Thấy giá nhiều cổ phiếu đã về đến mức khá hấp dẫn, anh Tuấn, mở tài khoản tại Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn (Agriseco) chép miệng: "Giá mà có tiền gom cổ phiếu lúc này".

Anh Tuấn cho hay, hơn một tháng trước, vào lúc đỉnh cao anh đã đổ hết tiền ra gom về 2.000 GIL giá 60.000 đồng, 3.000 TMC giá 59.500 đồng, chưa kịp có lời thì thị trường đã đi xuống. "Tính ra hụt đến gần 19 triệu đồng tiền vốn. Tôi là nhà đầu tư nhỏ nên giờ có muốn mua thêm cổ phiếu để bình quân giá cũng chẳng biết xoay sở ở đâu", anh nói.

Tại nhiều sàn chứng khoán, câu chuyện của các nhà đầu tư nhỏ khác cũng xoay quanh việc tìm đâu ra vốn để mua cổ phiếu trong thời buổi khó khăn này. Chị Hương, mở tài khoản tại Công ty Chứng khoán FPTS, Hà Nội cho hay, chị mua STB ở giá 72.500 đồng từ hồi tháng 10. Trong tháng 11, có hôm giá xuống tới 61.000 đồng, chị rất muốn mua thêm vào mà không còn tiền để mua bởi chị đã dồn hết tiền để mua cổ phiếu OTC khi thị trường này có dấu hiệu ấm lên.

"Nhìn thấy giá hấp dẫn quá mà không biết xoay tiền ở đâu để mua", chị vừa nói vừa chỉ lên bảng điện tử mà tiếc hùi hụi bởi vì hiện tại, giá của cổ phiếu này vẫn ở đầu 6.

Chị Quyên, nhà đầu tư sàn Công ty cổ phần chứng khoán Cao Su (Rubse) thở vắn than dài khi thấy thị trường chứng khoán liên tục điều chỉnh. Chị cho hay, cách đây hơn một tháng chị chỉ mong phiên điều chỉnh để mua cổ phiếu bởi khi ấy cầu luôn lớn hơn cung, đặt lệnh mua với giá trần chưa chắc đã khớp được.

Song, đến khi mua được hàng thì thị trường lại điều chỉnh. "Bán đi sợ lỗ, giữ lại thì không có tiền mua tiếp cổ phiếu để bình quân giá. Cầm cố cũng không ổn vì các ngân hàng thương mại cổ phần đang siết vốn theo chỉ thị 03, khó khăn chồng chất khó khăn", chị Quyên than.

Theo ông Hoàng Xuân Quyến, Giám đốc Phòng Phân tích - Đầu tư, Công ty chứng khoán Tân Việt, hiện nay các nhà đầu tư trên thị trường đang ở thế giằng co. Những người có chứng khoán rồi không muốn bán bởi giá chưa đạt tới kỳ vọng. Họ muốn giữ tới khoảng giữa tháng 12 mới bán ra, nên lượng bán trên thị trường khá nhỏ giọt.

Cũng có một số người đang nắm chứng khoán muốn bán đi để mua lại những cổ phiếu khác đang ở mức giá hấp dẫn nhưng bán cũng không có người mua.

Nhiều nhà đầu tư nhỏ băn khoăn không biết xoay vốn ở đâu. Ảnh: Hoàng Hà

Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư dù nhìn thấy giá rẻ cũng không còn tiền để gom thêm hàng. Theo ông Quyến, trong thời gian thị trường bất động sản bất ngờ sốt, nhiều nhà đầu tư đã đổ vốn sang kênh này. Song, giờ đây thị trường đang chững lại, do tính thanh khoản không cao nên không ít người bị "chôn" vốn trong lĩnh vực này.

Trong khi đó, chuyên gia chứng khoán Lê Đạt Chí cho rằng, nguyên nhân khác khiến nhà đầu tư cạn vốn là việc các công ty niêm yết liên tục phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Việc phát hành này đã hút một lượng vốn đáng kể từ túi nhà đầu tư. Trong khi đó, từ lúc đóng tiền đến khi cổ phiếu về đến tài khoản của nhà đầu tư cũng mất một khoảng thời gian dài. Điều này khiến nguồn vốn nhà đầu tư đổ vào thị trường chính thức ngày càng eo hẹp hơn.

Thêm vào đó, những cổ phiếu sắp lên sàn có hơi hướng địa ốc, xây dựng như Hoàng Anh Gia Lai, Vinaconex sốt nóng khiến lượng tiền của nhà đầu tư chảy từ sàn niêm yết sang OTC.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, đại diện Công ty chứng khoán Ngân hàng Á Châu (ACBS) cho rằng, đa số những nhà đầu tư nhỏ và vừa đang bị hụt vốn đầu tư. Những nhà đầu tư này đa số chỉ mới tham gia thị trường nên chưa có nhiều kinh nghiệm mua bán theo kiểu lướt sóng.

Lúc thị trường lên, thấy mã cổ phiếu nào ưng ý, các nhà đầu tư này tung lệnh mua với giá trần hoặc lệnh ưu tiên, tranh mua tranh bán với các nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên, khi nhận thấy thị trường có dấu hiệu điều chỉnh, các "đại gia" nhanh chân tháo chạy đợi đến thời điểm thích hợp mua lại từ từ. Còn các nhà đầu tư nhỏ vì sợ lỗ nên vẫn giữ cổ phiếu cho đến giờ.

Một nguyên nhân quan trọng tác động tới nguồn vốn của nhà đầu tư là do thời hạn phải thực hiện chỉ thị 03 đang tới rất gần. Theo quy định, ngày 31/12 tới, các ngân hàng sẽ phải thực hiện nghiêm túc chỉ thị 03 về giới hạn cho vay trong lĩnh vực chứng khoán.

Các tổ chức tín dụng có tỷ lệ dư nợ vốn cho vay và chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư, kinh doanh chứng khoán so với tổng dư nợ tín dụng ở mức từ 3% trở lên thì phải thực hiện ngay việc thu hồi và giảm dư nợ. Chậm nhất đến ngày 31/12 các đơn vị này phải đảm bảo tỷ lệ theo quy định là 3%.

Từ nay tới thời điểm đó thời gian còn rất ngắn, những nhà đầu tư nào vay vốn ngân hàng đang phải chịu áp lực trả lãi rất lớn. Chính vì vậy, một số nhà đầu tư dù biết là giá chứng khoán đang ở mức thấp vẫn phải cắn răng bán ra để có tiền trả nợ.

Có thể nhận rõ sự sụt giảm vốn của nhà đầu tư trong những phiên giao dịch gần đây. Trong tuần giao dịch từ 26-30/11 vừa qua, tại sàn HOSE trung bình mỗi phiên chỉ có 8,3 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được chuyển nhượng, giá trị cũng dưới 900 tỷ đồng, ở mức 859,2 tỷ đồng.

Dù thị trường vẫn đang trong thế giằng co như vậy, theo nhận định của giới chuyên gia, đã xuất hiện những tín hiệu cho thấy thị trường đang di chuyển theo hướng tốt.

Ông Hoàng Xuân Quyến cho hay, trên các phân tích kỹ thuật, các chỉ số quan trọng như Vn-Index hay chỉ số dòng tiền đang có dấu hiệu nhích lên. Từ nay tới giữa tháng 12, thị trường chắn chắn còn có những đợt điều chỉnh, song, Vn-Index sẽ khó xuống dưới ngưỡng 960 điểm. Theo dự báo của chuyên gia này, Vn-Index từ nay tới thời điểm đó sẽ ở trong khoảng 970-1.010 điểm.

(Theo VnExpress)