Khoảng 2 tuần trở lại đây, đặc biệt là tuần lễ từ 24 đến 28/9, thị trường đã ấm lên thấy rõ. Điều này cũng cho thấy dấu hiệu về một giai đoạn lạc quan mới. Mặc dù vẫn e ngại các biến động thái cực, ở đâu trên thế giới cũng vậy, một thị trường hồi phục luôn cho dân chúng niềm vui và nền kinh tế yếu tố tích cực.

Đối với những người đã và đang ‘sống’ với thị trường thì niềm vui ấy còn gấp bội. Đó là ai vậy? Là công chúng đầu tư, DN (cả niêm yết lẫn chưa niêm yết), các định chế phục vụ và hỗ trợ, người có trách nhiệm trực tiếp, đang làm việc trên thị trường… Nói chung, ai tâm huyết có lẽ cũng mong thị trường tốt lên và sẽ bền vững để người dân và nền kinh tế được nhờ. Nhưng mong đợi cũng phải có cơ sở…

Nhớ lại hồi giữa tháng 8 vừa rồi, trong một dịp trao đổi bàn tròn quy tụ một số chuyên gia đang làm việc tại TP. HCM do báo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần tổ chức, một câu hỏi đặt ra với tôi rằng: “thị trường xuống có lợi hay không?” (Sở dĩ có câu hỏi này là vì nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian thị trường tăng nóng, đã có không ít biểu hiện trục lợi hay lạm dụng thái quá, nên việc xuống sâu sẽ như lời nhắc nhở, thậm chí là bài học cần cho sự củng cố). Không hoàn toàn phủ nhận những ý tốt có tính xây dựng ở đây, nhưng câu trả lời của tôi đã khẳng định “thị trường xuống sâu không có lợi”. Tại sao không có lợi? Việc “củng cố” là cần, là việc phải làm thường xuyên và bằng nhiều cách. Tuy nhiên, không thể vì một vài điểm tối mà ta quên cả vùng sáng. Vùng sáng đó là gì? Là yêu cầu phát triển kinh tế nói chung. Cho dù đợt điều chỉnh giảm vừa qua không nặng nề như các năm trước (thị trường vẫn tương đối thanh khoản), nhưng cũng đã gây âu lo cho không ít DN đang có kế hoạch huy động vốn. Nguồn vốn “tắc” thì dự án lừ đừ, DN khó khăn, môi trường kinh tế bị ảnh hưởng. Vả lại, một thị trường còn mới và nhỏ như ở ta mà suy yếu lâu sẽ dễ bị tổn thương. Số nhà đầu tư chứng khoán của ta còn quá thấp, chỉ hơn 200.000 tài khoản trên gần 85 triệu dân là rất mỏng. Việc để mất lửa sớm chỉ có thể là thiệt hại. Vì điều này sẽ gây khó cho nỗ lực phát triển quy mô, rất cần cho yêu cầu phải vượt qua cái ngưỡng nhỏ bé (fledgling) hay mới nổi (emerging). Vả lại, thị trường ảm đạm nếu không đem lại cơ hội cho đại chúng, thì đồng thời nó cũng khoá luôn nguồn “nước” cho doanh nghiệp và luồng gió mát cho nền kinh tế.

Thị trường hồi phục và cho dấu hiệu lạc quan là điều rất đáng mừng. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn chút lo ngại.

Thứ nhất, dư luận (nói chung, bao gồm cả các phân tích, nhận định, bình luận) sẽ vẫn là một lực lượng dẫn dắt thị trường. Đó có thể là những “viện dẫn dựa vào quy luật”, các kịch bản hay “dự báo trên cơ sở chuyên nghiệp”, mà không ít trong số đó hoặc không trúng vào đâu, hoặc đã như nguồn nam châm hút mạnh tâm lý thị trường. Ở đấy có cả những thái cực lạc quan và lo ngại quá bi quan! Tuy nói vậy, điều này là bình thường (và có khi lại cần thiết) trong và trên thị trường. Điều đáng ngại là về những nguồn tin, là cơ sở hay mức độ xác thực, là việc xử lý thông tin và diễn đạt của báo chí, là những cú đánh “bồi” vô tình hay có ý, là sự thiếu vững vàng của người trong cuộc… Suy cho cùng thì tâm lý đám đông (hay bầy đàn) không phải chỉ có trong thị trường mà còn là từ ngoài thị trường…

Thứ hai, sự lạc quan thái quá về thị trường dễ làm cho người ta quên mất kinh nghiệm của ngày hôm qua…

Nếu quan sát kỹ và phân tích các yếu tố cơ bản và diễn biến thị trường, ta có thể tin rằng, một giai đọan phát triển lạc quan của thị trường chứng khoán Việt Nam đang hé mở. Hy vọng đây sẽ là thời kỳ phát triển chắc bước hơn, do được hỗ trợ bởi tiềm lực đầu tư và quy mô thị trường tăng lên, chứ không đơn thuần chỉ là chỉ số. Một khi chỉ số được kết tinh từ kỳ vọng phát triển trên cái nền thị trường vững thì diễn biến sẽ tích cực. Thanh khoản sẽ xuất hiện, được duy trì tốt, và đây mới là lẽ sống của thị trường.

Thị trường lạc quan có thể kéo dài 5, 10 năm hay hơn. Điều này đối với thế giới là bình thường, nên ta có thể hy vọng. Một thị trường như vậy vừa thể hiện sức bật của nền kinh tế, vừa cho nền kinh tế sự hưng phấn để duy trì nhịp độ phát triển.

© Copyright 2007 by Intellasia.net