Có nhiều căn cứ để đưa ra dự báo lạc quan về sự hồi phục của thị trường chứng khoán sau đợt nghỉ lễ tết dương lịch sắp tới, khi cuộc đấu giá Vietcombank hoàn tất.

Việc thị trường chứng khoán (TTCK) tăng mạnh ngay sau khi kết thúc đợt đăng ký đấu giá Vietcombank đã khiến nhiều người củng cố thêm lý luận về việc thị trường trong nhiều tuần qua đã bị “bóng đè” của Vietcombank. Điều đó khiến cho giá hàng loạt cổ phiếu (CP) từ penny-stock đến blue-chips đều không thể ngẩng đầu lên được.

"Bóng đè" Vietcombank được giải toả

Theo thông tin không chính thức, số lượng CP đăng ký chỉ đạt khoảng 120 triệu CP đã khiến cho ẩn số Vietcombank bắt đầu bị vỡ ra. So với số lượng CP được đưa ra đấu giá là là 97,5 triệu CP thì số lượng đăng ký đấu giá không vượt quá nhiều. Do đó theo ông Huỳnh Anh Tuấn – chuyên viên công ty chứng khoán ACBS cho biết có nhiều khả năng, giá đấu thành công của Vietcombank sẽ không quá 110.000 đồng/CP. Tuy nhiên, giá cả còn tuỳ thuộc vào tâm lý, vào tình hình thị trường trong những ngày sắp tới.

Giám đốc một quỹ đầu tư tài chính của Nhật cho biết sẽ có hai kịch bản xảy ra. Thứ nhất do số lượng nhà đầu tư nước ngoài đăng ký nhiều hơn so với số lượng họ được phép mua (29,25 triệu CP) thì có thể những nhà đầu tư này phải bỏ cao hơn nếu muốn sở hữu được CP Vietcombank. Riêng nhà đầu tư trong nước do khối lượng đặt mua không chênh lệch cao với khối lượng còn lại thì giá từ 105.000 – 110.000 đồng là sẽ mua được. Như vậy, mức giá đấu thành công của Vietcombank đã không như kỳ vọng và dự đoán của nhiều nhà đầu tư trước đó. Với mức giá đó, giá nhiều CP khác nếu được đem ra so sánh với Vietcombank thì sẽ không có sự tăng đột biến. Đặc biệt đối với CP ngành tài chính, ngân hàng thì sẽ khó tăng lên trong khoảng thời gian ngắn sắp tới.

Tâm lý chờ đợi, chần chừ trước cuộc đấu giá Vietcombank giờ đây đã dần dần được giải toả. Tuy nhiên, cuộc đấu giá này cũng sẽ còn phần nào ảnh hưởng đến thị trường khi đến ngày cuối cùng các nhà đầu tư đấu giá trúng phải nộp tiền. Thế nhưng, đó cũng không phải là điều quan trọng nhất vì nhiều nhà đầu tư đã có sự chuẩn bị trước.

Cầu tăng lên

Ông Huỳnh Anh Tuấn nhận định luồng tiền nước ngoài đang đưa vào Việt Nam khá lớn và trong thời gian tới sẽ tiếp tục giải ngân. Hơn nữa, có nhiều dấu hiệu cho thấy nhà nước sẽ kiểm soát tín dụng vào thị trường bất động sản trong năm tới. “Trong thời gian qua, nhà nước đã kiểm soát tín dụng đổ vào TTCK nên dư nợ cho vay bất động sản của các ngân hàng đã quá lớn. Do đó nếu như có sự kiểm soát thì nguồn vốn từ bất động sản sẽ một phần quay lại TTCK”, ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các tổ chức tài chính, các quỹ đầu tư vẫn nhắm đến việc cổ phần hoá của các tổng công ty nhà nước, các ngân hàng quốc doanh trong năm tới hơn là đổ hết vào những CP đang niêm yết. Đặc biệt trong năm 2007, những đợt IPO của các công ty này đã bị “lỡ hẹn”. Trong những tháng đầu năm 2008, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ quan tâm đến việc cổ phần hoá hai công ty bia Hà Nội và Sài Gòn cũng như chờ đợi việc bán cổ phần ra bên ngoài của BIDV, Incombank… Do đó, ông Tuấn cho rằng thị trường trong quý 1/2008 sẽ không tăng quá mạnh nhưng cũng sẽ ấm lên vì sức cầu sẽ gia tăng.

Bên cạnh đó, những nhà đầu tư đã e ngại và rút lui trước cuộc đấu giá của Vietcombank cũng sẽ quay trở lại và tham gia vào cổ phiếu khác trên TTCK mạnh hơn. Vị giám đốc quỹ đầu tư tài chính trên cũng cho rằng trong thời gian tới, ngoài việc có một số thông tin thuận lợi hỗ trợ hơn cho thị trường như việc báo cáo tổng kết kinh doanh của các công ty niêm yết với đa số dự báo đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Khi đó, việc chia cổ tức, thưởng sẽ giúp nhà đầu tư thêm hưng phấn. Tuy nhiên, những công ty lên sàn dồn dập với việc định giá tham chiếu CP trong ngày giao dịch đầu tiên quá cao sau đó lại giảm xuống đã kéo theo chỉ số VN-Index. Đồng thời ảnh hưởng đến giá những CP khác trên sàn vì tâm lý nhà đầu tư không có sự lạc quan. Theo ông, rất nhiều nhà đầu tư cá nhân trên TTCK Việt Nam luôn bị tác động về mặt tâm lý nên thị trường sẽ rất khó dự đoán chính xác.

(Theo SGTT)