Ngày 26/9, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố bảng xếp hạng môi trường kinh doanh các nước trên thế giới. Việt Nam xếp thứ 91/187 nền kinh tế được khảo sát và tăng 13 bậc so với năm trước, xác nhận rằng Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN).

Các yếu tố cơ bản

Trong tháng 9, Việt Nam đã thu hút thêm 1,3 tỷ USD vốn FDI, đưa tổng vốn thu hút được trong 3 quý đầu năm lên 9,6 tỷ USD. Công nghiệp vẫn là lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất với số vốn cấp mới trong 9 tháng đầu năm là 4,1 tỷ USD, tiếp sau là ngành dịch vụ với 3,95 tỷ USD, ngành nông - lâm - ngư nghiệp gần 200 triệu USD…

Ngày 26/9, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa Vietcombank theo nguyên tắc Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối qua nhiều giai đoạn với tỷ lệ vốn Nhà nước giảm dần nhưng không thấp hơn 51/% vốn điều lệ. Việc thông qua phương án này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc tạo nguồn cung hàng có chất lượng cho thị trường. Động thái này sẽ kích hoạt việc giải ngân các nguồn vốn nước ngoài, theo thống kê không chính thức lên đến 3 tỷ USD, đang nằm chờ đầu tư. Hơn thế, việc triển khai đấu giá các doanh nghiệp lớn được kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tài chính đến Việt Nam tìm hiểu và đầu tư vào những cổ phiếu khác, ngoài các cổ phiếu đang được IPO.

Một số NHTMQD có vẻ như đang tham gia mạnh hơn vào việc cho vay cầm cố chứng khoán. Các ngân hàng này có tổng dư nợ khá lớn và điều này cho phép họ tiếp tục thực hiện cho vay mà không sợ vượt quá giới hạn 3%. Được tiếp sức bởi những khoản cho vay này, chúng tôi tin rằng, sức mua của nhà đầu tư trong nước sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Nhiều khả năng, tuần này sẽ vẫn là một tuần khả quan của thị trường. Tuy nhiên, chúng tôi không kỳ vọng có sự bùng nổ như tuần vừa qua.

Sàn TP. HCM

Các yếu tố kỹ thuật

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất được xác định tại mức 958,67 điểm. Ngưỡng kháng cự xung quanh 1.000 điểm, nhiều khả năng sẽ lung lay.

Xu hướng tăng giá của thị trường qua một tuần càng được khẳng định mạnh mẽ bởi các yếu tố kỹ thuật. Đầu tiên, VN-Index đã vượt qua ngưỡng kháng cự 61,8% của Fibonacci ở mức 1.009 điểm. Nếu sức cầu đủ mạnh để kéo thị trường lên thì VN-Index sẽ hướng tới 1.090 điểm. Chúng tôi cho rằng, điều này hoàn toàn có khả năng xảy ra trong vòng một - hai tuần.

Đường MA trong trung hạn 15 ngày vẫn duy trì chuyển động dưới đường giá từ đầu tháng 9 đến nay. Đồng thời, MA 15 ngày cắt MA 20 ngày từ dưới lên cho thấy xu hướng tăng giá bền vững trong trung hạn của VN-Index. Thêm vào đó, Bollinger Band cũng tăng độ mở, hỗ trợ cho đường giá đi lên.

Trong tuần qua và từ đầu tháng 8 đến nay, RSI luôn thể hiện độ phân kỳ đối với đường giá hàm ý sức cầu đang có xu hướng tăng lên. Hiện RSI cho thấy, thị trường đã rơi vào tình trạng mua quá nhiều. Do vậy, thị trường sẽ có phiên điều chỉnh trong tuần này. Tương tự như RSI, chỉ số Stochastic Oscillator cũng chỉ ra tình trạng mua quá nhiều của thị trường khi đã vượt quá giá trị 80, hàm ý rằng sẽ có những phiên điều chỉnh. Dự báo, tuần này thị trường tiếp tục tăng trưởng với biên độ từ 2-4%.

Đánh giá thị trường

Tuần qua, thị trường đã bùng nổ mạnh hơn mức mà chúng tôi dự báo. Với một phiên giảm nhẹ duy nhất và 4 phiên tăng mạnh, VN-Index đóng cửa ở mức 1.046,86 điểm, tăng 88,19 điểm (+9,19%) so với tuần trước đó. Khối lượng giao dịch đạt mức kỷ lục với 64.609.430 chứng khoán được chuyển nhượng, trung bình 12.921.886 chứng khoán/phiên.

Nhà đầu tư tỏ rõ sự hứng khởi khi sức cầu tăng đột biến. Nếu như trong tuần trước đó, sức cầu chỉ đạt trung bình 16 triệu chứng khoán/phiên thì tuần qua, sức cầu tăng mạnh với hơn 23 triệu chứng khoán/phiên. Lượng cung cũng tăng tương ứng từ 13,8 triệu chứng khoán/phiên lên 18,8 triệu chứng khoán/phiên. Tuy nhiên, lượng cầu vẫn tỏ ra chiếm lĩnh thị trường.

Điểm đáng chú ý là tuần qua, nhà ĐTNN tăng mua rất mạnh trong khi hạn chế lượng bán ra. Hiệu số của lượng mua tuần qua so với tuần trước đó là hơn 4 triệu chứng khoán, trong khi hiệu số này đối với lượng bán ra chỉ là hơn 1 triệu chứng khoán. Những mã cổ phiếu được họ giao dịch nhiều là PPC, PVD, SAM, TRC…

Khuyến nghị

Nhà đầu tư có thể trading những cổ phiếu được coi là blue-chip và có triển vọng như: PVD, SAM, HRC, TRC, TNC…

Sàn Hà Nội

Các yếu tố kỹ thuật

Đường HASTC-Index được kỳ vọng dao động trong khoảng: đường Resistance được xác định tại điểm 315,2 ngày 18/6; đường Support được xác định tại điểm 272,49 ngày 21/9.

HASTC-Index vượt qua ngưỡng kháng cự 61,8% của dải Fibonacci, tiếp tục đi lên gần mức 100% của dải Fibonacci. Đường HASTC-Index đi lên nằm sát với cận trên của dải Bollinger Bands và nằm trên 2 đường MA thể hiện xu hướng tăng mạnh trong tuần qua của HASTC-Index.

Hai đường MA cắt nhau theo chiều đi lên từ lâu và khoảng cách của 2 đường MA đang tăng dần cho thấy xu thế tăng trong dài hạn của HASTC-Index. Dải Bollinger Bands ngày càng mở rộng thể hiện khoảng dao động của HASTC-Index được tăng thêm.

Đường Stochastic đi ngang nằm ở điểm 100, trên khoảng 20 - 80 (mức overbought), khả năng sẽ có sự điều chỉnh trong 1 - 2 phiên đầu tuần này. Độ phân kỳ của S.O và đường Signal đang được thu hẹp lại (do đường S.O đang đi ngang).

Đường RSI đi lên, nằm trên khoảng 30 - 70 (mức overbought), thể hiện sức cầu đang tăng mạnh.

Đường MACD tiếp tục tăng trong các phiên vừa qua và nằm trên đường Signal, khoảng cách giữa 2 đường MACD và Signal line tăng dần cho thấy xu hướng tăng của HASTC-Index dần mạnh lên.

Khối lượng giao dịch tăng dần, phiên cuối tuần đạt 4.679.800 cổ phiếu, cao nhất trong khoảng 7 tháng trở lại đây. Dù có sự đóng góp lớn của SSI nhưng trước khối lượng và HASTC-Index tăng mạnh, chúng tôi nhận định rằng, thị trường đang có dấu hiệu bán ra. Do đó, nhiều khả năng tuần này HASTC-Index chỉ tăng từ 2-3%.

Các yếu tố thị trường

Tuần qua, thị trường tiếp tục sôi động với 5 phiên tăng điểm liên tục, tổng cộng HASTC-Index tăng 37,08 điểm (+13,61%), đạt 309,57 điểm; tổng khối lượng chuyển nhượng đạt 17.558.800 cổ phiếu, tăng 7.293.300 cổ phiếu (+71,05%).

Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất là SCJ (+57,03%), tiếp đến là IFC (+40,43%). Cổ phiếu giảm giá mạnh nhất là SD5 (-52%), tuy nhiên sự giảm giá này là do ngày cuối tuần SD5 giao dịch không hưởng quyền mua cổ phiếu phát hành thêm với giá ưu đãi. Thực tế, SD5 tăng 10% trong ngày giao dịch không hưởng quyền sau khi đã tăng 4,3% so với cuối tuần trước đó. Tương tự, cổ phiếu STP giảm 17,38% nhưng thực chất là tăng 22,3% so với cuối tuần trước đó.

Tổng khối lượng mua vào của nhà ĐTNN trong tuần đạt 1.502.600 cổ phiếu (+207,6%), bán ra 735.100 cổ phiếu (+108,6%). Diễn biến này cho thấy, nhà ĐTNN tin tưởng thị trường đang trong giai đoạn tăng lên, tuy nhiên họ cũng bán ra để hiện thực hóa khoản đầu tư của mình.

Khuyến nghị

Nhà đầu tư nên áp dụng chiến lược giá tăng để áp dụng cho thị trường tăng, có thể mua vào các cổ phiếu như: ACB, BVS, SSI, PVI, PVS…

© Copyright 2007 by Intellasia.net