phát làm tăng chi phí sinh hoạt của người dân, giảm nhu cầu đối với nhiều sản phẩm dịch vụ khác. Lợi nhuận của nhiều ngành vì thế cũng sẽ bị ảnh hưởng. Lãi suất (LS) ngân hàng cao một mặt làm tăng chi phí tài chính của doanh nghiệp, một mặt làm cổ phiếu (CP) kém hấp dẫn hơn vì rủi ro cao mà lợi nhuận chưa chắc đã khá hơn gửi ngân hàng.

Tác động của LS lên giá CP là tác động kép, ngược chiều. Lĩnh vực xuất khẩu và các ngành liên quan sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi suy thoái kinh tế thế giới. Tiền nhàn rỗi trong dân có thể nói không còn nhiều để đổ vào TTCK, vì những ai lâu nay tham gia thị trường đều ít nhiều có vay mượn. Nguồn kiều hối năm 2007 chính thức là trên 5 tỉ đồng. Nhưng năm 2008, lượng tiền này sẽ ít đi vì thu nhập của bà con Việt kiều, nhất là ở Mỹ, cũng bị ảnh hưởng do kinh tế khó khăn.

Với VN-Index xấp xỉ 800, có thể nói giá CP nhìn chung đã rẻ hơn rất nhiều so với trước đây, tuy nhiên P/E cũng còn hơi cao dù có xét tới tốc độ tăng trưởng. P/E cao hàm chứa kỳ vọng rất cao vào lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, duy trì tỷ suất lợi nhuận cao cùng với tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài không hề dễ. Vấn đề chính lúc này không phải là P/E mà là kinh tế toàn cầu. Nếu nó khả quan thì VN-Index sẽ bật lên dễ dàng nhưng nếu tình hình vẫn xấu thì VN-Index có thể sẽ rớt xuống dưới 700.

* Kết quả hoạt động năm 2007 của các doanh nghiệp (DN) niêm yết rất khả quan, ông dự báo thế nào về hoạt động của các DN trong năm 2008?

- Trước hết, tình hình kinh tế ảm đạm của thế giới sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của hầu hết các DN. Kế đến là bất kỳ ai làm chiến lược kinh doanh đều thấy rằng lĩnh vực kinh doanh nào có lợi nhuận cao và tốc độ tăng trưởng tốt thì tất yếu sẽ thu hút thêm nhiều DN ngoài ngành khác nhảy vào. Cạnh tranh sẽ làm cho lợi nhuận giảm. Ngoài ra, có một thực tế là hầu hết các DN hiện nay đang bị áp lực phải tìm kiếm dự án đầu tư mới để giải quyết nguồn vốn thặng dư từ phát hành. Áp lực này dẫn đến làn sóng đa dạng hóa ngành nghề. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công qua đa dạng hóa theo nhiều nghiên cứu cho thấy là rất thấp vì đa số DN không có lợi thế cạnh tranh trong ngành mới. Cuối cùng, lợi nhuận từ đầu tư tài chính, hiện đóng góp một phần đáng kể trong tổng lợi nhuận của khá nhiều DN, sẽ khó duy trì trong năm 2008.

* Thị trường bất động sản đang rất "nóng", không ít nhà đầu tư (NĐT) đã chuyển vốn từ TTCK vào thị trường này vì họ cho rằng lợi nhuận từ bất động sản cao hơn chứng khoán. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Đầu tư vào địa ốc trong năm nay sẽ có nhiều rủi ro. Trước hết phải nói đến rủi ro chính sách. Tất cả các nhà làm chính sách đều thấy rằng giá nhà đất cao quá không có lợi cho nền kinh tế và cho phát triển xã hội. Vì thế, có nhiều khả năng Nhà nước sẽ can thiệp để bình ổn giá. Kế đến là rủi ro kinh tế. Sự mất cân đối cung cầu chỉ là tạm thời và giả tạo. Vì cung về nhà ở thực ra là rất lớn nếu Nhà nước có chiến lược phát triển tốt. Cầu nói chung thì cao, nhưng cầu trong khả năng thanh toán thì lại thấp. Vì thế trong tương lai không xa, cung, cầu nhà ở sẽ được tái lập ở mức giá hợp lý hơn, phù hợp với thu nhập và điều kiện tiết kiệm của người dân. So với chứng khoán, địa ốc không tốt hơn trong năm nay. Bởi vì, nếu kinh tế năm nay ảm đạm, thì địa ốc cũng hẩm hiu như chứng khoán. Nhưng nếu kinh tế năm nay lạc quan thì TTCK sẽ hấp dẫn hơn và luồng tiền do đó sẽ chuyển từ địa ốc và các kênh khác qua chứng khoán.

* Vậy theo ông, NĐT cá nhân nên thực hiện chiến lược đầu tư như thế nào trong năm nay?

- Nếu NĐT không vay mượn tiền thì không nên quá lo lắng và bán tháo CP. Những ai đang có vay nợ, chịu áp lực trả lãi vay và hoàn trả nợ gốc có thể bán bớt một phần CP. Nếu không bị áp lực nợ vay, NĐT có quyền lựa chọn thời điểm bán tốt nhất cho mình khi thị trường tăng trưởng trở lại. Không nên vay tiền nhiều để đầu tư chứng khoán. Nên tìm cho mình một nhà tư vấn có kinh nghiệm, có kiến thức, và có đạo đức để có những lời tư vấn hữu ích nhất. Hãy thường xuyên theo dõi tin tức về TTCK và kinh tế để có thêm thông tin và đưa ra những quyết định tốt nhất.

Tôi hy vọng nền kinh tế Mỹ sẽ sớm phục hồi vì Chính phủ Mỹ đã và sẽ đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế thực sự mạnh như cắt lãi suất hay cho vay tiêu dùng để vực dậy thị trường. Hơn nữa, cứu vãn kinh tế không chỉ là nỗ lực của riêng nước Mỹ mà của cả thế giới. Cần lưu ý kinh tế Mỹ sẽ là một trong những chỉ báo quan trọng có ảnh hưởng nhiều đến giá CP trên thị trường năm nay.

* Cảm ơn ông!

(Theo ThanhNien)